Ăn vặt phố biển

03/03/2020 - 07:58

PNO - Những chiếc bánh ấm nóng vào những đêm gió lạnh khiến tôi thấy nhớ nhiều hơn cả sóng biển ngoài kia…

Lê la bánh nướng

Bay chuyến buổi trưa về đến sân bay Cam Ranh, lại phải di chuyển hơn 40km để vào trung tâm thành phố. Gần 3g chiều, chúng tôi mới đến khách sạn trên đường Trần Phú (TP.Nha Trang). Bụng sôi réo lên vì đói, mắt tôi sáng rỡ khi nhìn thấy xe bánh crepe Thái nướng ngay gần cổng ra vào nơi lưu trú được bán với giá 20.000 đồng/chiếc.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Có mấy du khách nước ngoài đang chờ bánh chín, tôi cũng nấn ná lại mua hai chiếc bánh. Người bán tay thoăn thoắt cán bột, một lớp bột mịn trải mỏng trên khay nướng tròn, rồi thoa mỡ hành, đập cái trứng gà, tráng đều. Màu vàng của bột hòa cùng màu của lòng đỏ trứng, mịn đẹp như một khúc lụa mềm. 

Trên chiếc xe bánh nướng lưu động ấy có đầy đủ các loại bắp cải xanh, bắp cải tím bào mỏng; thịt băm xào; tương ớt; sốt mayonnaise… Khi bột bánh vừa chín tới, người bán thoăn thoắt cho mỗi thứ trên một ít, rồi cuộn bánh lại, xếp thành hình chữ nhật, khéo tay, đẹp mắt. Chiếc bánh crepe đều màu, sinh động và thơm nức mũi càng khiến bụng dạ tôi cồn cào. Có lẽ, chưa lần nào đến phố biển Nha Trang mà tôi lại thòm thèm một chiếc bánh nướng trong hân hoan và xốn xang đến thế.

Vừa lên phòng, tôi bày bánh ra ăn ngay. Chúng tôi cắn ngập răng và tận hưởng hương vị thơm bùi béo ngọt hòa lẫn vào nhau. Người ta nói “miếng ngon nhớ lâu” có lẽ đúng trong trường hợp này. “Chiếc bánh cứu đói” khiến tôi mỗi lần vào ra khách sạn lại nhìn về xe bánh nướng ấy đầy lưu luyến. 

Buổi tối, lại thêm một xe bánh nướng khác quyến rũ chúng tôi bằng mùi thơm của sầu riêng, kem sữa hột gà, ca cao, sữa chua dâu, gà xé sợi… Khác với loại bánh crepe Thái ban trưa, bánh này nhỏ hơn, đổ trên khay có khuôn tròn, nhỏ như cái bánh tiêu. Khách tha hồ lựa chọn nhân bánh từ hơn 20 loại mặn hoặc ngọt. Tôi thấy khá nhiều du khách đứng xung quanh, kiên nhẫn chờ người bán đổ khuôn bột. Chúng tôi cũng ghé mắt nhìn và bị thu hút ngay.

Bánh căn dưới chân Tháp Bà PoNagar
 

Hai khuôn bánh được đổ bột liền nhau, một dùng để chứa nhân bánh và một sẽ tạo thành nắp bánh. Người bán đổ khuôn thuần thục và điệu nghệ như nghệ sĩ biểu diễn. Chủ gian hàng là hai chàng trai vui tính, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Giá 20.000 đồng/cái.

Chúng tôi mua hai cái, đồng nghiệp tôi nói vui: “Bán cho người Việt Nam có giảm giá không?”. Nói chơi vậy mà anh cũng đồng ý bớt mỗi chiếc… 5.000 đồng. Tôi cười, trả đúng số tiền đã niêm yết, vui vẻ nhận túi bánh ấm nóng trên tay, mùi thơm vương cánh mũi. 

Lạ lùng, người ta đi biển ăn hải sản còn tôi đi biển lại nhớ hoài mùi vị bánh nướng nóng thơm lừng. Có bao nhiêu đêm lưu lại thành phố Nha Trang là bấy nhiêu lần chúng tôi được thưởng thức những chiếc bánh thơm ngon ấm nóng. Thế mà đến lúc về, tôi vẫn còn tiếc vì chưa kịp thử qua hết mùi vị nhân của những chiếc bánh khiến mình vấn vương đến thế. 

Ăn gì cũng ngon

Buổi sớm mưa phùn, chúng tôi bắt taxi đi khoảng hơn 2km đến quán bún cá nổi tiếng Nguyên Loan (123 Ngô Gia Tự). Tô bún giá chỉ 35.000 đồng mà cảm giác như thể mình được ăn cả một đại dương. Tự hỏi, người ta thường nói “Sài Gòn cái gì cũng có” nhưng sao không có tô bún cá “chất lừ” như thế này? Chả cá dai ngon, nước lèo thanh ngọt.

Bún cá Nha Trang
Bún cá Nha Trang

Nếu đặc sản bún cá Nha Trang mang vào Sài Gòn mà cũng mặn mòi vị biển, với chả cá thu, cá ngừ, sứa… tươi ngon đến vậy hẳn sẽ thu hút thực khách lắm. Tôi từng nhiều lần ăn bún cá Nha Trang ở Sài Gòn nhưng thật sự chưa có nơi nào khiến tôi thấy hài lòng, lưu luyến.

Bởi thế, có nhiều người chỉ vì tô bún cá ngon lành ấy mà đến phố biển, ăn để mà nhớ hoài vị ngon lành của một món ăn đậm vị trở thành dấu ấn trong văn hóa ẩm thực của một vùng đất. Những hàng bún cá ngon rẻ khác mà khách có thể tìm đến: bún cá cô Ba (123 Yersin), bún cá Cây bàng Ninh Hòa (6 Hàn Thuyên), bún cá sứa (3 Tăng Bạt Hổ)…

Người bạn đồng hành nhất định dẫn tôi đi ăn bánh căn dưới chân Tháp Bà PoNagar, khi mà buổi sáng chuẩn bị rời phố biển, tôi cũng đã có một bữa ăn no căng bụng. Gần 10 năm trước, tôi đã đến Tháp Bà, bộ ảnh của năm tháng cũ đến giờ vẫn giữ. Chỉ là, nhìn lại những bức ảnh cách nhau một thập niên, mới thấy mình bây giờ và ngày xưa đã khác nhau nhiều quá, kể cả ký ức, những người đồng hành và những được mất… 

Mười năm trước, tôi cũng không biết dưới chân tháp có quán bánh căn vỉa hè. Bánh căn Cô Trang (3A Tháp Bà), quán nhỏ nhưng được người đi trước “mách” với người đi sau, cứ thế, khách đến Tháp Bà dư dả thời gian sẽ ghé thưởng thức món bánh căn nhân trứng, tôm, mực, bạch tuộc hoặc nhân thập cẩm… Uống thêm trái dừa ngọt lịm rồi giã từ phố biển, để không phải “tiếc nuối” vì có những món ngon chưa kịp thưởng thức.

Bánh căn nhìn giống bánh khọt nhưng được nướng trong những khuôn đúc đặc biệt. Đây là loại bánh ăn vặt của người Chăm, chủ yếu phổ biến ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Vào phố biển Nha Trang, bánh căn trở thành món ăn vặt không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước. Bánh nhỏ, ăn không ngán, giá cả lại rất “mềm”.

Bánh căn dưới chân Tháp Bà PoNagar

Bánh căn dưới chân Tháp Bà PoNagar

Một dĩa 6 cái, tùy nhân bánh mà giá dao động từ 20.000 - 50.000 đồng. Quán dọn bánh kèm với dĩa xoài chua bào mỏng, nước mắm tỏi ớt, thêm chén mỡ hành. Chỉ cần nhắc đến thôi đã thấy vị giác nhắc nhớ lại mùi vị của bữa ăn ngon lành hôm ấy. 

“Ở đây ăn gì cũng ngon ha! Đến cả ly cà phê xay cũng thật ấn tượng” - người bạn đồng hành nói thế. Có lúc, chúng tôi còn muốn đi bộ trở lại quán cơm gia đình gần quảng trường Trần Phú chỉ để mua… hai ly cà phê đá xay đậm vị. Đi ngang tiệm bánh mì Nha Trang, tôi hỏi chị có muốn ăn tiếp không. Bánh mì Nha Trang cũng ngon có tiếng. Bánh nhỏ thôi nhưng đặc ruột, thơm mềm. Đó là chúng tôi còn chưa kịp ăn hết những loại quà vặt của phố biển: bánh xèo chảo, hến xào bánh tráng…

Phố biển đã nhiều lần trở lại vẫn chưa đủ thời gian cho tôi thưởng thức hết những món ăn ngon. Điều khiến tôi vô cùng hài lòng là chưa có nơi nào chúng tôi đến ăn mà bị “chặt chém” như ở nhiều thành phố du lịch khác. Những món đặc sản giá chỉ vài chục ngàn đồng, cứ thế mà ngồi xuống ăn ngon lành. Một vùng đất ở lại trong tâm tưởng du khách không chỉ là danh thắng đẹp, thức ăn ngon, mà đôi khi còn ở sự dung dị, chân thành của người nơi ấy. 

Ký ức cá nướng bánh tráng ninh hòa

Bạn nói, chuyến này bạn không về quê được để rủ chúng tôi ra Ninh Hòa, đãi ăn nem nướng, làm tôi nhớ đến chuyến đi của mười năm về trước. Năm ấy rộn rã tuổi trẻ. Cả bạn và tôi. Gia đình bạn đón khách phương xa bằng những món ngon khó quên: bánh xèo, nem nướng, có cả món cá lóc cuốn bánh tráng ăn bên bờ suối gần nhà.

“Về quê làm gì? Để ăn những món ngon quê nhà mà nơi khác không có” - bạn nói vui. Quả thật, chúng tôi đã “ăn hết quê nhà” của bạn bằng những món đặc sản từ Ninh Hòa ra Dốc Lết. Lại toàn là thức ăn nhà làm nên nguyên liệu, gia vị đều là “hàng chất lượng cao”. 

Buổi trưa bên suối mát, sau khi mọi người đã tắm suối thỏa thuê, cả nhà trải bạt ngồi dưới bóng cây, bày biện món cá lóc nướng, bánh tráng, rau dưa… đã chuẩn bị sẵn. Bữa ăn ngon lành ấn tượng. Giờ bạn đã lấy chồng, con cái đề huề. Chúng tôi đã không còn năm tháng tự do vàng son như xưa nữa để mà rảnh rỗi lại bảo nhau: “Về Ninh Hòa chơi nhé!”. Có những món ăn trở thành ký ức, thương đến nhớ nhung…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI