Anh hai có thu nhập đủ chi tiêu cho gia đình, hiếu hỉ hai bên và dư dả chút ít phòng thân, có vợ và hai đứa con đủ nếp tẻ, một đứa cuối cấp II một đứa chuẩn bị vào đại học, cuộc đời tới khúc này mà được như vậy đáng gọi là ổn, chỉ việc tiếp tục chí thú làm ăn lo cho con cái ăn học tới nơi tới chốn rồi thì hai vợ chồng tận hưởng tuổi hưu.
Mỗi khi tôi hoặc em gái giận hờn chồng bế con về, má hay lấy cuộc sống của gia đình anh hai ra làm gương. Má nói: “Hãy bắt chước chị dâu tụi bây kìa. Từ ngày má đội trầu cau xin hỏi cưới về, chưa thấy chị dâu của tụi bây bồng con bỏ đi lần nào. Vậy mà khiến anh hai của tụi bây răm rắp nghe theo mới hay. Chẳng biết bùa ngải cỡ nào”. Nói xong má cười vui vẻ như quá biết thứ bùa ngải đó là gì.
Chị em tôi nhìn nhau, chị dâu thật quá may mắn vì có được bà mẹ chồng chịu hài lòng khi thấy con trai mình răm rắp nghe lời vợ. Mà có đúng là anh hai răm rắp nghe lời vợ không? Cuộc sống gia đình, chỉ người trong cuộc mới rõ mà thôi.
Mà tụi mình có muốn một ông chồng răm rắp nghe lời vợ không? Đôi khi chị em tôi hỏi nhau câu này. Ờ, anh hai hiền lành chăm chỉ giống ba như đúc, em gái tôi hạ giọng thì thào, nhưng mà thời của má rất khác thời của chị em mình, thời của má chỉ cần có được ông chồng hiền lành là phước ba đời…
|
Hình minh họa |
Đùng một cái, chị dâu tuyên bố ly hôn. Người sững sờ nhất là má, vì việc đổ vỡ hình mẫu mà má hay lấy làm gương đã đành, có lẽ còn vì điều mà má tâm niệm bị đảo lộn dữ dội. Chuyện chị dâu bồng bế hai đứa con ra đi khiến má mất niềm tin vào định nghĩa hạnh phúc gia đình mà má đinh ninh bấy lâu. Má không còn "lời hay ý đẹp" dạy dỗ chị em tôi mọi khi nữa, như là má sợ chính mình nói sai.
Sau ly hôn, anh trai tôi sống rất cẩu thả. Ngày đi làm ngày nghỉ, tắt luôn điện thoại, sếp sai người đi tìm thì gặp anh ở quán nhậu vào buổi sáng... Má đi tới quán kêu anh về, gặp lúc cô tiếp viên đang ngồi kề bên an ủi, má hoảng hồn, muốn uống thì về uống với ba nghen con, tự tay má ngâm hũ rượu thuốc cũng được lắm. Uống xong rồi thì má bắt anh ngủ lại luôn chứ về căn nhà trơ trọi một mình lỡ gió máy thì sao. Sáng ra có má nấu cho tô cháo nóng hổi ăn giải rượu mà đi làm cho tỉnh táo...
Anh hai như cậu bé, má nói gì nghe nấy. Người đàn ông bốn lăm tuổi mà như là một cậu bé. Nhưng dù sao trong giai đoạn này anh chịu nghe lời má thì cũng may.
***
Lặng lờ trôi nổi suốt hai năm thì anh hai có người mới. Má vui mừng lắm. Chẳng mong gì hơn là con trai mình sống cuộc sống có người bên cạnh chia sẻ buồn vui.
Má hơi lo lắng một tí khi nghe người phụ nữ ấy đã có hai đứa con. Anh hai chỉ được cái hiền lành thôi, mà con nít thời nay thì đòi hỏi nhiều điều nơi người lớn. Biết anh hai có đủ sức chinh phục con của người ta? Làm sao xứng đáng để con của người ta chịu gọi mình một tiếng “cha”?
Nhưng sự khó không nằm trong nỗi lo lắng của má.
Mỗi khi chị đến nhà chơi, má điện thoại gọi chị em tôi về lấy cớ bày chuyện nấu món này món kia mà thật ra là để má có... bầu bạn. Đúng vậy, má hơi ngại vì chị bạo dạn quá. Chưa gì mà chị đã xưng hô má má con con ba ba con con khiến ba má tôi khá bối rối.
Để ba má khỏi bối rối về cách xưng hô “vượt khung” thì hãy cưới thôi. Chị em tôi vui vẻ hùa nhau vun đắp. Rổ rá cạp lại, chỉ cần cán cân chao nghiêng về phía mình mong muốn đã là may. Hơn nữa, anh hai đâu phải người giỏi giang để đòi hỏi cao xa. Với người như anh hai thì sự dạn dĩ của chị là một bù trừ cần thiết. Ừ, vậy đi.
Rồi tất cả tá hỏa khi biết chị đang có chồng. Chồng chị đang sống với vợ bé.
***
Tôi nghĩ có lẽ chị coi anh hai như một chuyến rong chơi, trả đũa ông chồng trăng hoa. Nhưng có vẻ như không phải, vì chị vẫn lui tới thăm hỏi ba má tôi và đến nhà đi chợ nấu nướng cho anh, chị mua áo quần đẹp cho anh mặc. Ngôi nhà của anh tôi từ khi có chị nhìn tươm tất ấm cúng hẳn. Và hai người thường xuyên đi du lịch, tôi hay nhận được những cuộc gọi từ nước ngoài như là anh trai ngầm thông báo mình rất vui vẻ hạnh phúc. Và cả nhà tôi ai cũng hay được anh chị tặng quà mua từ nước ngoài.
Vậy nên tôi nghĩ khác, có lẽ trước đây chán ngán đời sống hôn nhân nên chị mặc kệ đời, nay thì chị sẽ ly hôn để sống cho ra sống.
Nhưng một năm trôi qua, rồi hai năm trôi qua, vẫn vậy, không hề nghe anh chị nhắc đến chuyện cưới xin.
Má tôi rối trí kinh khủng. Người ta hay so sánh thời buổi này với thời buổi nào đó qua những khuôn khổ chật hẹp bó buộc... Ờ thì thời buổi này phóng khoáng hay ho hơn, nhưng một phụ nữ đang là vợ của người đàn ông không phải con trai mình mà gọi mình là má thì biết làm sao đây?
Có bao giờ chị ấy nói tới việc ly hôn ông chồng không? Tôi thốt thành lời câu hỏi mà má tôi không dám nói ra vì sợ mang tiếng gợi ý người ta ly hôn.
"Không có chuyện đó đâu", câu trả lời chắc cú của anh trai khiến tôi chưng hửng.
|
Hình minh họa |
Tôi nhắn tin xin chị một cuộc hẹn. Thật phiền toái khi phải tham gia sâu vào cuộc tình này. Nhưng mà tôi phải hỏi cho ra lẽ. Không thể đợi đến khi xảy ra một cuộc đánh ghen mà rõ ràng anh trai tôi sai trái.
Bình thản như biết trước thế nào cũng có cuộc nói chuyện về đề tài này, chị cười nhẹ như không: Đã từng cùng nhau nấu nướng cùng nhau trò chuyện như người một nhà, nay đối diện nhau qua cái bàn trong quán cà phê như thể hai người đang tìm hiểu nhau, cảm giác thật khó chịu. Tôi ghét trở thành kẻ tò mò tọc mạch vô duyên. Nhưng chẳng còn cách nào khác là lặp lại câu tôi đã hỏi anh mình.
- Vợ chồng tôi có giao ước, nếu tôi để yên cho chồng bay nhảy chơi bời mà vẫn có được hình ảnh gia đình yên ấm để trưng trước bàn dân thiên hạ khi cần, thì mỗi tháng tôi được chồng chu cấp năm chục triệu, phần hai đứa con năm chục triệu nữa. Không làm gì mà mỗi tháng tài khoản tăng thêm trăm triệu, chưa kể ngôi nhà mặt tiền cho thuê tầng dưới mỗi tháng hai chục triệu nữa. Nếu phá vỡ giao ước, đòi ly hôn, thì tôi ra khỏi nhà tay trắng, hai đứa con chỉ được trợ cấp theo mức lương trong quy định. Vậy thì tôi có nên đòi ly hôn không? Câu trả lời là không. Ờ, tôi là người đàn bà ham tiền vậy đó", câu cuối cùng của chị vang lên cùng tiếng cười tự giễu.
"Tôi từng tưởng mình chẳng bao giờ yêu nữa. Nhưng rồi... trước đây tôi có quen một người. Tôi có nói cho người ấy biết điều kiện của chồng tôi. Tôi chờ đợi người ấy quyết định. Tôi chờ được nghe người ấy nói... ví dụ như là anh không hứa sẽ tặng em cuộc sống xa hoa nhưng anh mong muốn chúng mình chính danh... Sến súa quá hả? Ở tuổi này mà mong đợi điều đó thì hão huyền quá phải không? Chị lại cười tự giễu. Đời tôi không gặp được người đàn ông sến súa vậy. Họ muốn có tôi và có cả chu cấp của chồng tôi. Vậy nên... Lúc này tôi vẫn đang chờ đợi. Nhưng mà...".
Chị ngậm phần câu nói còn lại trong miệng và xòe ngón tay bấm từng đốt như đang đếm thời gian quen biết anh trai tôi. Có phải khi chọn cách nói toạc ra với tôi nghĩa là chị đã thôi hy vọng về một điều hão huyền?
Nguyên Hương