Anh bị chỉ trích vô cảm khi đòi trục xuất cậu bé người Việt ‘trồng cần sa’

13/01/2018 - 13:00

PNO - Bộ Nội vụ Anh bị cáo buộc là “độc ác” khi đưa ra quyết định trục xuất một cậu bé mồ côi về Việt Nam, nạn nhân của bọn buôn người, nhiều năm qua bị ép buộc trồng cần sa ở Anh.

Theo thông tin từ tờ Guardian, nạn nhân tên là S, một trẻ mồ côi 10 tuổi sống lang thang trên đường phố Hà Nội. S bị bọn côn đồ và buôn bán người bắt cóc đưa sang Anh.

Trong vòng 5 năm, S bị giam giữ trong một loạt dãy nhà được chuyển đổi thành “trang trại cần sa” và bị ép buộc phải làm người trồng cần sa.

Cậu phải làm việc không lương trong điều kiện nguy hiểm: tưới nước cho cây, bón phân hoá học độc hại kích thích tăng trưởng, luân phiên bật và tắt ánh sáng công nghiệp trong những khoảng thời gian 8 giờ một lần để tối đa hóa tăng trưởng của cây, cắt tỉa và sấy khô lá cần sa.

Anh bi chi trich vo cam khi doi truc xuat cau be nguoi Viet ‘trong can sa’
S, một nô lệ trồng cần sa bị bọn buôn người đưa sang Anh phải đối mặt với việc bị trục xuất về nước - Ảnh: Guardian/Christopher Thomond

Tiếp xúc với hóa chất khiến S bị bệnh, tóc và da cháy bỏng dưới các bóng đèn nóng, lâu lâu bị điện giật.

Nhiều năm S sống một mình, bị tách khỏi thế giới bên ngoài, được chỉ dẫn phải tránh xa cửa sổ, vì vậy người qua đường không biết có cậu bên trong. Những kẻ buôn người định kỳ ghé qua, mang thực phẩm cho S và kiểm tra các cây cần sa. Nếu cây khô úa, cậu sẽ bị đánh đập.

"Cháu giống như một con vật, bị nhốt trong một cái hộp", S nói tại ngôi nhà nơi cậu sống với gia đình đang nuôi dưỡng mình. Cậu yêu cầu không đưa nhận diện, để tránh bị những kẻ buôn người truy đuổi.

"Cháu không có việc gì khác ngoài ngủ và chăm sóc cây cần sa. Cháu không biết gì về nước Anh. Họ nói với cháu rằng hàng xóm là những kẻ xấu, sẽ giết cháu nếu nhìn thấy cháu. Họ cũng nói rằng cảnh sát sẽ giết cháu nếu bắt được”, S nói.

Cậu cho biết thêm, “họ dùng dao dọa cháu và đâm vào tay chân cháu khi cháu làm sai điều gì. Họ đe sẽ giết cháu nếu cháu tìm cách bỏ trốn”.

Khi S 16 tuổi, cậu bị bắt trong một cuộc bố ráp ma túy và cảnh sát xác định cậu là nạn nhân của nhóm buôn người. S chỉ nói được một vài từ tiếng Anh khi cậu được đưa vào chăm sóc nuôi dưỡng trẻ lang thang, nhưng nay đã nói tiếng Anh lưu loát và chuẩn bị vào học đại học.

Tới năm 17 tuổi rưỡi, cậu tự động có quyền ở lại Anh khi hết hạn xin tỵ nạn trẻ em và nộp đơn xin quy chế tỵ nạn. Tuy nhiên, đơn của cậu đã bị từ chối.

Anh bi chi trich vo cam khi doi truc xuat cau be nguoi Viet ‘trong can sa’
Cảnh sát đang khám xét một “trang trại cần sa” phi pháp ở Wiltshire, Anh - Ảnh: Guardian

Trong bản giải thích dài 20 trang về quyết định của mình, được gửi tới "ông S", một quan chức Bộ Nội vụ Anh lưu ý rằng S đã cho thấy "sự can đảm cá nhân khi đến Vương quốc Anh và cố gắng thiết lập cuộc sống ở đây", nhưng cũng nêu thắc mắc tại sao S "không thể bày tỏ quyết tâm như vậy để tái lập cuộc sống của mình ở Việt Nam”.

Ngôn từ của bản giải thích khiến những người ủng hộ S giận dữ, họ cũng “lưu ý” rằng cậu không bộc lộ sự can đảm cá nhân nào trong việc di cư đến Anh”, mà bị dùng bạo lực ép buộc đến Anh để lao động trừ nợ và cậu không thể bỏ trốn được.

Lá thư gây tranh cãi của Bộ Nội vụ Anh nói rằng S có thể "dễ dàng tái hội nhập xã hội ở Việt Nam”. Đối với S – nay là một thanh niên 19 tuổi, bị đưa sang Anh khi mới 10 tuổi – hội nhập cuộc sống ở Việt Nam là việc không hề đơn giản.

Cậu đã nộp đơn kháng cáo lên tòa, phiên tòa được mở vào đầu tháng Hai tới đây, nhưng nếu bị từ chối, cậu sẽ phải rời Anh về Việt Nam.

Nghị sĩ Helen Goodman, người phụ trách đối ngoại của Công đảng đối lập, nói rằng quyết định trên là "kỳ cục".

Trả lời Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd, bà Goodman viết: "Điều đáng ngạc nhiên là Bộ Nội vụ đề nghị trả S về Việt Nam. Thủ tướng Anh đã làm rất nhiều để giải quyết vấn đề nô lệ hiện đại, nhưng những lời hùng biện khác xa với việc đối xử thực tế với một nạn nhân của bọn buôn người. Bộ Nội vụ đã hoàn toàn thất bại trong việc thực thi trách nhiệm căn bản của con người đối với S. Vấn đề không phải là nhập cư, mà là nạn buôn bán trẻ em”.

S nói, cậu chưa bao giờ được những kẻ buôn người đối xử như một đứa trẻ hoặc nương nhẹ. Cậu đã gặp nhiều thiếu niên khác đến từ Việt Nam, một số còn nhỏ tuổi hơn cậu, cũng bị đối xử như nô lệ khi cậu bị chuyển qua lại các “trang trại” trồng cần sa.

Hiện không có con số chính xác về số lượng thanh thiếu niên Việt Nam bị bán sang Anh. Nhiều người trong số họ bị cảnh sát bắt và được đưa vào hệ thống chăm sóc trẻ vị thành niên trong nỗi sợ hãi bị những kẻ buôn người bắt lại.

S rất thất vọng với quyết định của nhà chức trách Anh. Cậu chia sẻ: "Cháu có một cuộc sống tuyệt vời ở đây, một gia đình vĩ đại. Làm sao cháu có thể sống ở đâu đó khi không có ai thân thích? Cháu sợ bị những kẻ xấu lại tìm thấy mình”.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh vẫn chống chế về quyết định của mình, họ nói năm ngoái bước đầu Anh đã chi ít nhất 3 triệu bảng “để bắt giữ những kẻ vi phạm và hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán làm nô lệ”.

Cẩm Hà (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI