Chú Ti Vi ơi,
Cháu 24 tuổi, anh ấy 25, dí dỏm và chu đáo. Câu chuyện của bọn cháu đến giờ đã ba năm. Suốt hai năm đầu, chúng cháu bên nhau như sam. Nhà anh ấy nghèo nên hai đứa toàn chỉ hưởng những thú vui nghèo, nhưng cháu chỉ cần ở bên anh ấy là thấy đầy đủ.
Đến đầu năm ngoái, cháu nhận thấy anh ấy ít nói hẳn, hơi khó chịu mỗi khi cháu quan tâm nhiều. Một buổi tối, anh đến chở cháu đi, cứ đi mãi, đi mãi. Đến khi chia tay mới nói, ngày mai anh đi Sài Gòn theo điều động của công ty. Cháu chỉ biết òa khóc.
Anh ấy ôm cháu vào lòng, và bảo anh sẽ đi đi về về, cuộc sống ổn hơn, mình sẽ sớm tính được chuyện dài lâu hơn, chứ ở đây mãi thì biết khi nào mới có đủ tiền.
|
Ảnh minh họa |
Thế rồi chúng cháu bắt đầu một năm yêu xa. Anh ấy vẫn đều đặn một tháng rưỡi ra thăm cháu một lần. Những lần như vậy, cháu vừa vui vừa buồn. Vì rõ ràng anh đã là người khác: bận hơn, độc lập hơn. Cháu thường xuyên uất ức khi thấy anh có nhóm bạn mới, trong đó có một cô gái. Những bức ảnh như thế, anh ấy không gửi cháu xem, cũng không post trên Facebook, mà cháu lại được xem trên Facebook người khác. Cháu nghĩ, phải có gì anh ấy mới giấu mình.
Cháu ghen, cháu trách thì anh bảo phải tin, đừng làm anh mệt mỏi. Cãi nhau rất nhiều lần, cháu tức nên ít gọi điện và anh ấy cũng thế. Mỗi ngày chỉ còn gọi hai lần, thường vào trưa và tối, nhưng cũng có khi quáng quàng, hoặc vì bận, hoặc vì quá buồn ngủ. Có những khi cháu gọi mãi anh cũng không bắt máy…
Thế rồi liên tiếp ba tháng trời anh không ra thăm cháu. Lý do là không mua được vé rẻ. Cháu ngán ngẩm quá. Nếu không mua được vé giá không đồng, thì cũng có thể mua vé đắt hơn được mà. Chẳng lẽ vì thế mà không gặp cháu suốt ba tháng sao? Cộng lại nhiều chuyện, cháu quyết định chia tay, chặn Facebook, không nghe điện thoại cũng như không trả lời tin nhắn.
Và cháu cũng quyết định yêu người mới, theo lý thuyết cục tẩy: muốn xóa một người thì ta phải có một cục tẩy. Người càng quan trọng cục tẩy càng phải to.
Chú Ti Vi ơi, một tháng sau cháu tưởng mình đã hả hê biết bao khi anh ấy bay ra Bắc liên tục hai lần mà cháu không thèm đón. Thậm chí còn sắp xếp để anh ấy thấy cháu đi với người mới. Thế nhưng khi về đến nhà, cháu lại nằm vật ra khóc. Cháu thấy thương mình quá, nhưng nhớ những ngày đông bị anh bỏ rơi, thì cơn giận của cháu lại bùng lên...
Những tháng sau, quan hệ của cháu và người mới ổn định hơn. Bạn mới hiền lành, rất thương yêu cháu, nhưng thật sự cháu không thấy yêu bạn. Tuy nhiên, cháu thấy bình yên. Cháu không phải lo giữ ai nữa. Cháu cũng không còn bị bỏ rơi nữa.
Vào đúng giao thừa năm nay, cháu chủ động nhắn tin cho người yêu cũ. Có lẽ giây phút thiêng liêng này khiến cháu trở nên xúc động. Nói qua nói lại một hồi, cháu không giấu rằng cháu vẫn còn rất yêu thương anh. Anh bảo, thế thì có thể gạt đi hết để quay về với nhau.
Nhưng chú Ti Vi ơi, cháu không thể quay về được nữa. Đến lúc xúc động như thế mà anh ấy vẫn chỉ nhắn tin chứ không gọi điện lại.
Cháu thấy anh ấy không thực sự thiết tha. Cháu bỗng cảm thấy sợ hãi nếu lại phải yêu như cũ. Cháu cảm thấy có lỗi nếu bỏ người yêu mới - người đã chăm sóc cháu những lúc cháu đau đớn nhất, và là người lúc này nhất cử nhất động đều nhắn tin cho cháu biết. Cháu nhắn với anh rằng cháu thấy sợ hãi. Anh ấy bảo cho cháu thời gian để bình tâm, miễn trong lúc ấy cả hai đều trong sạch, không có ai khác.
Cháu nhắn với anh ấy rằng trong lúc buồn khổ cháu đã có người khác rồi, cháu biết là không đi tới đâu nhưng cháu cần có người an ủi, yêu thương. Anh ấy nhắn lại bảo: “Thế thì thôi, chúc hai người hạnh phúc và đừng liên lạc gì với anh nữa, cũng không giữ tình bạn như tiểu thuyết vẫn nói đâu”.
Cháu thấy anh ấy ích kỷ quá nên chỉ buông một câu: “Tùy anh”, rồi tắt máy để khỏi nhận tin nữa. Ngay lúc đó cháu thấy mình quyết định đúng. Nhưng chú ơi, suốt những ngày vừa qua, cháu như chết đi rồi, nhất là khi qua bạn bè, cháu biết anh ấy cũng đang đau khổ và dằn vặt.
Chú Ti Vi ơi, cháu còn yêu anh ấy lắm, nhưng anh ấy có thực sự còn yêu cháu không hay chỉ là cay cú? Nếu một người nam thật sự muốn quay lại thì họ sẽ phải làm sao? Và nếu anh đòi quay lại lần nữa, cháu có nên quay lại không?
Cháu cảm ơn chú, phiền chú đã đọc bức thư dài.
Chú ti vi trả lời
Cô gái ’94 thân mến,
Chú đọc thư cháu và cứ nghĩ mãi: hình như có một chữ “tiền” cứ lởn vởn trong cả câu chuyện. Người yêu nghèo nên cả hai chỉ hưởng những thú vui nghèo. Người yêu nghèo nên quyết lên đường vào Nam kiếm tiền. Người yêu nghèo nên phải đặt được vé không đồng mới có thể đi thăm người yêu mỗi tháng rưỡi một lần…
Có cảm giác là mối quan hệ này đã bị hỏng vì tiền; vì quá ít tiền?
Chú cũng thắc mắc, ngoài những nhắn tin, điện thoại tha thiết thì cháu đã làm gì để giúp người yêu trong cuộc chiến vượt nghèo? Sao cháu không thể luân phiên vào thăm bạn trai mà cứ ngồi yên chờ đợi và trách móc? Cháu trách anh ấy vì không có vé không đồng nên có thể nhịn thăm cháu ba tháng, thế cháu thì sao? Sao cháu cũng nhịn được? Vì cái quan niệm con gái thì không thể lên đường đến với bạn trai? Hay vì cháu cũng không săn được vé không đồng nốt?
Chú nghĩ, đây chính là tuổi trẻ, là thứ tình yêu ngỡ là đẹp vô ngần nhưng thật ra là yêu bản thân đắm đuối, chưa biết nhân nhượng, chưa biết hạ mình và tặc lưỡi chấp nhận. Còn trẻ, số lượng các cục tẩy để lựa chọn còn nhiều, nên hễ giận là vứt hết những thứ đã có, lên ngồi ngay sau yên xe người khác và để người cũ phải trông thấy mới hả dạ.
***
Về phần người yêu cháu, chú nghĩ bạn ấy cũng đã đến lúc yêu tiền hơn yêu cháu, nên mới chấp nhận xa cháu, đến phút cuối mới báo cho cháu biết sẽ đi xa kiếm tiền. Nếu ở tuổi lớn hơn, chắc người ta sẽ hơi buồn rồi cũng chấp nhận. (Càng lớn tuổi người ta càng biết trong một mối quan hệ, có những lúc phải (tạm thời) nhân nhượng lùi xuống hàng thứ hai, thứ ba, sau tiền, sau cả thủ trưởng cơ quan cho qua lúc khó, để làm một cái nền bình yên và bền bỉ). Nhưng cháu còn trẻ, việc uất ức âm ỉ là điều không thể tránh được.
Sự “vùng vẫy” của người yêu cháu khi thấy cháu đi với người khác, có lẽ nhiều phần là do tự ái. Nếu không tự ái, bạn ấy đã sẵn sàng bỏ qua khi biết cháu phải dùng người khác như “cục tẩy”, và cùng cháu tìm cách giải quyết mối quan hệ mới ấy. Nhưng ở đây, tuổi trẻ lại cũng nổi lên lấn át, đến lượt anh ấy không chấp nhận, ra điều kiện, cắt dây điện, ngắt dây chuông… toàn những việc làm đau người và còn làm đau mình hơn.
Thật sự chú nghĩ chuyện này là hỏng rồi, có nối lại với nhau cũng chỉ vì tự ái, và e rằng cũng không đi được xa, trừ phi cả hai cùng thay đổi kịch liệt. Bản thân cháu phải bớt đòi hỏi, vị tha hơn (ai đời người ta mò ra Bắc hai lần mà không chịu gặp!), chia sẻ nhiều hơn.
Nhưng nhắc lại, chú không tin chuyện này cứu vãn được đâu. Vì vào những lúc khó khăn nhất, thì người con trai đã chẳng nhận được gì từ người con gái ngoài sự trách móc. Khi hồi lại sau những cay cú, bạn trai cháu sẽ nhận ra. Cá nhân chú lại không tin vào những cô gái hay dùng biện pháp cục tẩy. Họ là những người quá yếu đuối và ích kỷ (xin lỗi cháu). Với những người con gái như thế, người con trai không theo hầu mãi được, nhất là trong trường hợp này, người con trai là người có tham vọng và quyết liệt (như người yêu của cháu).
Đường đời thì dài, tuổi trẻ thì ngắn, bài học lúc trẻ thường đau đớn, ta nên tranh thủ “rút kinh nghiệm sâu sắc” cho các mối quan hệ về sau. Trong việc này, ai chịu khó cầu thị, trời thể nào cũng có thưởng.
Chúc cháu bình tâm,
Chú Ti Vi