Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em lấy nhau khi cả hai đều đang còn tay trắng, cưới nhau rồi vẫn phải thuê nhà, ba mẹ hai bên đều ở quê, dù rất thương con nhưng không giúp gì được nhiều. Dù vậy, cho tới bây giờ sau gần 11 năm sống với nhau, vợ chồng em đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
|
Trước đây chồng rất siêng năng, chăm chỉ, sao bây giờ lại thay đổi?- Ảnh minh họa |
Thuê nhà hơn tám năm, sau đó thì mua được nhà, nhỏ thôi, vay mượn nợ cũng nhiều, nhưng quan trọng nhất là vợ chồng em có nhà của mình. Con gái đầu lòng của tụi em cũng được bốn tuổi. Khi tụi em ổn định chỗ ăn chỗ ở mới bắt đầu tính chuyện xin học cho con, bây giờ con đã học ở một trường gần nhà.
Mọi chuyện có vẻ cũng ổn, trừ việc em thấy chồng em có vẻ thay đổi so với trước. Khi còn thuê nhà, hai đứa dốc sức cày bừa làm thêm, chồng em vẫn lo những công việc nho nhỏ trong nhà, ví dụ đóng đinh làm chỗ giăng dây phơi đồ, sửa bóng điện trong nhà, bếp gas hư anh cũng cặm cụi sửa, cả cái xe cà tàng vợ chồng đi chung…
Mặc dù em biết anh đã mệt vì công việc ở công ty nhưng khi nhiều việc hư hỏng đột xuất xảy ra anh đều sửa đến 12g đêm. Em thương cái tánh này của chồng. Nhưng bây giờ thì anh… đổi tánh. Em kêu máy giặt hư rồi, anh biểu em gọi dịch vụ sửa. Giờ vợ chồng mỗi người có xe máy riêng, xe em hư, anh dắt ra tiệm cho thợ sửa. Hôm rồi tủ lạnh hư, anh bảo kêu thợ tới sửa, hai ba ngày mới có thợ, đồ ăn để trong tủ hư hết.
Em cằn nhằn thì anh nói anh bận lắm, nhà chịu khó ăn cơm bụi vài bữa. Em rất buồn. Có phải chồng em hết thương vợ con rồi nên anh mới mặc kệ mọi chuyện trong nhà, coi như chuyện của ai, không còn phụ giúp vợ như ngày xưa nữa?
Thu Hải (TP.HCM)
|
Ngày xưa anh luôn loanh quanh ở bếp giúp em làm việc nhà - Ảnh minh họa |
Em Thu Hải thân mến,
Đàn ông ai cũng trải qua thời kỳ “lãn công” này cả, không riêng chồng em. Vậy nên em đừng quá lo lắng. Thời mới cưới, dù chỉ là cái phòng thuê trọ nhưng sự quấn quýt uyên ương khiến cho anh ấy nhiệt tình, tự nguyện làm hết mọi việc vặt trong nhà. Phần chính, đó cũng là phương cách để anh ấy chứng tỏ tính cách đàn ông, vai trò trụ cột gia đình của mình, bảo bọc người mình yêu thương.
Phần khác, thời kỳ đó vợ chồng em đang khó khăn, mỗi thứ mỗi chút kêu người làm, tiền đâu mà trả. Nói vui, đó cũng là thời kỳ “tích điểm” trong mắt vợ. Sau này “đủ điểm” rồi, chứng tỏ được vai trò của mình rồi, động lực cũng sẽ nguội dần, yếu dần đi.
Mặt khác, sau một thời gian cố gắng, nay gia đình em có nhà có cửa, mọi chuyện có vẻ ổn định hơn, người ta cũng có tâm lý muốn nghỉ ngơi một chút, em ạ. Nhà là của mình rồi, việc trong nhà hôm nay chưa làm thì mai làm, chậm một chút cũng không sao. Đó là lý do tại sao vợ thì sốt ruột mà chồng thì hẹn nay hẹn mai, rồi sinh cãi vã, quy kết.
Mình nên nhìn cái kết quả đã đạt được, để hiểu những cố gắng của vợ chồng mình, và bớt so sánh sao chồng không nhiệt tình, không hăm hở làm việc nhà như ngày mới cưới. Cũng không hẳn là do đã hết thương vợ đâu. “Sông có khúc, người có lúc”, cái lúc này nó vậy, mình cần kiên nhẫn hơn một chút. Việc gì cần nhờ chồng làm, mình nói rõ, rồi để chồng tự sắp xếp thời gian, công việc. Cần tránh thói quen bạ đâu nhờ đó, đụng đâu kêu đó, khó ai có thể đáp ứng hết cho mình được.
Những việc gì chồng bảo kêu thợ, kêu dịch vụ, có thể mình cũng phải kêu nhưng kết quả sửa chữa, giá tiền phải trả… ngày một ngày hai mình có thể tâm sự lại với chồng. Cũng cần phải “nịnh nọt” một chút để cho mọi việc được trôi chảy suôn sẻ. Nhìn chung, hai bên đều cần điều chỉnh em ạ, đừng quy kết là “hết thương”, rồi dằn dỗi trách móc, làm không khí gia đình nặng nề. Chúc em thành công.
Hạnh Dung
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Lê Thị Mỹ Mỹ (Long Xuyên, tỉnh An Giang): Chuyện cái tủ lạnh hư đâu đủ để quy kết chồng hết thương vợ
Thật lạ khi bạn làm vợ mà chồng có còn thương mình không bạn cũng không rõ. Thông thường, đã là vợ chồng, nghe một tiếng ho, người còn lại cũng hiểu chồng/vợ mình đang muốn gì đấy. Tôi nói vậy không phải nhằm bảo rằng chúng ta phải dành tất cả sự quan tâm cho chồng mà sống lâu với nhau, tự dưng quen hơi vậy thôi. Chồng tôi từ trước giờ chẳng bao giờ “đụng” đến việc nhà. Anh quen được mẹ chồng nuông chiều từ bé. Sống chung vài năm tôi cũng quen, rồi cảm thấy bình thường. Anh vẫn đùa: mình làm ra tiền thì dùng dịch vụ, để người bán dịch vụ có tiền chứ. Cái gì cũng ôm đồm hết, thì còn ai làm nghề. Tôi thấy cũng có lý. Nên điện thoại tôi, có lẽ lưu nhiều nhất là số của các dịch vụ điện nước, máy lạnh… và tôi không phiền hà việc đó. Anh vẫn là người chồng, người cha tốt; quý thương vợ con. Có thể trước đây do hoàn cảnh khó khăn nên anh luôn cố gắng làm hết mọi việc để tiết kiệm. Nay, kinh tế khá hơn, sức khỏe cũng không còn được như trước nên anh muốn sử dụng dịch vụ để dành nhiều thời gian hơn cho vợ con và nghỉ ngơi. Chỉ là chuyện cái tủ lạnh hư, vòi nước hỏng… chẳng nên vội vàng quy kết rằng chồng hết thương vợ.
Ngô Hương (Q.Thủ Đức, TP.HCM): Nhẹ nhàng mà sống
Chồng tôi cũng hệt như chồng bạn. Lúc trước, anh siêng năng làm hết mọi thứ. Giờ, anh cũng… không làm gì nữa. Khi anh thay đổi, ban đầu tôi cũng nghĩ “hay là ảnh hết thương mình rồi”… Nhưng sau khi nghĩ lại, tôi chắc là không phải. Tình thương vợ chồng đâu đơn giản dễ đến, dễ đi đến vậy. Mà có thể là chồng chị đang “biểu tình”.
Như chồng tôi, hồi ở nhà thuê, anh làm hết mọi việc trong nhà, cả nấu cơm rửa chén. Anh thường nói với con, rằng khi nào có nhà, ba ngưng mấy việc này. Và chồng tôi làm thật. Khi đó, tôi chỉ buồn một chút rồi thôi. Đừng quá thổi phồng mọi thứ, bạn nhé. Có thể đàn ông nghĩ rằng họ cần làm những việc lớn và sửa chữa lặt vặt trong nhà là chuyện nhỏ. Chắc họ tin rằng, việc này làm họ tốn thời gian nên thôi, bạn cứ để họ làm việc to.
Bấy nhiêu đó cũng chẳng phải là hết thương vợ đâu. Còn nữa, tôi nghĩ rằng cũng nên cố gắng nhẹ nhàng mà sống thay vì hà khắc với bản thân.
|
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.