Sinh năm 1993, Đặng Huỳnh Đăng là con trai duy nhất trong gia đình. Lẽ đương nhiên, anh là niềm tự hào, niềm hy vọng, là nguồn sống tươi đẹp nhất của ba mẹ. Thế nhưng, mọi chuyện bỗng chốc trở nên rối rắm khi một ngày Đăng nhận ra anh không thích các bạn gái như trước nữa…
Với Đặng Huỳnh Đăng và ba mẹ anh, phát hiện trên thực sự là một bước ngoặt để hiểu, để chấp nhận và thương nhau nhiều hơn. Khi có được điều đó, Đăng muốn chia sẻ sự may mắn đó đến cộng đồng của anh, đến những cá nhân có câu chuyện tương tự anh.
Hiện tại, bên cạnh công việc chính là chuyên viên tư vấn tài chính bảo hiểm nhân thọ, Đăng còn là trưởng nhóm Cộng đồng LGBT (viết tắt của bốn từ tiếng Anh: “Lesbian” (đồng tính nữ), “Gay” (đồng tính nam), “Bisexual” (lưỡng tính) và “Transgender” (chuyển giới)) Đồng Tháp có tên Vietpride.
Đây là nhóm hoạt động cộng đồng về vận động quyền người LGBTQ+ (là các chữ cái viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender và Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân)…) tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV, STIs (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục), cung cấp Prep (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV), PEP (dự phòng sau phơi nhiễm HIV)…
Đăng trò chuyện với tôi sau vụ ngã xe và anh vẫn còn chưa bình phục hẳn, nụ cười thật hiền: “Động lực duy nhất đưa tôi đến Vietpride và khiến tôi gắn bó với nó bởi tôi muốn cộng đồng LGBTQ+ được mọi người công nhận là một cá thể như bao người bình thường. Họ cũng sẽ được hưởng tất cả các quyền lợi như người dị tính.
Tôi muốn giúp cha mẹ họ hiểu, chấp nhận con cái của mình. Vietpride thực sự là ngày hội của người LGBTQ+ để mọi người cùng tụ họp, giao lưu, chia sẻ, kết bạn cùng nhau, để mỗi cá nhân thấy rằng họ không đơn độc. Chỉ cần họ mở lòng…”.
“CON VẪN LÀ ĐĂNG CỦA CHA MẸ”
* Phóng viên: Vào thời điểm nào anh nhận ra sự khác biệt của mình so với bạn bè?
Anh Đặng Huỳnh Đăng: Năm 18 tuổi. Lúc đó, bỗng nhiên tôi có cảm giác rất thích nhìn các bạn nam dễ thương, đẹp trai. Tuy nhiên, lúc đó tôi không nghĩ ngợi gì nhiều vì vẫn có con gái thích mình và mình vẫn mê con gái.
Cho đến khi nhận được lời tỏ tình từ một bạn nam, tôi chợt nhận ra mình rung động. Cảm giác đó hoàn toàn khác so với việc tôi thích bạn gái trước đây. Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Khi ấy, tôi rất sợ gia đình, thầy cô, bạn bè biết nên đã từ chối, thậm chí ngó lơ bạn nam ấy.
* Nhưng đâu thể trốn bản thân mình…
- Có rất nhiều câu hỏi ập đến buộc mình đi tìm câu trả lời, xen lẫn nỗi sợ hãi. Giống như mình là một kẻ trộm rón rén đi và sợ bị phát hiện. Khốn khổ hơn là bản thân mình cũng sợ chính mình không chấp nhận được sự thật. Mình không biết mình đang là gì nữa. Có khi tôi đào bới, có khi tôi lờ đi thông tin về LGBTQ+. Đến tận bốn năm sau, tôi mới chấp nhận sự thật rằng mình là gay.
* Ba mẹ anh biết thông tin đứa con trai duy nhất không thích con gái trong hoàn cảnh nào?
- Cuối năm 2017, bài báo về tôi và người yêu (trước đây) của tôi được đăng tải trên mạng xã hội đã đến tai cha mẹ tôi thông qua những người quen biết.
Thực ra, có nhiều lần tôi muốn nói với mẹ nhưng cứ lần lựa mãi, không biết nên mở lời như thế nào để mẹ không buồn, thành thử tôi cứ im lặng. Đến khi mẹ hỏi thì tôi bỗng thành một kẻ hèn nhát. Tôi chối là không có. Tôi bối rối vì không có sự chuẩn bị trước cho mình và cho cả cha mẹ. Tôi lo cha mẹ không chịu nổi cú sốc đó.
Cha mẹ im lặng không nói gì nữa sau lần đó. Tôi lờ mờ hiểu ra rằng hình như cha mẹ đã đoán được, chỉ chờ tôi mở lời.
Không lâu sau đó, tôi chọn cơ hội thích hợp để chia sẻ chính thức cùng gia đình. Tôi nghĩ mình may mắn khi cha mẹ tôi không phản ứng dữ dội, cũng không la mắng hay kỳ thị như những hoàn cảnh mà tôi từng gặp. Cha mẹ chỉ im lặng và khuyên nhủ nhau.
Tất nhiên, vì tôi là con trai duy nhất của gia đình nên với cha mẹ, đó vẫn là một cú sốc. Và cũng như những ông bố bà mẹ quê, họ vẫn luôn mong con cái suy nghĩ lại.
Bằng sự kiên nhẫn, những gì tôi hiểu được về LGBT và bằng tình cảm của một đứa con dù mang giới tính nào chăng nữa, tôi vẫn là Đăng, là đứa con bé nhỏ của cha mẹ, tôi đã thuyết phục được cha mẹ chấp nhận mình với giới tính thật của mình.
* Quả ngọt ấy bao lâu mới đơm?
- Hai năm sau. Bây giờ, cha mẹ tôi vui vẻ và thoải mái rồi. Hiện tại, mẹ tôi đang rất nôn nóng và hối thúc tôi tìm cho mẹ một… “chàng” dâu để cưới. Mẹ còn tính cả việc sau này chúng tôi có con chung như thế nào để gia đình có tiếng trẻ con cho vui cửa vui nhà, hai đứa về già đỡ tủi.
CÓ RẤT NHIỀU NGUYÊN NHÂN KHIẾN NGƯỜI TA KHÔNG DÁM SỐNG VỚI GIỚI TÍNH THẬT
* Trở thành trưởng nhóm hoạt động của Vietpride tại Đồng Tháp hẳn là một hành trình không thể quên đối với anh?
- Nhờ một người bạn, tôi biết đến Vietpride rồi gắn bó luôn với nhóm. Giai đoạn đầu, buồn cười nhất là chuyện “sợ công an” vì nhóm chưa nhận được sự bảo vệ hay cơ chế pháp nhân nào để thực hiện các hoạt động truyền thông, hỗ trợ cộng đồng LGBTQ+. Mỗi khi tổ chức, nhóm luôn trong trạng thái rất lo lắng.
Có lần nhóm bị công an giải tán, lập biên bản thật. Điều này vô tình tạo thành một nỗi sợ cho các thành viên ban tổ chức mỗi khi tổ chức các hoạt động nhưng cũng cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm hơn.
Theo thời gian, chúng tôi trưởng thành hơn qua các hoạt động vận động tài trợ để tìm nguồn vốn thực hiện các sự kiện cộng đồng, tổ chức làm đồ handmade để gầy dựng quỹ cho các hoạt động.
Sau nhiều năm, Vietpride ngày càng lớn mạnh và được biết đến nhiều hơn, hỗ trợ được nhiều bạn trong cộng đồng hơn. Đó là động lực rất lớn cho chúng tôi.
* Được sống thật với giới tính bản thân là hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn ấy. Đâu là góc khuất của những hoàn cảnh không dám sống thật là mình?
- Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bạn không dám sống với giới tính thật. Có thể do họ là con trưởng của dòng họ, con một trong gia đình. Họ không thể làm buồn lòng mẹ cha. Con gái thì phải lấy chồng sinh con; con trai phải lập gia đình, có con nối dõi, như vậy mới thuận lẽ “tự nhiên”.
Vô tình hay cố ý thì đã có rất nhiều cuộc đời bị hủy hoại. Một số khác không chấp nhận vùng lên phản kháng. Đó lại là một dạng bi kịch khác.
Chị biết đó, nếu gia đình có cái nhìn cảm thông và chấp nhận, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Thế nhưng, cho đến hôm nay, vẫn có rất nhiều người nghĩ rằng đồng tính là một loại bệnh.
Nghiệt ngã hơn, các LGBTQ+ không dám sống thật với giới tính của họ là do môi trường làm việc. Họ sợ bị mất việc, bị xa lánh. Đối với cộng đồng LGBTQ+, khó khăn nhiều nhất là các bạn thuộc nhóm Transgender (chuyển giới nam và nữ).
Các bạn vẫn chịu nhiều sự kỳ thị từ cộng đồng, gia đình và cả công việc vì ngoại hình và sự khác biệt về giấy tờ tùy thân. Nhưng, các bạn ấy đã có can đảm bước ra ánh sáng và dám sống thật.
Tôi muốn nói đến những cá nhân chỉ dám nép mình trong bóng tối và chấp nhận sống trong im lặng để đổi lấy sự bình yên dù trong lòng họ luôn đầy ắp những khát khao được là chính mình, chỉ vì có quá nhiều rào cản mà họ không thể bước qua.
Đó không còn là việc cha mẹ họ chấp nhận hay không mà họ không nỡ chứng kiến cha mẹ vì họ mà đau lòng, thậm chí tự hủy hoại bản thân. Họ đứng trước sự giằng xé giữa chữ hiếu và được là mình. Họ luôn mang mặc cảm trở thành một đứa con LGBTQ+ đã là bất hiếu cho nên họ thà chọn sự dằn vặt bản thân.
CƠ HỘI NHIỀU HƠN, GÓC KHUẤT CŨNG NHIỀU HƠN
* Người miền Tây thường gọi những cá nhân thuộc giới tính thứ ba bằng những cái tên không mấy thiện cảm. Và, con đường duy nhất của những cá nhân ấy, trong ký ức của tôi là đi theo những gánh hát hội chợ. Cơ hội cho những người lao động thuộc giới tính thứ ba nay có nhiều hơn ngày xưa?
- Xã hội hiện tại đã có cái nhìn thoáng hơn với cộng đồng LGBTQ+ nhờ mạng xã hội đa kênh.
Trong cộng đồng LGBTQ+ có rất nhiều người giỏi và thực sự tài năng nên công việc của các bạn cũng đa dạng hơn, cơ hội được tuyển dụng nhiều hơn, thậm chí được một số doanh nghiệp hay ngành nghề ưu ái hơn, từ các ngành nghề tự do, sáng tạo cho đến văn phòng hay tổ chức nhà nước. Dẫu còn ít ỏi song đó vẫn là tín hiệu đáng mừng.
Với lao động phổ thông, hát lô tô hội chợ không phải là con đường duy nhất. Còn rất nhiều công việc khác cho các bạn như vào làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc chọn học các nghề liên quan đến làm đẹp như thiết kế, trang điểm, làm tóc, làm móng… - những nghề rất phù hợp với tài năng và sự tỉ mỉ của các bạn.
|
Cũng như người dị tính, ở bất kỳ nơi nào, lĩnh vực nào, công việc nào, người LGBTQ+ đều có thể làm việc và cống hiến cho sự phát triển của xã hội và quốc gia |
* Góc nhìn của mọi người với cộng đồng LGBT đã có những thay đổi tích cực nào so với thời gian trước đây và đâu là những mặt còn hạn chế?
- Xã hội dần chấp nhận, đỡ phân biệt đối xử hơn, công nhận những đóng góp của gia đình hơn. Các bậc cha mẹ và gia đình cũng dần mở lòng trong việc đón nhận con cái.
Dù đâu đó vẫn còn nhiều bậc cha mẹ chưa sẵn sàng nhưng tôi tin rằng trong tương lai, các ông bố bà mẹ sẽ bao dung và dang rộng vòng tay đón những đứa con họ từng dứt ruột sinh ra, ôm ấp và nuôi nấng.
Mặt khác, cũng phải đề cập khía cạnh ngược lại, phía cộng đồng LGBTQ+: các bạn cần ý thức hơn việc xây dựng hình ảnh của cộng đồng, để được xã hội đón nhận và được công nhận về mặt luật pháp như thay đổi giấy tờ tùy thân, hôn nhân đồng giới…
Hiện tại, vẫn còn các bạn thuộc nhóm dân tộc thiểu số hoặc vùng sâu vùng xa sống rất rụt rè. Công việc của các LGBTQ+ vẫn kém tính ổn định vì giấy tờ tùy thân.
Đặc biệt là nhóm đồng tính nam sống thoáng hơn nên tỷ lệ nhiễm HIV và các bệnh xã hội khác ngày càng cao, nhất là các bạn trẻ. Có rất nhiều câu chuyện đau lòng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của các bạn.
* Ngày càng nhiều cá nhân thuộc cộng đồng LGBT xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phần nhiều trong số đó vì cộng đồng, đem tiếng nói chung lên tiếng cho cộng đồng. Thế nhưng cũng có không ít cá nhân lợi dụng sự ủng hộ của cộng đồng vì lợi ích của bản thân. Anh nghĩ thế nào trước vấn đề này?
- Tôi nghĩ mỗi cá nhân đều có sự lựa chọn của riêng mình. Đa phần đều sẽ chọn những câu chuyện tích cực, truyền cảm hứng, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Những cá nhân vì lợi ích riêng có lẽ chỉ là vài con sâu làm rầu nồi canh và họ cũng chỉ làm được điều đó một hay hai lần, rồi họ cũng sẽ bị cộng đồng xa lánh.
Suy cho cùng, không ai có thể sống xa rời cộng đồng. Còn tôi thì luôn tin vào bản tính hướng thiện bên trong mỗi người.
* Theo anh, những cá nhân LGBT thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nhất là bình đẳng giới?
- Họ sẽ góp phần thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội. Điều này chứng minh rằng, cũng như người dị tính, ở bất kỳ nơi nào, lĩnh vực nào, công việc nào, người LGBTQ+ đều có thể làm việc và cống hiến cho sự phát triển của xã hội và quốc gia.
Đã hơn 10 năm vận động quyền bình đẳng của người LGBTQ+ trôi qua, tôi nghĩ thời điểm hiện tại là phù hợp nhất để sự công nhận “bình đẳng giới” không chỉ có giữa nam và nữ mà còn với cả LGBTQ+.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
HOÀNG LINH LAN (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp