Anh có đủ huy chương để xin danh hiệu chưa?

01/05/2018 - 09:00

PNO - 2 năm một lần, Nhà nước sẽ có đợt xét phong danh hiệu NSND, NSƯT. Và, 2 năm một lần, những ý kiến tranh luận lại dấy lên, cảm xúc của người làm nghề lại pha trộn của những đau đáu, bức xúc…

Những ngày này, câu hỏi thường được gặp giữa những nghệ sĩ gạo cội cải lương là “Anh A có tên trong danh sách không, đủ huy chương chưa?”, “Anh B có làm hồ sơ không?”, “Sao anh C không được đặt cách như D?”…

Anh co du huy chuong de xin danh hieu chua?
Không ít người làm nghề bức xúc khi cho đến nay NSƯT Minh Vương vẫn chưa được tặng danh hiệu NSND, chỉ vì ông thiếu số lượng huy chương

Câu hỏi của những nghệ sĩ của sân khấu kịch cũng giống như thế. Để rồi, trộn lẫn trong đó là hàng vạn câu hỏi khác mà họ đã hỏi nhau và hỏi cả cơ quan quản lý không biết bao nhiêu lần: Sự cống hiến của nghệ sĩ sao lại phải căn cứ trên những chiếc huy chương?

Trước đây là 5 năm một lần, rồi 3 năm, và giờ là 2 năm một lần xét tặng... theo đó, những câu hỏi cũng dày lên.

Đợt Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 mới đây, không ít vở kịch của sân khấu này đã phải “núp danh” sân khấu khác chỉ bởi sân khấu mình thiếu tiêu chuẩn về thời gian hoạt động theo quy định, sân khấu khác nữa không đồng ý núp danh thì phải đợi mùa sau trong tiếc nuối…

Không tiếc nuối sao được, vì phải tham gia liên hoan thì mới có cơ hội nhận huy chương, có huy chương thì mới có cơ hội đủ điều kiện xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Dĩ nhiên, không phải ai tham gia cuộc chơi này cũng vì chiếc huy chương, nhưng, trễ một “mùa huy chương” thì lại phải đợi thêm một mùa, trong khi tuổi đời của người ca, diễn lại ngắn theo thời gian…

Mà, đó là với những nghệ sĩ còn “cửa” để tham gia những hội diễn. Có những nghệ sĩ, tên tuổi và tài năng của họ đã vượt tầm thi thố và chỗ ngồi của họ trong các sân chơi này đã không còn trên sân khấu nữa, thì cánh cửa để có thêm huy chương như yêu cầu lại càng hẹp.

Tài năng của NSƯT Minh Vương là điều không ai có thể bàn cãi, và nếu có một sân chơi thi tài, người ta sẽ nghĩ đến chỗ của ông là chiếc ghế đào tạo, chấm điểm chứ không phải chỗ thi. Để rồi sau đó, khi xét về số lượng huy chương, ông sẽ chẳng thể nào đủ để được xét tặng danh hiệu NSND (phải có thêm 2 huy chương vàng hội diễn toàn quốc sau thời điểm đạt danh hiệu NSƯT), trong khi những người mà ông chấm điểm kia thì hoàn toàn có thể.

Anh co du huy chuong de xin danh hieu chua?
Với những người như NSƯT Ái Như, huy chương hay danh hiệu hoàn toàn là điều vô nghĩa

Ở Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2018, những nghệ sĩ gạo cội của làng kịch Sài Gòn là Ái Như, Thành Lộc, Thành Hội… chọn cách đứng ngoài cuộc chơi, vì không mặn mà với huy chương hay giải thưởng, thành tích. Để rồi một điều chắc chắn sẽ diễn ra vào một ngày nào đó, là các nghệ sĩ “lớp dưới” họ về tài năng lẫn tuổi nghề và sự cống hiến sẽ lần lượt được vinh danh với những danh hiệu to tát, vì đủ huy chương để xét tặng, còn họ thì không. 

Dĩ nhiên, với những nghệ sĩ này, danh hiệu là thứ vô nghĩa, nhưng từ đó sự lởm khởm của “mặt bằng danh hiệu” là điều sẽ xảy ra, chỉ vì những chiếc huy chương!

Không phải ngẫu nhiên mà trong quy trình xét tặng danh hiệu nghệ sĩ thời gian qua lại có 2 chữ “đặc cách” hay “xem xét”, để những cống hiến, tài năng sẽ được nhìn nhận một cách thấu đáo chứ không phải chỉ dựa vào những con số khô khốc. Vậy nhưng nào có dễ. Ở kỳ xét tặng trước, có nghệ sĩ miền Bắc đã bức xúc đặt câu hỏi vì sao mình vẫn làm nghề, vẫn cống hiến và đạt đủ huy chương nhưng lại không được xét tặng NSND, nhưng có nghệ sĩ miền Nam thì lại được (theo cơ chế đặc cách) trong khi không đủ huy chương?

Ở một góc độ nào đó, sự bức xúc ấy không phải là không có lý, bởi khi đã máy móc đưa một yếu tố mang tính định lượng vào quy chế xét tặng, thì yếu tố mang tính định tính sẽ chẳng dễ dàng thuyết phục được người khác, dù hợp lý. Một lần nữa, chiếc huy chương trở thành vật cản hợp pháp!

Với người nghệ sĩ, sự yêu mến và công nhận của khán giả mới là thước đo quan trọng nhất, nhưng một khi cơ quan quản lý nhà nước xác nhận cống hiến của nghệ sĩ bằng những danh hiệu, thì nhu cầu cần được công nhận sự cống hiến ấy là một nhu cầu chính đáng của những người làm nghề chân chính, nhiều cống hiến. Chỉ là, sau bao nhiêu năm với những loay hoay, sao chiếc huy chương vẫn cứ là thứ máy móc nhất, gây tranh cãi nhiều nhất, là thủ phạm lớn nhất gây tổn thương cho người làm nghề!

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI