An toàn trường học bao nhiêu quy định mới đủ?

07/05/2019 - 07:57

PNO - Nhiều hội thảo đã diễn ra, tuy nhiên, cái gọi là “an toàn trường học” vẫn chưa thấy, trong khi các vụ tiêu cực cứ tăng.

Tuần trước, thêm một clip về bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non ở Long An lan truyền trên mạng xã hội. Hình ảnh từ clip cho thấy, cô giáo múc thức ăn tới tấp chèn vào miệng đứa trẻ, kiểu như tra tấn chứ không phải cho ăn. Không kịp nuốt, bé trai ho sặc văng thức ăn ra ngoài. Cô giáo còn liên tục dùng tay tát vào mặt, đánh vào đầu, đùi đứa bé. Sự việc có vẻ rất bình thường ở đây, bởi hành động bạo hành diễn ra công khai trước mặt những đồng nghiệp. Hai cô giáo còn lại thản nhiên ngồi xem đứa trẻ bị đánh mà chẳng bận tâm can ngăn.

Không chỉ bạo hành, nhiều sự việc gây rúng động dư luận liên tiếp xảy ra trong môi trường giáo dục liên quan đến đạo đức nhà giáo. Sự việc này chưa kịp lắng xuống thì sự việc khác lại rộ lên. Chỉ vài ngày sau khi một thầy giáo tại tỉnh Bình Thuận thừa nhận hành vi dâm ô năm học sinh lớp Một thì tại Lào Cai, một thầy giáo khác cũng cúi đầu nhận tội là tác giả cái thai ba tháng của học sinh lớp Tám. Những tưởng trường học là nơi an toàn đối với trẻ thì giờ đây đầy nguy hiểm khiến nhiều phụ huynh hoang mang, bất an. 

An toan truong hoc bao nhieu quy dinh moi du?
Hình ảnh bảo mẫu liên tiếp đánh vào đầu bé trai vì bé không chịu nuốt thức ăn

Nhận định những sự việc liên tiếp xảy ra gần đây trong môi trường học đường thể hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường “có vấn đề”, ngày 17/4 vừa qua, cùng với hội nghị trực tuyến về bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) diễn ra tại 63 điểm cầu cả nước, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Mục tiêu nhằm ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục; xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống BLHĐ.

Có thể thấy, một “rừng” văn bản chỉ đạo đã được Bộ GD-ĐT ban hành trong thời gian ngắn khi đại diện bộ thông tin rằng, chỉ riêng những sự việc liên quan đến phòng chống BLHĐ đã có 25 văn bản chỉ đạo. Thực tế, việc xây dựng văn hóa học đường không phải là vấn đề mới mà chỉ “nhai lại” những điều đã cũ và chưa bao giờ được thực hiện đến nơi đến chốn vì nó chỉ nằm trên… văn bản.

Nhiều hội thảo đã diễn ra, tuy nhiên, cái gọi là “an toàn trường học” vẫn chưa thấy, trong khi các vụ tiêu cực cứ tăng. Nguyên nhân sâu xa, theo ông Võ Văn Tám, nguyên Trưởng phòng THCS Sở GD-ĐT Bình Thuận, là sự bị động của những người đầu ngành.

“Nhìn lại, tất cả văn bản chỉ đạo ban hành sau khi sự việc đã diễn ra. Bộ GD-ĐT luôn ở thế bị động, đối phó, để cho đê vỡ nước tràn mới thổi còi cấp cứu; chưa đi trước để tìm kẽ nứt, tổ mối đang đục khoét lặng lẽ vô cùng nguy hiểm trong thân đê, chưa thấy chăm bón tận tụy gốc rễ mà cứ đi uốn nắn trên ngọn”, ông Tám phân tích.

Cũng theo ông Tám, “có nhiều nội dung bộ cử người tham khảo nhiều nơi về triển khai tập huấn, nhưng còn lý thuyết. Rồi từ tập huấn cấp bộ về đến địa phương triển khai lại, rơi rớt quá nhiều. Thậm chí có những đơn vị cử người đi tiếp nhận, về đến cơ sở, dừng lại ở đấy, chẳng mấy người quan tâm”. 

Vậy thì, thêm một bộ quy tắc ứng xử trong trường học liệu có giải quyết được những vấn đề tiêu cực đã và đang diễn ra, khi khoảng cách từ văn bản chỉ đạo đến việc thực hiện còn chênh nhau khá xa vì mang tính hình thức hô hào hơn là chuyên tâm hành động. Một khi quy tắc ban hành cứ đi đường quy tắc, mà chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ thì an toàn trường học vẫn là ước mơ. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI