Rất nhiều đôi tình nhân yêu nhau say đắm, thậm chí đã từng sống thử và vượt qua rất nhiều rào cản, lại dễ dàng chia tay khi kết hôn chưa đầy năm. Nguỵên nhân dẫn đến ly hôn nhiều vô số kể, trong số đó có cả sự thiếu hòa hợp trong cách ứng xử, điều mà ai cũng đinh ninh họ đã làm tốt trong giai đoạn yêu nhau.
Cụm từ “thiếu hòa hợp" nghe có vẻ khó hình dung nhưng thực tế, nó diễn ra gần như mỗi ngày, trong các hoạt động của đời sống vợ chồng và đơn giản đến mức bạn cũng chẳng mấy để tâm đến. Chính vì vậy nó bào mòn đi tình cảm vợ chồng lúc nào không hay.
|
Sự thiếu hoà hợp trong cách ứng xử sẽ gây nên bất đồng sâu sắc. Ảnh minh họa |
Cho đi những gì bạn muốn nhận
Cách cư xử trong quan hệ vợ chồng, xét trên một phương diện nào đó, là biểu hiện dễ thấy nhất của quan điểm, tính cách, tâm trạng… trong đời sống thường nhật. Nhưng tất cả những điều này đều có thể thay đổi theo thời gian nên không dễ để luôn cư xử với nhau tốt đẹp như lúc đầu.
Chính vì vậy, các đôi vợ chồng thường chọn một quy tắc cư xử an toàn, dễ hiểu và dễ thực hiện hơn: “Cho đi những gì mình muốn nhận lại”. Hiểu nôm na là nếu bạn muốn được tôn trọng, bạn cần phải tôn trọng bạn đời trước. Nếu muốn được yêu thương, trước tiên, bạn cần phải yêu thương đối phương. Tuy nhiên, xét riêng trong mối quan hệ vợ chồng, đôi khi quy tắc này cũng lâm vào thế thất thủ.
Diệu Anh, 27 tuổi, chuyên viên quan hệ công chúng, bày tỏ: “Trước khi kết hôn, tôi là một đứa ăn chơi bạt mạng nhưng tôi cũng hiểu mình phải dừng chân sau khi trở thành vợ người ta. Hơn nữa, tôi cũng muốn chồng dành thời gian chăm lo cho tổ ấm nên tự nguyện “gác kiếm” trước".
|
Cô muốn vợ chồng dành thời gian cho nhau, trong khi chồng cô lại muốn cả hai có khoảng không riêng. Ảnh minh hoạ. |
"Thế nhưng, trong khi tôi hạn chế hầu hết các mối quan hệ để ở nhà gần 80% thời gian rảnh, chồng tôi lại thường xuyên bỏ vợ thui thủi đề đi cà-phê, nhậu, phượt… với bạn bè. Chưa hết, tôi muốn quan hệ vợ chồng lãng mạn như ngày mới yêu nên vào ngày kỷ niệm, sinh nhật… tôi chủ động đặt bàn tiệc, thắp nến, đặt tour du lịch hai người… để mong chồng “noi gương”.
"Thế nhưng, hai năm trôi qua, chồng tôi vẫn trơ như đá, vẫn la cà, vẫn khô khan, tặng quà vợ bằng phong bì… Đến khi cáu quá, tôi quát um lên, chồng tôi vặn lại: “Em ở nhà là việc của em, tự dưng lại bắt anh bỏ bạn bè giống em là sao? Em muốn lãng mạn thì anh cũng đã hưởng ứng rồi, còn muốn gì nữa?”. Tôi đã hết lòng cho đi nhưng kết quả thì…”.
Anh Hoàng Phúc, 31 tuổi, chuyên viên thiết kế web và cũng là chồng của chị Diệu Anh, lại có suy nghĩ khác: “Tôi luôn để cô ấy tự do đi chơi với bạn bè khi cô ấy thích và tình nguyện ở nhà giữ con. Tôi cũng chẳng bao giờ kiểm tra điện thọai, e-mail… hay các mối quan hệ của vợ. Tôi tin tưởng vợ mình tuyệt đối nhưng ngược lại, cô ấy chẳng bao giờ tin tưởng và cho tôi sự riêng tư cần thiết cả”.
Vậy phải chăng quy tắc ứng xử “cho đi điều mình muốn nhận” vốn trăm trận trăm thắng nhưng lại không hề đúng trong quan hệ vợ chồng?
Và cho đi điều đối phương cần
Cách đây không lâu, một tạp chí dành cho phụ nữ đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ về mong muốn của những người đàn ông và phụ nữ về người bạn đời của mình. Trong số những người được phỏng vấn, một người đàn ông đã kết hôn năm năm chia sẻ: “Sau khi kết hôn, người chồng mong muốn được vợ tôn trọng và lắng nghe mọi ý kiến của mình. Người vợ lại mong muốn nhận được sự yêu thương và quan tâm, ân cần từ chồng mình".
|
Đàn ông cần tôn trọng. Đàn bà cần yêu thương. Ảnh minh họa |
"Vấn đề xảy ra khi người chồng chỉ dành cho vợ sự tôn trọng còn người vợ chỉ dành cho chồng mình sự quan tâm và ân cần. Chúng ta thường chỉ cho đi cái chúng ta muốn nhận mà ít khi quan tâm đến việc đối phương thật sự cần điều gì”.
Như chuyện của chị Diệu Anh, chồng chị cần sự tự do nên rất hào phóng trao điều ấy cho vợ mình nhưng anh lại không nhận thấy đó không phải là điều vợ mình cần. Thứ chị Diệu Anh cần chính là thời gian và sự lãng mạn, nồng nàn nhưng anh lại không thể hy sinh sở thích của mình để chiều lòng vợ.
Ngược lại, chị Diệu Anh cần những điều ngọt ngào nên không ngại tốn công thể hiện điều ấy mà quên mất điều chồng mình thật sự cần là không gian riêng. Thế mới thấy, cho đi điều đối phương cần còn quan trọng hơn cả việc cho đi điều bạn muốn nhận vì chính nó mới mang lại cảm giác được thấu hiểu và thông cảm cho cả hai người.
Hãy dành cho nhau ba năm trọn vẹn
Rất rõ ràng, có những điều bạn thích nhất và cho là tốt nhất nhưng với người khác lại chưa chắc. Và đó cũng chính là lý do vì sao bạn cần phải tìm hiểu người bạn đời của mình thích và muốn gì.
Một trong những nguyên nhân khiến sự hòa hợp đến chậm hơn mong đợi chính là thiếu sự đối thoại. Nói ra và lắng nghe là cách tốt nhất để bạn có thể đón nhận điều mình muốn và trao đi những điều mang lại hạnh phúc cho đối phương.
|
Hãy dành cho nhau ba năm trọn vẹn để cùng xây đắp mối quan hệ. Ảnh minh họa |
Và cuối cùng, bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần đến sự dung hòa và bất kỳ sự dung hòa nào cũng đòi hỏi thời gian. Để gia tăng lòng kiên nhẫn cho mình, hãy toàn tâm toàn ý hy sinh cho nhau trong ba năm đầu tiên.
Theo các chuyên viên tâm lý, ba năm đầu tiên sau kết hôn là thời điểm nhạy cảm và dễ tan vỡ nhất của hầu hết các cuộc hôn nhân. Nếu vượt qua được ba năm này, tỷ lệ ly hôn sẽ giảm đi đáng kể. Khi ba năm trôi qua, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy cả bạn và anh ấy đã tiến bộ như thế nào trong cách cư xử với nhau. Và đây cũng chính là lúc cả hai cảm thấy gắn bó với nhau hơn bao giờ hết.
Trần Khoa Yêng Hạ