'Anh điếc' trên con đường gốm vuốt tay

01/03/2020 - 07:20

PNO - Cả làng Bát Tràng đầu tư máy móc làm gốm công nghiệp, riêng anh Đạo quyết giữ gốm vuốt tay cổ truyền. Ai cũng nghĩ anh sẽ chết đói vì cách làm bảo thủ đó. Nhưng gần hai mươi năm nay, công việc và cuộc sống của anh vẫn xênh xang.

Vốn khiếm thính bẩm sinh, song “anh điếc” lại là nghệ nhân xuất sắc bậc nhất của làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) hiện nay.

Học lỏm nghề làng

Phạm Anh Đạo sinh năm 1977. Khi anh và người em sinh đôi Phạm Anh Đức chào đời, cân nặng của hai anh em xấp xỉ nhau (Đạo nặng 1,6kg, Đức nặng 1,7kg). Nhưng Đức lớn lên khỏe mạnh, còn Đạo sài đẹn liên miên, phải “làm bạn” với đủ các chủng loại kháng sinh từ nhẹ đến nặng, từ uống đến tiêm. Không rõ có phải vì ảnh hưởng của kháng sinh không mà tai Đạo không nghe được.

Cha anh, ông Phạm Ngọc Huy, kể: “Khi đó vợ chồng tôi thở dài bảo nhau “giá mà nó chửi mình được một câu thôi cũng sướng”. Đi khám, các bác sĩ kết luận màng nhĩ của anh hoàn toàn bình thường. Ông Huy phỏng đoán, không phải do màng nhĩ thì do… dây thần kinh. Thế là ông bà thống nhất phải nói thật to để Đạo nghe được. 

Bảy tuổi, anh bập bẹ nói. Khi Đạo nói được, bố mẹ xin cho anh đến trường. Nhưng anh điếc nặng nên sức tiếp thu chậm hơn nhiều so với các bạn. Đạo học đến ba năm mà không qua được lớp Sáu, ông Huy quyết định cho con nghỉ học. Ông bảo: “Tiếng là lớp Sáu nhưng các thầy thương mà cho lên, chứ kiến thức của nó chỉ ở lớp hai, vì cộng trừ nhân chia nó còn chưa thạo”.

Vợ chồng ông Huy là cán bộ nhà nước nên gia đình không có việc gì cho Đạo làm. Thế là ngày ngày, anh lang thang chơi ở khắp các lò gốm trong làng. Ở đó, anh chỉ đứng hoặc ngồi xem thợ làm. Vừa điếc nặng, vừa không nói không rằng nên cánh thợ Bát Tràng không để ý đến sự có mặt của Đạo. Chẳng ngờ, chính những tháng ngày lang thang khắp các lò gốm ấy, Đạo đã “học” được nghề.

“Anh điếc” đang vững chãi trên con đường gốm vuốt tay

Lấy được vợ nhờ giỏi nghề

Mười tám tuổi, Đạo xin vào học nghề ở Xí nghiệp gốm Bát Tràng. Những người thợ của xí nghiệp năm xưa nhớ rõ: thời gian đầu anh đến học việc, không ai bận tâm đến chàng thanh niên khiếm thính. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Đạo đã khiến cả xí nghiệp đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh học việc rất nhanh, chẳng mấy chốc tay nghề đã ngang ngửa những công nhân bậc cao. Có những lúc gặp phải kỹ thuật khó hay bắt đầu làm một sản phẩm phức tạp, nhiều người còn nhờ anh hướng dẫn và làm mẫu.

Nghe chuyện đó, ông Huy mới nhớ năm Đạo 14, 15 tuổi, ông mở lò gốm tại nhà, tranh thủ làm thêm. Một buổi sáng, mẻ đất vẫn còn nhão nhưng ông vẫn cố đưa lên bàn xoay để hoàn thành nốt công việc trước khi đi làm. Bất ngờ Đạo đứng phía sau đập đập vào vai bố khiến ông Huy cáu: “Nghịch ngợm quá, đi ra ngoài chơi cho bố làm”. Ông quay lại, Đạo chỉ vào cái bình rồi so vai như thể muốn nói “cái lọ của bố bị xệ vai rồi”. Lúc đó, ông Huy thấy vui vui, vì như thế nghĩa là Đạo có nhận thức. Nhưng ông cũng quên ngay vì ở làng gốm, đứa trẻ nào cũng có những tiếp xúc như thế.

Nói đến tay nghề của anh Đạo trong làng gốm, ông Huy tin, trời lấy của ai thứ này sẽ lại bù cho người ta thứ khác. Đạo điếc nặng, nói năng lại khó khăn, song sự tập trung và đôi mắt của anh lại hơn nhiều người bình thường khác. Chính nhờ sự bù đắp đó của ông trời mà Đạo lấy được vợ.

“Hồn của đất - tình của người” từ lâu đã là “slogan” của anh Đạo
“Hồn của đất - tình của người” từ lâu đã là “slogan” của anh Đạo


Chị Trinh, vợ anh, kể lần đầu tiên gặp anh tại hội diễn của làng gốm, chị đã ấn tượng trước một chàng trai trẻ khôi ngô, mặt mũi sáng sủa đang chăm chú vào bàn xoay, cốt đất. Dường như anh không bận tâm đến bất cứ điều gì đang diễn ra xung quanh. Chị Trinh là người làng gốm Kim Lan, nên những câu nói đầu tiên giữa hai người chỉ xoay quanh chuyện gốm. Rồi chẳng biết họ bén duyên nhau tự lúc nào. Chị Trinh cười: “Là tôi ngỏ lời trước, chứ bấy giờ anh ấy có biết gì khác ngoài gốm đâu”.

Bán cho Tây

Năm anh Đạo lấy vợ cũng là thời gian làng gốm Bát Tràng lao đao vì không cạnh tranh được với hàng gốm sứ công nghiệp của Trung Quốc. Kinh tế gia đình khó khăn, thợ gốm Bát Tràng buộc phải bỏ nghề gốm vuốt tay để đầu tư máy móc sản xuất gốm công nghiệp. Cả làng làm khuôn, áp dụng kỹ thuật “đúc, rót” là mỗi mẻ gốm đã cho ra đời cả ngàn sản phẩm nuột nà, đều tăm tắp. 

Sống ở làng nghề, cùng làm nghề nên khó khăn, thiếu thốn của đôi vợ chồng son nhân lên gấp bội. Đạo đứng trước hai lựa chọn: vay vốn đầu tư công nghệ để giải bài toán kinh tế hay giữ cách làm thủ công truyền thống? Chị Trinh thấy chồng vất vả bên bàn xoay đến quên ăn quên ngủ, cũng muốn theo cả làng đầu tư làm gốm công nghiệp. Nhưng cuối cùng anh Đạo quyết định làm mọi thứ bằng đôi tay.

Sản phẩm đầu tiên ra lò, bao nhiêu lời xì xào của làng gốm đều dồn cả vào tai chị: “Đã điếc còn hâm. Gốm làm bằng máy, nuột nà còn ế ẩm nữa là gốm vuốt tay xù xì. Có mà bán cho... ma Tây”. Đến cả ông Huy cũng nóng lòng sốt ruột khi thấy con trai lấy men, dội một cái loang loang lổ lổ, rồi “đang vuốt tròn trĩnh lại vặn ngoéo một cái chẳng ra thể loại gì”.

Vậy mà gốm của “anh điếc” lại đắt hàng, dù giá cao gấp mấy lần “gốm máy”. Và gốm của anh bán được nhiều cho Tây thật, nhất là người Nhật. Bấy giờ ông Huy mới hiểu, việc Đạo vẩy men loang lổ, cách con “bóp méo” sản phẩm chính là sự sáng tạo nghệ thuật. Đơn hàng đầu tiên vợ chồng anh Đạo, chị Trinh nhận được là 600 bình gốm, sau 3 tháng phải giao hàng. Lúc đầu chị Trinh không dám nhận vì chồng chưa bao giờ làm lượng sản phẩm lớn trong thời gian ngắn như vậy. Nhưng anh Đạo quyết nhận và làm đến quên ăn quên ngủ. Thành công ngoài mong đợi, tiếng tăm của “anh điếc” càng lan xa. 

Không chỉ học từ người làng, anh Đạo còn mày mò phục chế gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm men lam, men rạn. “Anh điếc” chính là người làm được việc khó đối với nhiều thế hệ nghệ nhân Bát Tràng: cần mẫn trọn một năm, anh vuốt tay và cho ra lò thành công hai chiếc chóe kỷ lục: mỗi chiếc nặng 5 tạ, cao 1,95m, đường kính gần 1,2m. Làm sản phẩm lớn đã khó, bằng tay lại càng khó hơn, vì phải tạo hình trên bàn xoay, phải tính cốt đất, lượng nhiệt sao cho khi nung mà không bị nổ men. Đặc biệt, đôi chóe ấy lại được làm với nước men rạn, giả cổ. Cả hai kỹ thuật khó vào bậc nhất ấy Phạm Anh Đạo đều chinh phục được. 
“Hồn của đất - tình của người” từ lâu đã là “slogan” của vợ chồng anh Đạo. Gốm vuốt tay của anh mộc nhưng tinh, mỗi sản phẩm của anh đều là độc bản, với kích thước và hình dáng khác nhau. Cân đối, méo, lồi hay lõm đều thực sự là tác phẩm, đều hiện lên rất rõ cái hồn của đất, cái tình của người. Đặc biệt, các sản phẩm - tác phẩm của anh đều chứa đựng cả sự ấm nồng truyền thống và hơi thở sáng tạo hiện đại.

Cùng tài hoa là tình yêu đất, khao khát và nỗ lực nâng tầm giá trị cổ truyền; tất cả đã giúp anh Đạo thành công và khiến con đường duy trì gốm vuốt tay của anh không còn đơn độc. Trên con đường ấy, anh có sự cổ vũ của gia đình. Và hơn thảy, cái tình của anh đã có được tiếng giao hòa cùng những người yêu gốm. 

Uông Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI