Học sinh hào hứng
Mới đây, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1) đã khai trương Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường, thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo học sinh. Không gian về Bác được thiết kế ấn tượng với khu vực triển lãm hình ảnh về quá trình lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn có khu vực trưng bày băng, đĩa, phim tư liệu, sách báo về Bác.
|
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nguồn tư liệu lớn về Bác Hồ tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1) được học sinh tìm đến nghiên cứu phục vụ học tập - Ảnh: P.T |
Em Lê Quỳnh Bảo Trân - học sinh lớp 11 chuyên văn - chia sẻ, thời gian qua, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường đã tiếp cận khá tốt với các học sinh. Không gian văn hóa nằm trong khuôn viên thư viện rộng rãi, khi học sinh bước vào đều rất thích thú với những hình ảnh về Bác, cùng nhau xem ảnh, đọc sách.
Vào giờ sinh hoạt hay tiết giáo dục công dân, giáo viên cũng đưa ra những dự án, chuyên đề về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Thầy cô định hướng học sinh nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về Bác thì có nguồn tư liệu rất lớn ở Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Do đó, đông đảo học sinh thường xuyên lên đọc sách để tìm thông tin thực hiện bài tập trên lớp. Ngoài ra, ở trường có câu lạc bộ sách cũng kết hợp triển khai các chuyên đề về Bác và nguồn tư liệu tại không gian văn hóa được học sinh tận dụng để đọc, viết bài cảm nhận.
“Qua tiếp cận nguồn tư liệu tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, em ấn tượng nhất là về lối sống giản dị và sự ham học, đặc biệt là học ngoại ngữ của Người. Đi đến quốc gia nào Bác đều học ngôn ngữ của quốc gia đó. Định hướng của trường em là ngôi trường theo xu hướng hội nhập quốc tế, do đó, tấm gương học ngoại ngữ kiên trì, học mọi lúc mọi nơi của Bác là động lực để chúng em noi theo” - em Lê Quỳnh Bảo Trân nói.
Là trường đi tiên phong trong việc đưa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến với lứa tuổi tiểu học, Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11) duy trì không gian văn hóa trong khuôn viên trường, trong mỗi lớp học, kết hợp với tủ sách giấy và thư viện điện tử về Bác Hồ. Trường cũng tái hiện lại một số địa danh lịch sử gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời như hang Pác Bó, nhà sàn... để giáo dục học sinh một cách trực quan sinh động.
Em Lương Gia Ân - học sinh lớp 5/3 - bày tỏ sự yêu thích: “Ở trường em có rất nhiều quyển sách hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cô hiệu trưởng còn tổ chức cho học sinh khối Bốn, Năm kể chuyện, hát múa về Bác dưới sân trường vào giờ chào cờ mỗi tuần. Nhờ vậy, các bạn ai cũng háo hức và nhớ rất lâu các bài học về Bác”.
Lồng ghép vào các môn học
Cô Châu Hồng Phúc - giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - cho rằng, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cùng kho tư liệu về Bác không chỉ hữu ích cho học sinh mà còn hỗ trợ tốt cho việc giảng dạy của giáo viên.
|
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nguồn tư liệu lớn về Bác Hồ tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Q.1) được học sinh tìm đến nghiên cứu phục vụ học tập - Ảnh: P.T |
Đặc thù bộ môn giáo dục công dân là giáo dục về đạo đức (ở cấp II), về tư tưởng chính trị, lối sống (ở cấp III). Đây đều là những nội dung gắn rất chặt với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho nên, trong các tiết học, cô thường xuyên lồng ghép kể chuyện về Bác để bài học trở nên gần gũi, dễ thẩm thấu hơn đối với học sinh. Đồng thời khuyến khích học sinh đọc sách về Bác, rồi tự kể chuyện trước lớp, trước toàn trường, giúp các em hiểu sâu và nhớ lâu hơn về bài học.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ - nhận xét, ở cấp tiểu học, quan trọng nhất là xây dựng không gian về Bác phù hợp lứa tuổi. Do đó, nhà trường chọn lọc các hình ảnh, đầu sách dễ đọc, gần gũi, giúp học sinh hiểu hơn những câu chuyện về Bác gắn với lịch sử đất nước, thành phố mà các em đang sống. Việc “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhờ vậy cũng trở nên gần gũi, dễ thẩm thấu hơn đối với độ tuổi tiểu học. Bên cạnh đó, đối với lứa tuổi nhỏ “dễ nhớ nhưng cũng mau quên”, trường xác định duy trì lâu dài, thường xuyên các hoạt động sinh hoạt, khuyến khích đọc sách về Bác, lồng ghép trong những tiết học, để những bài học về Người được thẩm thấu một cách tự nhiên, bền bỉ.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) - cho biết, sau khi xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trường đặt mục tiêu thời gian tới là duy trì, khai thác hiệu quả không gian này. Không chỉ là nơi giảng dạy và học tập đối với các bộ môn lịch sử, ngữ văn, giáo dục địa phương, giáo dục công dân, không gian văn hóa còn là nơi tổ chức các buổi học tập, sinh hoạt cho
đoàn viên, thanh niên. Trường thường xuyên tổ chức cuộc thi viết, vẽ tranh về chủ đề học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh nhằm bổ sung phong phú thêm tư liệu và thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo
dục đạo đức, lối sống.
“Khi học sinh hiểu về Bác sẽ càng thêm yêu Bác, từ đó bồi dưỡng cho các em lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có động lực phấn đấu, sống tốt, hành động tốt”, bà Hoàng Thị Hảo nhấn mạnh.
“Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ”
Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) là một trong những nơi đầu tư Không gian văn hóa Hồ Chí Minh quy mô, bài bản, được ví như một “bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ”. Nguồn tư liệu lớn, gồm tranh, ảnh, bản đồ, tư liệu, sách báo, hiện vật, mô hình về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, các tác phẩm văn học, các bài báo, tờ tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày với năm chủ điểm: Không gian 1: Quê hương, gia đình và thời thơ ấu của Bác Hồ. Không gian 2: Hành trình đi tìm đường cứu nước và hoạt động yêu nước của Bác. Không gian 3: Những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian 4: Các tư liệu về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây, trong đó có các tư liệu là tranh vẽ, bài viết, cảm tưởng của học sinh với Bác Hồ. Không gian 5: “Tủ sách Bác Hồ”, gồm: sách báo, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, mỗi không gian chủ điểm được tổng hợp và thực hiện mã hóa QR code để người tham quan có thể tự tra cứu nội dung, nghe thuyết minh tự động, xem hình ảnh, phim tư liệu về Bác.
Tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), các hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác được tái hiện sinh động với những chủ điểm phù hợp lứa tuổi học sinh, như: mối quan tâm của Bác dành cho giáo dục, tình yêu thương Bác dành cho thiếu niên nhi đồng, cách thức mà cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường vận dụng để lan tỏa việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ... Bên cạnh đó, khu vực đọc sách để tìm hiểu, nghiên cứu về Bác được bố trí khoa học theo từng chủ đề, lồng ghép với mô hình sách được dựng theo biểu tượng ngọn đuốc sống - anh hùng Lê Văn Tám.
Hướng đến Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phi vật thể Giáo sư Trần Ngọc Thêm - chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu văn hóa - đánh giá: Cùng với các đơn vị, cơ quan khác tại TPHCM, nhiều trường học dần xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh dưới dạng các phòng trưng bày, triển lãm các hình ảnh, sách, hiện vật… về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cách thức vật thể hóa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, là hoạt động thể hiện tấm lòng kính yêu đối với Bác Hồ. Tuy vậy, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là một phép cộng các phòng trưng bày, triển lãm về cuộc đời hoạt động của Bác. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế của nhiều trường hiện nay, không nhất thiết phải xây dựng một không gian vật thể, mà có thể hướng đến xây dựng không gian về Bác trên môi trường mạng, phi vật thể. Các trường học có thể chọn lọc và đưa các hình ảnh, tư liệu, sách báo, câu chuyện về Bác lên không gian mạng sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với đông đảo học sinh, giáo viên. |
Minh Linh