Anh chị tôi muốn bán nhà đưa hết tiền cho các con, rồi... dọn về ở cùng tôi

02/03/2023 - 20:00

PNO - Tài sản cha mẹ để lại là chuyện tế nhị, phải hết sức cân nhắc để tránh xảy ra mâu thuẫn.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Chị ruột em có 2 con trai, chị đã dành cả cuộc đời để nuôi dạy các con. Nay, các cháu đều trưởng thành, tự lập, có công việc tốt. Cặp vợ chồng thứ nhất đã mua nhà ở riêng, cặp thứ hai đang chuẩn bị xây nhà. Anh chị đều sắp đến tuổi 70, cứ tưởng sẽ được hưởng thanh nhàn tuổi già, nhưng em thấy chị lại bắt đầu một kiểu vất vả khác.

Anh chị không có lương hưu, chỉ có một khoản tiền dành để dưỡng già. Không hiểu anh chị có mâu thuẫn gì không mà chị em đã chuyển tất cả sổ tiết kiệm cho các con đứng tên, chút đỉnh tiền mặt dành để lận lưng khi đau ốm cũng gửi con.

Hiện nay, các con của anh chị đều ngoan nhưng không biết trong tương lai, nếu anh chị đau ốm hoặc cần tiền thì sẽ như thế nào. Chị em rất tự hào về các con, khoe khắp nơi về chuyện con hiếu thảo: con mua tour cho cha mẹ đi du lịch; con cho cái này cái nọ; con mua thuốc, mua sâm cho cha mẹ uống…

Bây giờ, chị muốn bán căn nhà đang ở để lấy tiền. Không rõ mục đích của chị là gì nhưng chị tính bán nhà xong thì anh chị về ở với em.

Em đã ly hôn, đang sống một mình ở căn nhà cha mẹ để lại. Em không hẹp hòi chuyện nhà cửa nhưng anh chị muốn về thì phải sửa sang một chút mới có không gian sinh hoạt thuận lợi. Em cũng khó khăn nhưng khi bàn chuyện sửa nhà, hỏi tiền sửa chữa thì chị nói chị đã đưa hết tiền cho các con.

Em nói phải sửa nhà xong rồi anh chị muốn bán nhà về ở với em thì về. Chị thì cứ nói đã hỏi ý kiến các con, các con chị nói thế này thế khác.

Em rất lo lỡ một ngày anh chị đột nhiên xuất hiện trước cửa nhà em thì em cũng phải để anh chị dọn vô nhà mình nhưng rồi ăn ở chật chội chung đụng, chuyện đau ốm tuổi già… làm sao em lo hết được.

Mấy bữa nay, 2 chị em rất khó nói chuyện. Em nghĩ chị phụ thuộc quá nhiều vào các con nhưng em không biết giúp chị tháo gỡ ra sao. Chẳng lẽ em nói chị đừng tin hay phải đề phòng con ruột? 

Khánh Ngọc (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Khánh Ngọc thân mến, 

Thực tế, quyết định này của anh chị em cũng có chút bất thường. Cha mẹ nuôi con, thường cuối đời sẽ mong được nương tựa vào con cái. Trong trường hợp anh chị muốn về ở chung nhà với em, cũng có nghĩa em sẽ lo phần nào cho anh chị vì dù gì cũng là chị em ruột thịt ở cùng nhà.

Còn có lý do về tài sản: căn nhà cha mẹ em để lại có di chúc cụ thể không hay là theo thừa kế thì chị ấy cũng có một phần? Nói chung, chuyện tiền bạc tài sản khá tế nhị nhưng cũng phải tìm hiểu, thống nhất với nhau rõ ràng. 

Em đã đúng khi đề nghị anh chị chung tay sửa nhà trước khi dọn về ở chung. Rõ ràng, nếu vợ chồng chị em dọn về ở chung nhà, đó sẽ là một thời gian sống lâu dài, ở cái tuổi phải được nghỉ ngơi, không thể gắng chịu đựng cho qua ngày. Trong khi đó, em còn có gia đình riêng phải chăm sóc.

Em cứ tiếp tục kiên trì bàn bạc rõ ràng việc sửa chữa nơi ở để đảm bảo không gian sống cho 2 gia đình, với những thành viên ở các độ tuổi khác nhau.

Có thể hôm nào đó em mời vợ chồng các cháu, con của chị em, tham gia bàn bạc cùng. Các cháu đều trưởng thành, được cha mẹ tin tưởng giao quản lý tiền bạc, nay trước một sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cuối đời của cha mẹ, các cháu phải tham gia, thể hiện trách nhiệm và ý kiến của mình.

Qua các cuộc trò chuyện, em sẽ hiểu hơn về gia đình chị mình, về các con của chị. Song song đó, em nên tranh thủ nói chuyện riêng với chị, xem chị mong muốn, dự định thu xếp gì cho tương lai.

Nói chung, em cần chủ động trao đổi, còn chuyện thay đổi thì nên chậm hơn, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng. Không nên phê phán việc chị phụ thuộc vào con vì đó là chuyện của gia đình chị. Dù vậy, em hãy cố gắng thu xếp để chị em hòa thuận và hiểu nhau, giúp đỡ được cho nhau.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

LAM LÊ (QUẬN 12, TPHCM): CÓ THỂ GIẢI QUYẾT SAU MỘT CUỘC NÓI CHUYỆN

Thực ra, chuyện nhà bạn không quá khó để giải quyết. Tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể tự giải quyết chỉ bằng một cuộc nói chuyện rõ ràng, thẳng thắn giữa 2 chị em. Bạn nên chuẩn bị sẵn tất cả câu hỏi dành cho anh chị, đưa ra ý kiến của mình. Hãy kiểm soát cuộc nói chuyện sao cho đừng để bùng nổ thành cuộc chiến tranh giành tài sản.

Chuyện nhà cửa của cha mẹ để lại, nếu không rạch ròi rất dễ xung đột. Bạn không thể không nghĩ đến vấn đề chị bạn nghĩ chị cũng có một nửa trong ngôi nhà này. 

Trong trường hợp bạn cảm thấy bất tiện khi sống cùng anh chị trong ngôi nhà do cha mẹ để lại cho bạn thì phải tìm cách khác. Nếu là di chúc miệng, bạn cần tìm bằng chứng để chứng minh đó là nhà cha mẹ để lại cho bạn.

Bạn có thể mời cả đại gia đình anh chị đến để nói rõ với nhau một lần rằng dù là em ruột nhưng bạn không có trách nhiệm với tuổi già của anh chị mình. Mong bạn sớm tìm ra giải pháp. 

TRẦN SƯƠNG (ĐÀ LẠT): CỐ GẮNG MỞ LÒNG

Tôi đọc thư bạn mà thắc mắc, liệu có phải bạn đang lo ngại việc chị bạn sẽ tranh giành ngôi nhà bạn đang ở. Tài sản cha mẹ để lại luôn là chuyện tế nhị, phải hết sức cân nhắc để tránh xảy ra mâu thuẫn. Nếu lòng bạn đã quyết cho anh chị về sống cùng thì cứ thoải mái. Sửa nhà làm gì khi chính anh chị thấy điều đó không cần thiết?

Tôi nghĩ, nếu để anh chị bỏ tiền ra sửa nhà, sau này, chuyện có thể sẽ rẽ theo hướng khác. Còn bây giờ, nhà cha mẹ là tài sản chung của 2 chị em (trừ phi có giấy tờ hợp pháp xác nhận ngôi nhà ấy do cha mẹ cho riêng bạn), bạn không thể từ chối.

Thôi thì cố gắng mở lòng ra đón nhận một cách vui vẻ. Quan trọng nhất, các con và dâu của chị bạn phải biết được chuyện này và chịu trách nhiệm về cuộc sống tuổi già của cha mẹ họ.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Hội sai gon 05-03-2023 22:03:03

    Không hiểu sao 2 người con lại để cho cha mẹ mình làm việc như thế? Thứ nhất, họ phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ chứ không phải để cha mẹ bán nhà đưa tiền cho mình rồi về ở với em gái, và người chồng có thể về ở với em dâu đúng không ạ? Thật khó nghĩ cho cảnh này.

  • Quân Vương 04-03-2023 13:23:55

    Hai anh chị kiểu này chắc tính toán nhà cha mẹ để lại không muốn chị hưởng cả nên làm trò vậy để đòi chia nhà cha mẹ để lại. Lớn tuổi rồi mà vẫn nhỏ mọn quá thế đáng

  • Tâm 04-03-2023 00:26:43

    Tình thâm là điều rất quý. Nhưng tiền bạc sòng phẳng lại càng tốt hơn. Ai có thân thì phải tự lo. Có nợ thì phải trả. Sống chung là có đụng. Hãy thẳng thắn cởi mở bàn bạc. Mất lòng trước được lòng sau.

  • Van Be 03-03-2023 14:17:16

    Chắc chắn là về ở với người em vì giá trị căn nhà ba mẹ để lại thôi. Hi vọng tác giả bài viết này đã được ba mẹ sang tên căn nhà hoặc ít nhất cũng đã có được di chúc thừa kế căn nhà ba mẹ để lại. Lòng người thật sự tham lam và ích kỉ, vì chút tài sản mà làm những việc bất chấp, đánh đổi cả tình cảm máu mủ thiêng liêng! Thật đáng khinh bỉ.

  • Phan Vũ 03-03-2023 12:59:02

    Chào chị! Tôi rất thông cảm với những trăn trở của chị. Gia đình chị chỉ có hai chị em, chị lại sống một mình mà lại còn căn nhà bố mẹ chị để lại. Tôi không rõ sở hữu thế nào, nhưng chắc chắn việc chị gái chị bỗng nhiên đòi bán nhà riêng về ở chung với chị, chỉ có một mục đích là sợ mất phần nếu căn nhà thuộc hương hỏa do cha mẹ chị để lại. Thực sự với những tính toán như vậy thì tình chị em không thể giữ được như trước.

    Không biết nhà to hay nhà nhỏ, quan điểm về việc thờ cúng ra sao, cũng như việc cha mẹ chị có di chúc về tài sản này không. Nếu không có thì giải quyết cho rõ ràng chỉ còn nước tự chia hoặc chia tại tòa, chứ chị gái chị đã trả lời là không có tiền để sang sửa nhà khi biết chị cũng khó khăn, là quá rõ về dụng ý thực của việc định bán nhà rồi về ở cùng em gái rồi!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI