Anh chỉ muốn có không khí thư thái để nghỉ ngơi nhưng chị cứ luôn miệng chê bai, phê phán

08/11/2016 - 06:30

PNO - Nghe cách chị chê bai những phụ nữ khác để chứng tỏ mình hơn người, má tôi lắc đầu. Anh rể cũng thở dài, vì về tới nhà anh chỉ muốn có không khí thư thái để nghỉ ngơi nhưng chị cứ luôn miệng chê bai, phê phán…

Từ khi chị còn là sinh viên, tính cách ấy đã lộ rõ, nhưng mãi sau này khi đã lập gia đình, trở thành “nội tướng”, tôi mới hiểu đó chính là nguyên nhân khiến chị không có bạn, không có người bên cạnh mỗi khi cần.

Ngày trước, cứ đi học về là chị cau có đủ chuyện. Hôm thì tức tối kể chuyện làm việc nhóm mà trưởng nhóm quá yếu khiến cả nhóm bị điểm thấp. Chưa hả, chị lên án mấy đứa yếu cứ thích giành làm trưởng nhóm để chứng tỏ, người giỏi thật sự thì chẳng ai rảnh hơi mà ôm đồm. Như chị, có cho thêm điểm cộng cũng không thèm làm.

Hôm sau, lại nghe chị bực bội kể, đã xin qua nhóm khác, tưởng làm chung với mấy đứa học giỏi thì tốt hơn nhưng lại gặp cảnh ỷ học giỏi nên đứa nào cũng ôm khư khư ý kiến của mình, chê người khác dốt. Biết vậy, ở lại nhóm cũ cho yên.

Anh chi muon co khong khi thu thai de nghi ngoi nhung chi cu luon mieng che bai, phe phan
Ảnh minh họa.

Hôm sau nữa, chị bĩu môi bài bác ba cái phong trào văn nghệ kiếm điểm thi đua chỉ là dành cho mấy đứa xí xọn, học hành thì chẳng ra gì…

Cả ngày ai cũng đi học đi làm, bữa cơm chiều là lúc mọi người quây quần bên nhau mà ngày nào cũng phải nghe chị chê bai người này, lên án chuyện kia, nên nhiều lần má gạt ngang: “Thôi cho qua, ăn cơm ngon miệng đi con” nhưng chị vẫn tiếp tục kể lể dông dài…

Ra trường, đi làm rồi chị vẫn vậy. Chê sếp không đánh giá đúng năng lực nhân viên, hết trách đồng nghiệp này chơi xấu đến đồng nghiệp kia chẳng ra gì… Cứ vậy nên bữa cơm nào không nghe chị than vãn là ba tôi đùa: “Hôm nay không có ai bị lên thớt à?”.

***

Chị chuẩn bị lấy chồng, hàng ngày má tôi thủ thỉ: “Cuộc sống có người này người nọ, có lúc này lúc khác, con đừng ôm hoài những bực bội trong lòng” - chị “dạ”.

“Làm đàn bà, cố gắng tạo không khí thanh bình, nhẹ nhàng cho gia đình mình nghe con” - chị “dạ”.

“Phải biết làm sao cho chồng hết giờ làm việc là chỉ muốn về nhà ăn cơm vui vẻ với vợ, nghe con” - chị lại “dạ”, với kiểu cười vẻ như má lạc hậu quá rồi.

Một ngày, chị điện thoại cho tôi, giọng tức tối: “Rảnh không? Đi với chị. Ngày nào chồng cũng nói ở lại làm thêm tới tối, lại nghe nói công ty anh mới tuyển một cô xinh lắm”. Nghe xong tôi chỉ muốn từ chối ngay. Gì chứ dính vô chuyện ghen tuông thì mệt quá. Với tính cách của chị, đâu dễ giữ được bình tĩnh, lỡ chị gây ồn ào thì làm thế nào?

Nhưng nghĩ lại, tôi lo lỡ chị rủ người khác, mà người đó cũng nóng nảy thì càng phiền hơn. Tôi chở chị tới cổng công ty, gặp lúc ông bảo vệ mua về cái bánh bao. Ông nói, mua giùm kỹ sư Vinh, làm việc tới tối cần có chút gì dằn bụng. Chỉ một cái bánh bao, nghĩa là chỉ có một người ở lại văn phòng. May mà gặp chuyện cái bánh bao trước khi chị đẩy sự việc xa hơn.

Tôi ngồi với chị trong quán đối diện cổng công ty, nhìn lên ô cửa duy nhất của tòa nhà còn sáng đèn. Mười giờ tối đèn tắt. Năm phút sau anh rể tôi dắt xe ra cổng. Một mình. Tưởng chị hài lòng, nào ngờ chị khóc. Chị nói, thà là chồng có người khác thì còn hiểu được, đằng này…

Má tôi hỏi chị cư xử thế nào mà chồng phải kiếm cớ ở lại công ty? Chị nói, chị tuy bận bịu đi làm nhưng vẫn chu toàn nhà cửa, cơm nước tươi ngon; trong khi mấy cô ở cơ quan chị chỉ mua thức ăn nấu sẵn và đồ đông lạnh trong siêu thị về cho tiện; còn muốn gì nữa? Chị không ăn diện tốn tiền áo quần thời trang; còn muốn gì nữa? Chị không như mấy bà hàng xóm lấy cớ đi bộ thể dục chiều nào cũng đàn đúm vừa đi quanh khu nhà, vừa tám chuyện tào lao; còn muốn gì nữa?...

Nghe cách chị chê bai những phụ nữ khác để chứng tỏ mình hơn người, má tôi lắc đầu. Anh rể cũng thở dài, vì về tới nhà anh chỉ muốn có không khí thư thái để nghỉ ngơi nhưng chị cứ luôn miệng chê bai, phê phán…

Lúc nào cũng bới móc mặt xấu của người khác thì cuộc sống quả là xám xịt. Cuối cùng rồi chồng chị cũng tìm ra cách chung sống hòa bình với vợ - vừa ăn cơm vừa xem ti vi.

***

Hai con của chị rất thương mẹ nhưng lại chỉ muốn gần gũi ba. Ai cũng hiểu lý do, chỉ mình chị không hiểu. Con gái lớn đậu đại học, ngày chuẩn bị đưa con vào ký túc xá, chị dặn dò con, sống tập thể phức tạp lắm, phải nhớ là ai cũng ích kỷ, nhớ khóa tủ cẩn thận, chìa khóa không được gửi cho bất kỳ bạn nào…

Chị truyền lại kinh nghiệm cho con theo cái cách của chị, là không nên tin ai, có làm những việc chung cũng phải phân công cụ thể, coi chừng bị chơi xấu, cũng đừng để đứa nào bắt nạt mình…

Chị không hề có một lời khích lệ cho chặng đường mới mẻ nhiều bỡ ngỡ trước mắt con. Chị không nói với con về mơ ước và khát vọng của tuổi thanh xuân. Chị không truyền được cho con những khát khao tuổi trẻ dám dấn thân, những liều lĩnh ngốc nghếch đôi khi cũng đáng được tha thứ. Chị không thổi bùng ngọn lửa hy vọng về tương lai, dù những bước đầu tiên con có thể thất bại.

Chị không nói được điều cần nói là vấp ngã cũng có ích vì giúp mình lớn khôn hơn. Chị cũng không dạy được điều gần gũi nhất là làm sao để có được tình bạn đẹp của thời sinh viên và giữ gìn sao để những kỷ niệm đó có thể theo mình suốt chặng đường dài.

Đề phòng, đề phòng, và đề phòng… Chị lặp đi lặp lại cho tới khi con gái bật ra: “Thôi, hay là mẹ ở nhà, để ba chở con đi”. Chị hụt hẫng. Rồi chị ứa nước mắt nhìn theo con gái đang ngồi sau lưng ba nó trên xe, cùng chiếc va ly chính tay chị xếp áo quần đồ đạc cho con một cách nâng niu. “Sao chị thương con vậy mà nó không thích nghe chị nói hả em?”, chị hỏi. Tôi chẳng biết phải trả lời sao.

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI