Ấn tượng về "Người mang 9 án tử"

04/04/2024 - 11:09

PNO - Tối 3/4, Nhà hát Kịch IDECAF đã tổ chức phúc khảo vở kịch lịch sử "Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử", góp thêm một tác phẩm ý nghĩa tôn vinh lịch sử nước nhà.

Nhà hát Kịch IDECAF
Một phần sảnh Nhà hát Kịch IDECAF thành nơi trưng bày poster vở diễn cũng như giới thiệu về Gia Định thành và tiểu sử Tả quân Lê Văn Duyệt.

Đây là vở kịch có kịch bản: Phạm Văn Quý, biên tập: Võ Tử Uyên, đạo diễn: Hoàng Duẩn. Vở sẽ công diễn vào tối 10/4 tại Nhà hát Thanh Niên (quận 1), đồng thời chính thức ra mắt chương trình Sân khấu Sử Việt học đường của Nhà hát Kịch IDECAF.

Có thể nói Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những nhân vật lịch sử có sức hấp dẫn bậc nhất đối với người làm sân khấu. Hơn 10 năm qua, hình tượng vị khai quốc công thần triều Nguyễn với 2 lần giữ vị trí Tổng trấn thành Gia Định (1812 - 1816 và 1820 - 1832) liên tục được đưa lên sân khấu với nhiều phiên bản khác nhau, đủ cả kịch nói, hát bội lẫn cải lương.

Với Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử, Nhà hát Kịch IDECAF góp thêm một phiên bản đặc sắc, một góc nhìn khá toàn diện về người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định và cả Nam bộ.

Tài năng quân sự của Tả quân Lê Văn Duyệt
Tài năng quân sự và ngoại giao của Tả quân Lê Văn Duyệt được thể hiện khéo léo qua lớp diễn sứ giả Chân Lạp cầu viện nhờ hỗ trợ chống Xiêm La

Vở diễn được đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng từ kịch bản Người mang 9 án tử của tác giả Phạm Văn Quý. Chuyện kịch bám khá sát công lao của đức Tả quân với vùng đất Nam bộ qua việc an định vùng đất mới, trấn định biên cương, giao kết lân bang và đặc biệt là công cuộc bài trừ tham nhũng.

Trong đó, một trong những dấu ấn sâu sắc của quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt với nhân dân Gia Định là xử tử Huỳnh Công Lý – Phó Tổng trấn Gia Định thành, người đã thâm lạm của công, vơ vét của dân, làm dân tình ta thán. Vở diễn tiếp tục khai thác vụ án như điểm nhấn đặc biệt. Và như các vở diễn khác cùng đề tài, giai thoại về việc Tả quân Lê Văn Duyệt đã sử dụng quyền “tiền trảm hậu tấu” để chém “cha vợ vua” tiếp tục được sử dụng để tăng kịch tính.

Một cuộc vi hành giúp Lê Văn Duyệt mắt thấy tai nghe những
Một cuộc vi hành giúp Lê Văn Duyệt "mắt thấy tai nghe" những sự nhũng nhiễu đang làm dân chúng lầm than.

Với một kịch bản đậm tính chính luận, không dễ để tạo cao trào kịch tính nhưng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử đã làm khá tốt việc đó với liên tục các tình huống xung đột, như: sứ giả Chân Lạp đến thẳng tư dinh Lê Văn Duyệt để “cầu viện” chứ không vào triều kiến giá; vua Minh Mạng muốn dùng Huỳnh Công Lý để chế ngự thế lực Lê Văn Duyệt tại Gia Định; Lê Văn Duyệt quyết chém Huỳnh Công Lý mà không chờ lệnh vua…

Đình Toàn và Đại Nghĩa
Là đôi bạn diễn ăn ý, một lần nữa Đình Toàn (vai Lê Văn Duyệt) và Đại Nghĩa (vai Huỳnh Công Lý) lại có những lớp đối diễn đặc sắc.
Các lớp diễn “tay đôi” giữa Lê Văn Duyệt - Huỳnh Công Lý hay Lê Văn Duyệt - vua Minh Mạng được thể hiện qua các diễn viên giàu nội lực cũng là điểm nhấn thu hút của vở kịch.
Các lớp diễn “tay đôi” giữa Lê Văn Duyệt - Huỳnh Công Lý hay Lê Văn Duyệt - vua Minh Mạng cũng là điểm nhấn thu hút của vở kịch.
Mối quan hệ quân - thần giữa vua Minh Mạng (Quang Thảo) và Lê Văn Duyệt (Đình Toàn)
Mối quan hệ quân - thần giữa vua Minh Mạng (Quang Thảo) và Lê Văn Duyệt (Đình Toàn) cũng được thể hiện đầy kịch tính.

Nhiều năm qua, tại TPHCM, Nhà hát Kịch IDECAF vẫn là sân khấu xã hội hóa đi đầu ở dòng kịch lịch sử về cả số lượng tác phẩm lẫn hiệu ứng lan tỏa. Đến nay, sau những Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, và Tiên Nga, Nhà hát Kịch IDECAF lại góp thêm một tác phẩm ý nghĩa tôn vinh lịch sử nước nhà là Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử.

Vũ đạo hát bội được sử dụng trong lớp diễn Lê Văn Duyệt thu phục Lê Văn Khôi.

Đặc biệt hơn, vở diễn khẳng định sự trưởng thành của một lớp diễn viên qua quá trình rèn luyện lâu năm là Đình Toàn (vai Lê Văn Duyệt), Đại Nghĩa (vai Huỳnh Công Lý), Quang Thảo (vua Minh Mạng), Hòa Hiệp (Lê Văn Khôi), Quốc Thịnh (Trương Tấn Bửu)… đã thực sự vững vàng, cứng cáp, sẵn sàng tạo ra những thành tích mới cho Nhà hát Kịch IDECAF và sân khấu TPHCM.

Qua vở diễn, Nhà hát Kịch IDECAF cũng khẳng định lực lượng diễn viên giàu nội lực của mình.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI