PNO - PNCN - Đó là một mệnh lệnh được chị sử dụng như câu thần chú cho mọi mâu thuẫn trong tình yêu và hôn nhân. Dường như nó trở thành thói quen khiến chị trở nên độc đoán.
edf40wrjww2tblPage:Content
Không cần biết đúng sai, thiệt hơn, cũng chẳng bao giờ đặt mình vào địa vị của chồng để lý giải, cảm thông; càng không nhường nhịn hay bình tĩnh để cùng nhau tìm hướng giải quyết tốt hơn, chị coi mình là nhất nên luôn lấy bản thân ra gây áp lực cho chồng. Thế nên để có được chị, anh đã phải đánh đổi và mất mát rất nhiều. Chưa lần nào anh dám buông chị ra vì tình yêu anh dành cho chị quá lớn. Chị thừa biết vậy nên coi đó như gót chân Asin của chồng, để “thao túng” hôn nhân theo ý mình.
Nhiều lúc mệt mỏi ngồi yên lặng một mình, anh thấy xót xa. Đời anh chẳng còn gì ngoài chị. Mà chị thì chắc gì đã thuộc về anh mãi. Lỡ một mai chị thấy trò chơi “lựa chọn” không còn thú vị nữa. Lỡ anh không còn gì đáng giá để thế chấp lòng tin với chị, thì có gì đảm bảo chị sẽ không thay lòng đổi dạ. Tình yêu này, ngay từ khi bắt đầu, anh đã thấy nó quá mong manh.
Hồi mới yêu nhau, chị hay nổi máu ghen với bất kỳ cô gái nào lảng vảng quanh anh. Biết tính chị nên anh tự hạn chế dần các mối quan hệ để đỡ phải nhức đầu. Nhưng bạn thân thì làm sao bỏ được, nhất là khi cô bạn ấy lại quá xinh đẹp, giỏi giang, vậy nên cô ấy trở thành cái gai trong mắt chị. Ngày nào chị cũng kiếm chuyện, khiến anh mệt mỏi với những câu truy vấn. Chị bắt anh xóa số điện thoại của cô bạn, bắt ngừng gặp gỡ.
Ngay cả khi bạn bị tai nạn phải điều trị trong bệnh viện, anh ghé thăm một chút, chị cũng cảnh cáo “liệu hồn”. Cô bạn anh ban đầu còn cố gắng gần gũi chị, mong mọi hiểu lầm được xóa bỏ để có thể vui vẻ cùng nhau. Nhưng người ta càng kéo gần, chị càng muốn bứt ra. Tình bạn mười mấy năm của anh, chị đang tâm bắt vứt đi bằng được. Dường như không một chút áy náy, chị đứng trước mặt anh dứt khoát: “Em hoặc cô ấy. Anh chọn đi”. Chị bày tỏ sự quyết tâm bằng cách chấm dứt liên lạc với anh. Không muốn mất chị, anh chẳng còn cách nào ngoài việc xa cách dần với bạn. Cô bạn cũng hiểu chuyện, để anh đỡ khổ tâm, đã chủ động lấy cớ bận bịu và hiếm khi liên lạc.
Chị hả hê với “quyền lực” của mình. Nhắc lại chuyện cũ, lúc nào chị cũng đắc thắng: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Em mà không gay gắt thì bây giờ chẳng biết đâu mà lần”. Đến lúc cô bạn báo tin lấy chồng, thấy anh buồn, chị móc máy: “Sao thế, tiếc lắm à?”. Ừ, anh tiếc. Tiếc cho một tình bạn từng thân thiết, sướng khổ có nhau, vậy mà lúc gọi mời đám cưới, bạn phải rụt rè: “Nếu cậu không thể đến được, tớ cũng không trách gì đâu. Tớ hiểu mà”. Câu nói ấy khiến anh tự giày vò. Bạn hiểu, nhưng chị đâu có hiểu.
“Mẹ hoặc em. Anh chọn đi!”. Vẫn là giọng điệu chắc nịch, một lần nữa chị lại làm anh đau khi phải quyết định để mẹ sống một mình. Anh là con trai duy nhất trong nhà, bố mất sớm, hai em gái đều đã lấy chồng xa. Mẹ bao năm một mình vất vả cực nhọc nuôi các con khôn lớn, giờ tuổi già sức yếu, nay ốm mai đau, chỉ mong gần con cháu cho đỡ cô quạnh. Anh rất muốn sống chung để chăm sóc mẹ, nhưng chị kiên quyết không ở với mẹ chồng. Nếu muốn lấy chị, anh phải xây nhà riêng, còn không thì “thân ai người ấy lo, hồn ai nấy giữ”. Dù anh có đưa ra hàng trăm lý lẽ, chị cũng cố tình không hiểu.
Dĩ nhiên là chị có lý do của mình, nhưng sao chị không chịu hiểu cho anh. Anh chỉ còn có mình mẹ, nỗi đau mất cha còn rướm máu, chị đâu quan tâm. Để mẹ ở một mình, nhỡ đêm hôm trái gió trở trời, mẹ biết cậy nhờ ai? Nếu mẹ có bề gì, chắc anh phải ân hận suốt đời. Anh đâu thể đùn đẩy trách nhiệm hay nhờ vả được ai. Anh khổ tâm vậy mà chị cứ thản nhiên đay nghiến: “Anh bắt em sống cùng mẹ chồng thì sớm muộn gì cũng ký vào giấy ly hôn mà thôi. Thế thì cưới xin để làm gì?”. “Có phải anh định cưới tôi về làm Ôsin chăm sóc mẹ anh không?”. “Xa thương gần thường. Anh muốn mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu yên ổn thì tốt nhất hãy sống riêng. Đừng để em phải điên lên”.
Chắc hẳn nhiều người đàn ông đã rơi vào hoàn cảnh như anh, bởi đàn bà như chị đâu thiếu. Anh gọi đó là cuộc chiến. Không biết những người đàn ông khác có chiến thắng hay không, nhưng anh thì đã đầu hàng trước chị. Mẹ bảo, con đừng lo gì cho mẹ, đừng vì mẹ mà cãi cọ nhau, chỉ cần sống với nhau hạnh phúc là mẹ vui rồi. Anh chẳng thể nào vui, ngay cả khi xây xong ngôi nhà mới khang trang như mơ ước bao năm, là vì trong ngôi nhà to đẹp này, không có mẹ. Riêng chị thì thảnh thơi với "thánh địa" của mình.
Chắc chị nghĩ tim anh là gỗ đá nên chẳng biết đau. Chị không biết mỗi khi ăn bữa cơm ngon, anh rất thèm có mẹ ăn cùng. Đêm mưa bão đùng đùng, anh tỉnh dậy ngồi đốt thuốc. Chị thức giấc càu nhàu: “Sao đêm hôm không ngủ, hay là ngồi tơ tưởng con nào?”. Anh thấy lòng nặng trĩu, tự hỏi không biết giờ này nhà mẹ ra sao? Mưa gió mẹ có ngủ được không? Người già thường tỉnh giấc nửa đêm, chắc mẹ đang cô đơn lắm. Chị không phải người quá vô tâm. Chị cũng hay hỏi han sắm sửa cho mẹ thứ này thứ kia.
Lúc mẹ ốm, chị cũng năng về chăm sóc, thuốc thang đầy đủ. Cũng chẳng phải là chị không thương mẹ, vậy mà cứ nhắc đến chuyện đón mẹ về ở, chị cứ nhất quyết nói không. Chị bắt anh phải chọn lựa trong khi anh thì chẳng dám “bùng lên”, sợ rằng ai cũng làm căng thì cửa nhà tan tành, lại khổ thân tụi nhỏ mà mẹ cũng buồn lòng. Mẹ già rồi chẳng sống được bao lâu, cứ kiên quyết đón mẹ về mà chị không vui vẻ thì càng làm mẹ khổ. Hôn nhân vốn mong manh dễ vỡ, nên có muốn thử, anh cũng đâu dám, dù chỉ một lần. Chị càng được đà, thứ gì cũng đòi theo ý.
Đàn ông sinh ra vốn không phải để nhẫn nại cả đời. Đến như anh, độ chịu đựng cao thế, mà tưởng cũng có lúc bùng cháy như ngọn đuốc. Những chuyện lớn chị o ép đã đành, đằng này ngay cả mấy chuyện lặt vặt chị cũng thích can thiệp tới cùng. Cơ quan tổ chức đi du lịch, anh động viên vợ con đi theo để có một kỳ nghỉ vui vẻ bên gia đình và đồng nghiệp. Dù gì mỗi năm chỉ có một lần, mà lâu rồi cả nhà chưa có dịp đi đâu đó thay đổi không khí. Anh mong mỏi thế, ấy vậy mà vừa nghe xong chị đã càu nhàu “bận tối tăm mặt mũi, thời gian đâu mà chơi bời đú đởn”. Anh thở hắt ra, cảm thấy bao nhiêu hứng thú, nhiệt thành bay mất.
Thôi đành vậy, chị không đi thì mấy bố con đi. Nhưng không may lũ trẻ vướng lịch học, chưa kịp ý kiến gì thì đã bị chị lườm. Chẳng có vợ con, anh cũng không thiết tha gì, nhưng đã mấy năm không tham gia cùng cơ quan, lần này cũng vậy thì anh em sẽ trách. Nghĩ thế anh tặc lưỡi: “Một mình thì một mình. Sợ quái gì”. Vậy nhưng cuối cùng anh phải sợ, khi chị quát um: “Không có vợ con thì anh đi làm gì. Đi để tí tởn gái gú, bồ bịch đúng không? Tôi còn lạ gì đàn ông các anh nữa, chê vợ già, ham mê của lạ. Anh có giỏi thì cứ thử đi xem. Đi được đi luôn đi, đừng có về cái nhà này. Giữa vợ con và vui thú, anh chọn đi”. Lần này thì không phải anh sợ chị viết đơn ly hôn như đã dọa mà là sợ người đàn bà đang chung sống với mình.
Chị ích kỷ và độc đoán. Nếu thương yêu chồng, chị đã không bắt anh phải chọn lựa những điều chẳng đành lòng. Anh cảm giác, trong mọi việc chị đều muốn chồng nhất nhất theo ý mình. Chị bỏ mặc chồng sống trong cảm giác không được yêu thương và tôn trọng, vì chị luôn nghĩ dù có thế nào, anh cũng không dám buông tay chị. Nhiều lúc anh cứ nghĩ, phải chăng lỗi một phần tại bản thân anh. Nhẽ ra ít nhiều anh cũng phải một lần kiên quyết trước chọn lựa đúng đắn của mình, để đừng tạo cho chị cơ hội và thói quen áp đặt. Anh không biết mình còn chịu đựng được bao lâu nếu chị cứ như vậy. Ngồi trước va li quần áo chuẩn bị cho chuyến đi nghỉ mát cùng đồng nghiệp, anh thấy nặng nề. Biết vợ con đồng nghiệp vui vẻ gói cho chồng từ cái dao cạo râu đến vỉ thuốc đau đầu, còn vợ mình thì đá thúng đụng nia, anh buồn lắm. Ừ, anh đã sai…