Một ngày, hai ngày… chịu hết nổi, chồng đổi chiến thuật, chuyển từ ẩn nhẫn chờ đợi sang phản công rồi ra sao thì ra. Người vợ dường như cũng chịu hết nổi vì cái mặt nặng sắp trì xuống cổ, thôi thì xông thẳng vào cuộc chiến cho nhẹ người.
|
Ảnh minh họa |
Anh hồn nhiên làm em chẳng bình yên…
- Em! Sao thái độ mấy ngày nay kỳ vậy? Có gì thì nói. Giận anh hả? Mà anh làm gì để em giận?
- Ừ. “Anh đâu có làm gì”, nếu anh có làm gì thì đã tốt hơn rồi. Đừng chọc tui điên!
“Không làm gì cũng nên tội sao?”. Cái triết lý của vợ mới thiệt lạ đời, chắc tại nó được ủ mấy trăm tiếng đồng hồ trong cơn giận sôi sùng sục, giờ lỡ khui rồi thì tới luôn chứ úp mở càng khó chịu.
Hóa ra là hôm chồng đi gặp nhóm bạn gồm năm người, trong đó hai người là cặp vợ chồng đến giờ rước con phải về trước, lát sau, một anh bạn cũng có cuộc gọi đột xuất của khách hàng, còn lại chỉ mình chồng cùng một cô bạn xinh đẹp từng thích anh hiện vẫn còn độc thân. Chỉ cần tưởng tượng ra cảnh hai người lãng mạn ở quán cà phê ven sông Sài Gòn chiều se lạnh là ba máu sáu cơn của vợ nổi lên phừng phừng.
Theo vợ, trong bối cảnh đó, việc cần làm ngay của chồng là viện cớ gì đó, chào thân ái cô bạn rồi chạy thẳng về nhà. Nhưng những gì anh làm là ngồi ỳ ra, mặc cô bạn bâng khuâng hồi tưởng thuở hai người còn chung lớp, chung đường về, mặc cho người quen tình cờ đi ngang nhìn thấy, hết hồn gọi điện thoại mách vợ. “Ngồi với người cũ anh ham lắm hả? Có cơ hội ngồi riêng với nhau mà bỏ về thì uổng hả?” - vợ xoáy tim đen của chồng rồi cứ bắp tay chồng mà ngắt nhéo.
Cũng từng hụt hẫng với “anh xã” chậm, tồ và thụ động kiểu đó, chị Ngọc Quyền tỏ bày: “Có nhiều tình thế, nếu chồng quan tâm, nhanh nhạy thì đỡ cho mình biết bao. Nhiều khi không hiểu chồng mình dở cư xử là do hiền, do lười hay… do ác nữa. Chị em bên chồng ăn nói không phải với vợ, chồng cũng không ra mặt minh oan, lấy lại danh dự cho vợ, cứ để qua thời gian, người ta tự hiểu, may mà vẫn không sứt mẻ tình thân. Anh không bao giờ làm cái chuyện đáng lẽ phải làm và chẳng ai thay thế được”.
|
Ảnh minh họa |
Nhớ ba năm trước, chị Ngọc Quyền bị stress sau sinh vì quá vất vả, căng thẳng với đứa bé sinh non, trong khi cha bé thì quá vụng về trong việc chia sẻ, săn sóc chị. Nói chồng vô trách nhiệm thì không đúng, vì chồng đi làm kiếm tiền lo cho cả nhà, chiều về cũng biết giặt giũ cái khăn, cái tã, nhưng không thể nhiệt tình như chị mong mỏi.
Ám ảnh nhất với chị là đợt con viêm phổi, đêm nằm lăn lộn, thở rít, khóc ngằn ngặt. Suốt buổi tối phụ ẵm bồng, đến mười giờ, chồng chị lên giường bên cạnh tấn mùng lại định ngủ. Vừa đặt lưng xuống thì thằng bé bên giường chị ọc sữa, vậy mà anh đành lòng nhắm mắt, thăng luôn. Chị hụt hẫng khi anh mặc kệ chị vật lộn với bãi chiến trường, thằng bé thì phún sữa thành hai vòi ra lỗ mũi, chị phát khóc vì sợ nó ngạt thở.
Không thể mới đặt lưng xuống mà anh đã kịp ngáy rõ to như vậy được, chị chán nản nghĩ đến “đường tình đôi ngả”. Chị không gọi anh dậy giúp, vì nếu thực sự muốn đỡ đần chị thì anh đã bật dậy phóng sang bên này. Anh không chọn vợ và con, anh chọn giấc ngủ cho riêng mình. Và, anh đâu biết chính anh đã cướp giấc ngủ của chị đêm đó.
Hôm sau, có cơ hội ngồi nói chuyện với nhau, chị góp ý và cho chồng biết cảm giác thất vọng, đơn độc của mình, chồng cười gượng: “Thiệt tình anh có nghe con ói nhưng đuối quá, thôi thì để em tự lo. Lần này thôi, mai mốt anh không xấu nết ngủ kiểu vậy nữa đâu”. Chị nửa đùa nửa thật: “Lần sau, em tạt nước lạnh vô mặt anh cho thấy kinh. Bà bầu, bà đẻ quạu quọ, dễ nổi điên, anh biết mà liệu nha! Hồi tối em định làm rồi đó, nhưng thấy cái mặt ngủ cứ hiền hiền nên thôi”.
Vô tâm hay… nhẫn tâm?
Với những chuyện nhỏ nhặt này, nhiều người cho rằng không quan trọng, gặp chồng không vướng “tứ đổ tường” đã là may, còn đòi hỏi chi tiểu tiết. Ở góc độ khác, vợ chồng là bạn đời, hôn nhân là hành trình của chia sẻ, yêu thương thì trong mỗi tình huống, người phối ngẫu phải xử trí như thế nào cho đẹp lòng nhau, hoặc không làm tổn thương nhau. Như người chồng ngồi lại với cô người yêu cũ khi các bạn đã lần lượt về hết, tự anh ta phải có động thái gì đó để lăn khỏi vùng nhạy cảm, là cơ hội để những suy nghĩ ngoài vợ ngoài chồng được dịp bùng lên lần này và những lần sau.
|
Ảnh minh họa |
Cũng vậy, sự say ngủ của chồng chị Ngọc Quyền trông có vẻ lành như thế, nhưng với chị Quyền, trong hoàn cảnh vợ phải vật lộn chăm con thì sự vô tâm của chồng là nhẫn tâm. “Anh đâu làm gì mà em giận”, không cứ phải có hành động, sự im lặng, trì trệ, “bình chân như vại” của anh từng ngày, từng ngày tháo dỡ mái ấm của mình.
Phụ nữ là phái yếu, yếu ở chỗ luôn trông chờ cử chỉ đẹp và mạnh mẽ của người đàn ông bên cạnh. Vậy đó, phái yếu chúng tôi đòi hỏi cao lắm, nên đàn ông chưa qua “trường lớp” khoan nghĩ tới chuyện bước vào cuộc chơi này.
Thực ra, nếu chịu quan sát, quan tâm một chút, các anh có thể làm gì đó kịp thời: đỡ lấy chiếc xe khi chị dắt qua đường gồ ghề hay trơn ngập; lăng xăng tìm băng keo cá nhân khi chị đứt tay; đặt một nụ hôn kịp thời khi đôi mắt chị khép hờ; bênh vực danh dự, quyền lợi chính đáng của chị, không để đồng nghiệp hay đối tác chèn ép… “Xịn” hơn nữa là mua tặng cho mẹ chị áo hoa ngày tết, anh sẽ thấy một động tác nhỏ mà có tâm của mình sẽ khiến người phụ nữ mở hội trong lòng.
Tô Diệu Hiền