Đàn ông rất ngại những phụ nữ hỏi câu "anh có vợ chưa?" vì họ cảm thấy áp lực, trách nhiệm như sắp đeo gông vào cổ vậy.
Dẫu vậy, chúng ta vẫn nên thẳng thắn với nhau, dù câu chuyện có dừng lại ở mức mối quan hệ trên tình bạn, hẹn hò, yêu đương hay tiến xa hơn, bởi có minh bạch ngay từ đầu thì mới vui vẻ về sau.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Vì sao phụ nữ quan tâm đến tình trạng hôn nhân?
Bởi phụ nữ đơn thân là một miếng “mồi ngon” cho đàn ông đã có gia đình kiếm thêm “phòng nhì” mà chẳng cần phải hứa hẹn trách nhiệm, bởi vì phụ nữ tử tế rất ngại làm người đàn bà khác đau khổ.
Nắm được tâm lý đó, đàn ông chỉ cần lập lờ làm ra vẻ mình đang tự do với các biểu hiện: ôm điện thoại nhắn tin với nàng cả ngày, rồi nửa đêm - giờ mà lẽ ra phải ngủ với vợ - thì bất thần “video call” than cô đơn, nhớ em...
Các anh cưa đổ nàng, nắm được trái tim nàng, rồi mới “thú thực”: Vợ chồng anh đang ly thân mỗi người một phòng, sống vì các con, vợ chồng hết tình còn nghĩa… Đủ các lý do tốt đẹp, cao cả để duy trì cuộc hôn nhấn đó chứ anh chỉ yêu em thôi, xác thân anh sống bên vợ con nhưng linh hồn của anh ở bên em.
Thấy được cơ hội, đàn ông tranh thủ tấn công, chỉ cần hằng ngày nhắn tin thăm hỏi, tỏ ra thương cảm, sốt sắng giúp đỡ những việc vặt vãnh như thay giúp bóng điện, vòi nước, ngày lễ tặng hoa, tặng quà…
Những tay cao tay hơn thì tỏ ra gần gũi với con của nàng, bao nhiêu đó thôi là đủ “hạ gục” nàng rồi.
Nếu lỡ sa vào lưới tình mới phát hiện ra “anh có vợ rồi”, bỏ thì tiếc bởi lâu rồi các nàng cũng đâu được ai quan tâm ấm áp, mà giờ cũng đâu thể làm áp lực bắt anh ấy bỏ vợ. Anh sống không hạnh phúc bên vợ cũng địa ngục lắm chứ, nếu vợ chồng còn nồng nàn, anh dại gì mà đánh đổi gia đình để đến với người mới.
Sự thật khiến chị em bẽ bàng lắm, nhưng rất nhiều phụ nữ đơn chiếc bị “ăn quả lừa” từ đàn ông tham lam, để trở thành người thứ ba trong bóng tối.
Chỉ vì tin anh đã ly hôn
Chị T.A., và anh K. quen biết nhau bảy năm. Lúc biết nhau, anh đã có gia đình, chị thì sau vài lần yêu vẫn một mình. Họ là bạn bè khá thân thiết và trò chuyện tâm đầu ý hợp, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè.
Cách đây hai năm, anh K. báo cho chị biết anh đã ly hôn và bắt đầu đời sống độc thân. Từ đó, họ ít gặp nhau, lâu lâu hỏi thăm nhau qua điện thoại.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Rồi bỗng nhiên, sau một năm “lạnh nhạt”, anh lại trò chuyện với chị nhiều hơn, quan tâm đến công việc của chị, tư vấn cho chị khá nhiều trong việc làm ăn. Những ngày dịch căng thẳng, anh hay gửi thực phẩm đến cho chị. Thành phố hết giãn cách, anh đến nhà chị ngay, mang theo hoa, vào bếp nấu ăn, đối xử với chị khá ân cần. Nhà chị có việc gì anh đều có mặt.
Khi anh ngỏ lời yêu chị, chị đồng ý ngay, chị nghĩ anh và mình đều là người tự do và khá hiểu nhau, điều kiện kinh tế ổn định… chẳng có lý do gì mà không đến với nhau. Anh còn bàn với chị nên có con chung vì anh rất mê trẻ con nhưng hai đứa con anh đang sống cùng mẹ.
Khi bắt đầu mối quan hệ, chị không mảy may nghi ngờ gì, nhưng quen nhau được gần nửa năm chị mới tự hỏi sao anh không đưa chị đến gặp mẹ và anh chị em của anh. Mỗi lần chị gợi ý sang nhà riêng của anh chơi, anh đều có cớ từ chối. Anh than công việc rất bận và mệt nên anh chỉ muốn sang nhà chị tận hưởng cảm giác bình yên.
Chị bắt đầu sinh nghi vặn vẹo: “Vì sao ở nhà em trở về, anh không bao giờ nhắn tin”, “Vì sao có những lúc anh biến mất 1-2 ngày không thấy trả lời tin nhắn?”, “Vì sao không bao giờ để em tiếp xúc với gia đình anh”...
Anh chụp màn hình điện thoại, bảo rằng đây công việc lãnh đạo rất căng, mỗi ngày anh phải xử lý trả lời tin nhắn mấy chục nhóm chat của nhân viên, họp hành, đối tác… mong em đừng gây áp lực cho anh nữa.
Chị biết có điều gì khuất tất, nhưng chị không biết phải tìm hiểu ở đâu, vì căn nhà anh trước đây chị đã từng đến đã bán, nhà mới thì chị không biết. Chị cũng không có thông tin liên lạc với người thân của anh.
Theo lời anh, anh không sử dụng Facebook hoặc mạng xã hội nào, vì không có thời gian. Tuy nhiên, chị T.A. nghĩ anh phải có một tài khoản mạng xã hội nào đó mà anh không lấy tên thật, vấn đề làm sao để tìm ra.
Manh mối duy nhất là anh làm việc ở tập đoàn danh tiếng và vị trí công việc, chị bắt đầu từ đó rồi lần tìm, và một sự thật động trời là anh ly hôn chưa được hai năm nhưng đã kịp có… vợ khác và có đứa con hơn một tuổi.
Chị té ngửa, vì không tìm hiểu kỹ mà chị trở thành người thứ ba. Nhưng cũng may chị chưa có thai nên kết thúc được mối quan hệ sau một cơn tổn thương tinh thần.
Đàn ông sợ trói buộc?
Nhiều chị em có tinh thần cảnh giác cao. Trước khi bước vào mối quan hệ, họ cần một câu trả lời minh bạch. Tuy nhiên, với các anh, khi nghe câu hỏi: “Anh hiện có vợ hay không?” cảm giác đầu tiên là thấy “dội”.
Các anh sẽ suy diễn: Cô ấy đang tìm bạn đời chăng? Cô ấy muốn trói buộc mình? Cô ấy muốn mình phải chịu trách nhiệm với cuộc đời cô ấy? Cô ấy quá vội vàng, chưa có thời gian tìm hiểu mà cô ấy muốn tiến xa vậy sao?... Mình chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc.
Có nhiều trường hợp các anh đang tình trạng tự do nhưng nghe “đàng gái” hỏi vậy thì hiểu nhầm, tự rút êm làm không ít chị em dần dà trở nên e ngại khi đề cập đến tình trạng hôn nhân của các anh. Các chị sợ hỏi như vậy là đường đột, có thể khiến các anh “bỏ chạy” và mình mất một cơ hội có được hạnh phúc.
Ý nghĩa thực sự của câu hỏi chỉ là người phụ nữ muốn xác nhận cả hai đều ở tình trạng tự do trước khi tìm hiểu và bước vào mối quan hệ yêu đương, để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra thôi, còn mối quan hệ đó đi đến đâu, yêu lâu dài hay chỉ là bạn tình (friend with benefits) thì còn phải đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều yếu tố quyết định.
Song, nếu im lặng đoán mò thì sợ bị “hố” hoặc tìm hiểu vòng vòng qua người khác thì sợ mất mặt. Dù vậy, nếu chịu suy tính lợi hại, thiệt hơn, thì chị em vẫn nên hỏi rõ để tránh thiệt hại tinh thần cho mình. Bạn có thể rào trước đón sau để cho anh em hiểu rằng, bạn chỉ đơn giản xác nhận tình trạng hôn nhân để tránh rắc rối, chứ không có ý vội vã tiến sâu khi mà mối quan hệ vừa chớm nở.
Nguyệt Cát