Ăn vải khiến trẻ tử vong?

13/06/2017 - 07:44

PNO - Thông tin 1 trẻ tử vong và 4 trẻ nguy kịch tại tỉnh Cao Bằng bị nghi ngờ do ăn trái vải. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, đây là thông tin thất thiệt, ảnh hưởng tới người nông dân khi đang vào vụ mùa.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận, cấp cứu 4 bệnh nhân trong cùng một gia đình dân tộc Mông, gồm: Lý Thị Hoa (10 tuổi), Lý Thị Mái (9 tuổi), Lý Văn Trường (7 tuổi), Lý Văn Long (4 tuổi), cùng trú ở xã Đa Thông (Thông Nông, Cao Bằng). Trong đó, 2 bệnh nhân có biểu hiện sốt, nôn, hôn mê, co giật và được chẩn đoán ban đầu mắc bệnh viêm màng não.

Gia đình bệnh nhân cho hay, trước khi 4 cháu Hoa, Mái, Trường, Long nhập viện, cậu con trai Lý Văn Vừ (12 tuổi) đã tử vong. Nhiều người nghi rằng, cả 5 cháu nhập viện do ăn trái vải và có thể trái vải gây viêm màng não.  

An vai khien tre tu vong?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định thông tin này là không chính xác. Quả vải không gây viêm màng não.

“Quả vải đã được người dân trồng và sử dụng từ hàng trăm năm qua và có tác dụng rất tốt cho sức khỏe nên cần thông tin chính xác và có kiểm chứng để không ảnh hưởng đến người trồng vải”, ông Phong nói.

Đây không phải là lần đầu tiên trái vải bị “hàm oan”. Năm 2016, dư luận cũng xôn xao thông tin trẻ mắc viêm não Nhật Bản do ăn nhiều vải. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã phải chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin này. 

An vai khien tre tu vong?
Thông tin trái vải gây viêm não là không chính xác. (Ảnh minh họa)


Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, đỉnh điểm của bệnh viêm não Nhật Bản diễn ra vào tháng 6 – 7, trùng hợp với mùa trái vải do đó khiến nhiều người hiểu lầm. Trên thực tế, việc ăn trái vải không liên quan tới quá trình lây truyền bệnh viêm não.

Cục Y tế Dự phòng cho hay,  trong thiên nhiên ổ chứa virus viêm não Nhật Bản đến từ các loài sống hoang dã như: chim, một số loài bò sát và các loài động vật có xương sống chứ không phải từ trái vải.

Virus sẽ tồn tại lâu dài trong tự nhiên và phát tán tới vật nuôi gần người, đặc biệt là lợn, sau đó đến trâu, bò, ngựa, dê… và từ đó truyền sang người. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt.

An vai khien tre tu vong?

Các dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê.

Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI