“Ăn xổi ở thì” với hạt gạo

23/07/2014 - 19:45

PNO - PN - Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) vừa ra quyết định khởi động điều tra và chuẩn bị một báo cáo về các yếu tố sẽ cạnh tranh đến ngành gạo của Mỹ từ các nước xuất khẩu gạo chính bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ,...

edf40wrjww2tblPage:Content

“An xoi o thi” voi hat gao

Sắp tới, "hạt  ngọc" Việt Nam sẽ phải đối diện với những thử thách, khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh minh họa internet

ITC sẽ thực hiện điều tra về chi phí sản xuất, cơ cấu ngành gạo, giá đầu vào và nguồn đầu vào, các cơ chế tính giá và tiếp thị, đồng thời điều tra các chính sách của nhà nước ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu gạo tại các quốc gia nêu trên. Dựa trên kết luận điều tra của ITC, ngành gạo của Mỹ sẽ xem xét nộp đơn kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, dự kiến đơn kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nộp trong năm 2015.

Sau khi nhận được thông tin trên, vị luật sư nhiều năm đại diện cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Mỹ, đã bày tỏ sự lo ngại gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đương đầu với các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ trong thời gian tới.

Theo thông báo khởi xướng điều tra của ITC giai đoạn năm 2009 đến 2013, vấn đề giá xuất khẩu là rất đáng quan tâm. Giá nhập khẩu bình quân của gạo Việt Nam trong năm 2013 là 0,55USD/kg, thấp hơn phân nửa giá bình quân của Thái Lan (1,2USD/kg), Ấn Độ (1,26USD/kg) và Pakistan (1,44USD/kg) - ba nhà xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ trong năm 2013.

Cứ ngỡ những thông tin trên sẽ khiến cộng đồng DN xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lo sốt vó, tìm hiểu thông tin để có giải pháp ứng biến từ xa, nhưng họ lại tỏ ra bình chân như vại. Họ cho rằng rất ít DN xuất khẩu gạo sang Mỹ nên Mỹ có kiện cũng không ảnh hưởng nhiều. Thậm chí có DN hồn nhiên cho rằng Mỹ kiện cũng… có lý vì dựa trên cơ sở giá gạo Việt Nam bán chỉ bằng một nửa so với giá Thái Lan khi xuất vào thị trường Mỹ. Có DN còn cho biết trước giờ chưa xuất sang Mỹ nên… không có gì phải lo bị kiện.

Sự bình thản của DN lẫn VFA cho thấy nhiều căn bệnh ngành gạo nước ta đang gặp phải là hệ quả tất yếu: chất lượng thấp, sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu giảm, phụ thuộc vào một vài thị trường và nông dân lỗ vì phải bán giá thấp, lúa ế không ai mua. Chính sự “lạc quan” nói trên phơi bày cách kinh doanh “ăn xổi ở thì” và thụ động trong việc khai thác thị trường xuất khẩu.

Suốt nhiều năm qua ngành gạo Việt chỉ “lười biếng” xuất khẩu vào những thị trường dễ dãi, chất lượng thấp, thậm chí quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hậu quả là xuất khẩu lâm vào bế tắc khi các thị trường chính giảm nhập, ép giá bán; xuất khẩu vào thị trường mới như Mỹ, Nhật rất khó vì họ mua gạo chất lượng cao.

Nếu không nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng tính cạnh tranh thì không chỉ Mỹ mà nhiều thị trường khác sẽ tạo rào cản đối với gạo Việt. Nông dân vẫn luôn gánh chịu hậu quả nhiều nhất, phải chịu lỗ, bán giá thấp vì bế tắc đầu ra.

 HOÀNG HIỆP

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI