Anh chưa bao giờ nói 'anh yêu em'

27/04/2015 - 10:56

PNO - PN - Đọc những bài liên quan đến tin nhắn “Em yêu anh”, cô bạn thân của tôi cười tủm tỉm: “Mình và chồng chưa bao giờ nói với nhau 3 tiếng quan trọng này, ngay từ khi còn yêu nhau. Tuy vậy, đến tận bây giờ, cuộc hôn nhân của...

edf40wrjww2tblPage:Content

Họ gặp nhau khi cả hai đều cứng tuổi. Ai cũng có lý do chính đáng. Cô mải mê với công việc nghiên cứu ở phòng thí nghiệm. Còn anh để lại một thời tuổi trẻ nơi chiến trường…

Sau 3 tháng quen nhau, có lẽ do đều đã “chững chạc” nên hai người cảm nhận về tính cách của “đối tác” một cách khá chính xác. Họ thấy hợp nhau và có thể “góp gạo thổi cơm chung”. Một buổi tối, sau khi chở nhau dạo một vòng quanh phố, anh đưa cô vào một quán cà phê nhỏ. Khuấy khuấy ly nước cam rồi đẩy về phía cô, anh ngượng ngập: “Anh muốn chúng mình làm đám cưới! Được không em?”. Cô hơi bất ngờ và lúng túng.

Anh chua bao gio noi 'anh yeu em'

Tuy thời gian tìm hiểu không nhiều. Nhưng cô hiểu anh khá rõ. Anh hiền lành và chất phác, chân thật và giản dị, từ vẻ bên ngoài đến tính cách. Chính vì thế, cô luôn cảm thấy dễ chịu và bình an mỗi khi bên anh. Đây là người đàn ông mà cô muốn sống bên cạnh đến cuối đời. Nghĩ thế, cô e lệ gật đầu. Vậy là họ thành vợ chồng, sau một đám cưới đơn giản.

Anh chưa bao giờ nói với cô 3 tiếng “Anh yêu em”. Cũng chưa bao giờ cô hỏi “Anh có yêu em không?”. Nhưng minh chứng về tình yêu của anh thì đầy ắp cuộc sống của cô. Đó là những buổi chiều, khi anh bước vào nhà, cất tiếng gọi: “Em ơi! Anh về rồi!”. Cô nhìn thấy trong mắt anh ánh sáng rạng rỡ của niềm vui gặp mặt. Thay quần áo xong, anh tranh thủ tưới đám rau trước nhà, ra giếng xách nước (hồi đó nơi cô sống chưa có nước máy như bây giờ), đổ đầy các xô chậu trong nhà tắm và nhà bếp… Ăn xong, trong khi cô rửa bát, anh giặt thau quần áo của hai vợ chồng…

Tuy rất có năng lực trong công việc cơ quan nhưng cô không phải là người nội trợ giỏi. Song, chưa bao giờ anh mở miệng chê bai các món cô nấu. Thỉnh thoảng, anh chỉ nhắc khéo: “Món canh này em bớt chút muối thì sẽ ngon hơn đấy!”. Hoặc: “Hình như em quên cho tiêu vào cá kho phải không?”. Cô cười cười, gật đầu xác nhận. Dần dần, cô cố gắng để những bữa ăn dù vẫn đạm bạc vẫn ngon hơn…

Công việc nghiên cứu ở phòng thí nghiệm nhiều lúc khiến cô về muộn. Những khi ấy, anh không nề hà chuyện bếp núc. Thời gian đầu, những bữa cơm anh nấu (bằng bếp củi) lúc sống lúc khê, nhưng được cô động viên nên sau này tiến bộ hơn. Đến khi có con, đêm đêm, anh dành phần ru, dỗ dành những khi con khóc, với lý do: “Em phải ngủ cho khỏe để có sức nuôi con”. Đi làm về, anh không nề hà “đánh vật” với đống quần áo, tã lót của con…

Anh chua bao gio noi 'anh yeu em'
 

Cô cũng chưa bao giờ nói với anh 3 tiếng: “Em yêu anh!”, mặc dù những lần thấy anh nấu ăn, thấy anh giặt đồ, thấy anh ru con bằng những bài hát đậm chất lính như “Đêm Chalo”, “Giải phóng miền Nam”, “Hành quân xa”… cô vừa cảm động vừa cồn cào tình yêu anh…Đổi lại, cô chăm chút cho anh bằng cách nấu cho anh những món ăn ưa thích, tranh thủ giải quyết công việc trong tuần để ngày chủ nhật có thể cùng anh và con về thăm nội…

Đến bây giờ, con cái đã rời tổ bay xa. Chỉ có hai vợ chồng trong ngôi nhà nhỏ nhưng không lúc nào anh hay cô cảm thấy buồn bởi họ luôn có chuyện để kể, để nói, để tâm sự cùng nhau. Họ vẫn yêu nhau như ngày nào, dù chưa bao giờ nói: “Em (anh) yêu anh (em)”.

DUY THẢO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI