Anh có còn thương em không?

08/01/2022 - 06:49

PNO - Khi thấy các chủ nợ lần lượt kéo đến nhà, Đức mới vỡ lẽ việc vợ anh vay gần 2 tỷ đồng. Họ tìm Hảo vì hai tháng nay không nhận được tiền lãi như cô cam kết.

 

Đức ngỡ ngàng vì không hề biết Hảo vay tiền làm gì mà nhiều thế. Ban đầu hỏi thì Hảo quanh co, sau thấy Đức gay gắt, cô bật khóc nức nở thừa nhận vay cho… người tình. 

Vì một phút xao lòng không kiềm chế được cảm xúc, cô và người đàn ông ấy đã đi quá giới hạn. Sau lần đó, Hảo bị anh ta uy hiếp và đe dọa sẽ tung clip nóng, gây ảnh hưởng tới gia đình cô. Vì sợ hãi mà Hảo phải vay tiền cho anh ta hết lần này đến lần khác. Trước nay Hảo vốn được mọi người quý mến vì tính tình thật thà, nên khi nghe cô nói vay tiền làm ăn và sẽ gửi lãi hằng tháng, ai cũng tin tưởng. Mấy tháng đầu khoản vay còn ít, Hảo xoay xở lấy chỗ nọ bù lãi chỗ kia được. Nhưng càng ngày khoản vay càng lớn, cô không sao lo được tiền trả lãi nữa. Hảo gọi giục trả nợ thì anh bồ chối phăng, lộ mặt là kẻ lừa đảo. Những lần giao nhận tiền đều chỉ gọi điện ngắn gọn đưa tiền mặt. Thế nên bây giờ Hảo chẳng có bằng chứng nào để bắt tội được anh ta cả.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Cảm giác bị phản bội khiến Đức đau đớn, uất ức, căm hận. Còn Hảo, sau khi thú nhận mọi chuyện thì rơi vào trạng thái suy kiệt. Cô lo sợ, chỉ nằm khóc và không ngừng đòi chết. Đáng lẽ ra Đức mới là người cần được an ủi, thì lúc này anh lại phải dỗ dành vợ. Lúc đưa cơm cho Hảo, nghe cô nghẹn ngào hỏi “anh còn thương em không?”, Đức bỗng rơi nước mắt. Đã bao lâu rồi anh không nói nổi một lời yêu thương, vỗ về, cảm ơn… vợ? 

Lấy nhau khi cả hai mới đôi mươi, Đức khi ấy là thợ xây tự do, vợ anh làm công nhân môi trường. 12 năm qua, Hảo làm vợ rồi làm mẹ của hai con, toàn tâm thu vén cho gia đình và chăm sóc người mẹ bị mù của Đức chu đáo. Nhờ có Hảo cắt đặt mọi việc nên anh có thể chuyên tâm vừa làm vừa học hỏi mà lành nghề, 5 năm nay tự đứng ra nhận thầu, tính toán làm ăn đâu ra đấy. 

Vợ chồng có nhà cửa khang trang, con cái ngoan ngoãn, mẹ chồng nàng dâu hòa thuận, kinh tế ổn định với thu nhập mỗi tháng gần 20 triệu đồng. Nhưng ngần ấy thời gian, Đức nhận ra mình chưa bao giờ nói “anh thương em” với vợ. Kể cả khi Hảo vì khó sinh mà nằm lặng sau cuộc phẫu thuật, cơ thể rệu rã xanh nhớt, anh cũng không thể nói với cô một lời ngọt ngào. Cứ thế, Đức không bày tỏ thì vợ anh cũng không dám đòi hỏi hay thổ lộ gì, cảm xúc vợ chồng tự bao giờ cũng chỉ theo thói quen.

Đức tổn thương sâu sắc, nhưng anh cũng tự vấn thiếu sót của mình. Với bản lĩnh của người đàn ông trưởng thành, Đức hiểu rằng không thể vì một sai lầm mà phủi bỏ đi tất cả những điều tốt đẹp khác Hảo đã làm trước đó. 12 năm qua, những công lao, vất vả và cả sự nỗ lực vun vén cho hạnh phúc của cô chẳng thể đong đếm được. Anh có thương Hảo không? Câu trả lời trong lòng anh là có, thậm chí trong thương còn có lòng biết ơn nữa. Nhưng có lẽ cả anh và vợ đều đã quá tiết kiệm những lời thương, nên hạnh phúc lung lay lúc nào chẳng biết.

Cũng như vợ chồng Hảo, lấy nhau đã 5 năm, Hòa và chồng chưa khi nào giận nhau quá một ngày. Cô nói rằng những lúc cãi vã, giận hờn, đàn ông thường không muốn làm lớn chuyện nên hay có kiểu “im lặng là vàng”. Nhưng họ lại vô tình không biết làm vậy là như để lại cái nhân của u nhọt. Vậy nên, cứ hễ có bất đồng là Hòa giãi bày tâm tư với chồng. Và trong cuộc nói chuyện thẳng thắn ấy, cô luôn hỏi chồng “anh có thương em không?”. Chồng Hòa sẽ bộc lộ suy nghĩ, rằng thương thì thương như thế, mà giận thì giận như này… Nhờ thế mà mọi mâu thuẫn được giải quyết rất nhanh.

 

Hòa tự nhận mình là người dễ nói lời thương, nhưng cô lại thấy sự dễ dãi đó đáng giá. Khi chồng phụ rửa bát, cô ôm anh từ phía sau, không ngại nịnh chồng bằng một nụ hôn lên má: “Chồng ai mà dễ thương hết sức, cưng không chịu nổi”, “Lấy được anh là điều tuyệt vời nhất”… 

Mỗi ngày, Hòa đều hỏi chồng có thương mình không. Câu hỏi mà chồng cô nghe đến cả tỷ lần vẫn không bao giờ nói vợ lắm lời hay chê trách kiểu “hỏi gì nhiều thế”. Thỉnh thoảng anh cũng kê đầu vào vai Hòa hỏi ngược lại cô như thế. Vợ chồng đều xem những lời thương trao nhau mỗi ngày như một món quà. Khi đặt ra câu hỏi “anh/em có (còn) thương?” với chồng/vợ mình, là một cách mà cả hai tự xác tín, nhìn nhận và nuôi dưỡng cảm xúc dành cho nhau, giúp tình cảm vợ chồng không bao giờ nguội lạnh. 

Bước vào hôn nhân, kế sau từ “yêu” sẽ là chữ “thương”. Nhưng đừng bao giờ thương nhau mà… để đó, hãy thổ lộ điều ấy cho đối phương, cho người bạn đời. Khi biết nói lời thương nhau, hành trình xây đắp tình yêu và hạnh phúc ngày một vững bền cũng sẽ dễ dàng hơn. 

Mai Đình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI