An toàn tiêm chủng: Nhân viên y tế, người dân đều phớt lờ

03/05/2013 - 11:43

PNO - PN - Mặc dù hàng loạt ca tai biến, tử vong chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm vắc-xin xảy ra trong thời gian qua, song tại một số trung tâm y tế, quy trình tiêm chủng an toàn chưa được tuân thủ chặt chẽ. Ý thức kém và sự chủ quan của nhiều...

Khám phân loại chỉ… “lướt sóng”

Cuối tháng Ba vừa qua, tại Hải Dương, một trẻ ba tháng tuổi đã tử vong sau hai ngày tiêm ngừa bằng vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem mũi hai. Trường hợp này đã nâng tổng số ca tử vong sau khi tiêm Quinvaxem lên con số ba kể từ đầu năm 2013 và là trường hợp tử vong thứ bảy tính từ tháng 12/2012.

Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang “đau đầu” vì chưa xác định được nguyên nhân của những ca tử vong thì việc an toàn tiêm chủng là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, có mặt tại các cơ sở tiêm chủng mới thấy, hầu hết cán bộ y tế và các bậc phụ huynh đều phớt lờ những quy định an toàn, đặc biệt là trước và sau khi tiêm chủng.

An toan tiem chung: Nhan vien y te, nguoi dan deu phot lo

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh những ngày cuối tuần đều chật ních kẻ đứng, người ngồi. Là một trong những trung tâm tiêm phòng uy tín của Hà Nội, song rất nhiều công đoạn trong tiêm chủng đều chỉ... nằm trên giấy. Vừa nghe loa thông báo tên con, chị T.T.P. (Ba Đình, Hà Nội) vội vàng bế cô con gái bốn tháng tuổi vào phòng để tiêm vắc-xin 5 trong 1. Sau khi lấy thuốc và nhìn qua đứa trẻ chừng… năm giây, nhân viên y tế lập tức tiêm thuốc. Tổng thời gian cho một lần tiêm như vậy mất chưa tới một phút.

Theo quyết định số 23/2008 của Bộ Y tế về sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị, để đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn, trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế phải tư vấn cho gia đình, người được tiêm chủng những tác dụng, lợi ích và những rủi ro gặp phải khi tiêm chủng phòng bệnh.

Bên cạnh đó, công tác khám phân loại phải đầy đủ thao tác như kiểm tra nhiệt độ, hỏi tiểu sử, kiểm tra vắc-xin, sinh phẩm y tế trước khi tiêm… Tuy nhiên, với số lượng lên tới hàng trăm trẻ cần tiêm mỗi buổi như một số trung tâm lớn của Hà Nội, thì việc “lướt sóng” quy trình cũng không khó hiểu.

Trong khi đó, mặc dù hoang mang, lo lắng trước thông tin tai biến sau khi tiêm vắc-xin song bản thân ý thức của các bậc phụ huynh, người đưa trẻ đi tiêm chủng vẫn còn rất thấp.

Tại Phòng tiêm chủng Quốc Tế (Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội), thông báo “ở lại theo dõi 30 phút sau tiêm” được dán ngay tại phòng tiêm, song hầu hết các bậc phụ huynh không tuân thủ. Chỉ năm phút sau khi chờ con… nín khóc, chị N.M.H. (Thanh Xuân, Hà Nội) vội vàng bế đứa trẻ ra về. Gạn hỏi lý do không ngồi đủ thời gian, chị H. xua tay: “Phòng có 10m2, ngồi lâu quá cũng ngại”. Thêm vào đó, chị H. cho rằng, lần thứ nhất tiêm vắc-xin, bé không có phản ứng phụ nên cũng không quá lo lắng!

Bên cạnh ý thức của người dân chưa cao, dường như đối với nhân viên y tế, họ cho rằng hoàn toàn “vô can” khi mọi thông báo đã được... dán lên tường!

Hiểm họa từ dịch vụ tiêm tại nhà

Ngại đem con tới những trung tâm y tế đông đúc, có nguy cơ lây bệnh cao, không ít bậc phụ huynh lựa chọn dịch vụ tiêm vắc-xin tại nhà. Đây cũng được xem là “mốt” của những gia đình khá giả tại Hà Nội. Chị N.L.T. (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính) cho biết, phần lớn cư dân tại tòa nhà này đều lựa chọn phương thức tiêm vắc-xin dịch vụ bởi sự tiện lợi, nhanh gọn. Không chỉ “lợi đủ đường”, mà theo chị T., giá của dịch vụ này cũng phải chăng. Ngoài tiền vắc-xin xấp xỉ như giá niêm yết tại các trung tâm thì chị chỉ phải trả cho bác sĩ 200.000đ/lần đến nhà.

Tuy nhiên, dịch vụ này được các chuyên gia y tế cảnh báo ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là khả năng tai biến và xử lý hậu quả do tai biến xảy ra. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, những năm gần đây, Trung tâm đã nghiêm cấm triệt để việc tiêm chủng tại nhà. Quy định số 23/2008 của Bộ Y tế nêu rất rõ, các cơ sở tiêm chủng phải đảm bảo những trang thiết bị tối thiểu như: dụng cụ vận chuyển, bảo quản và lưu trữ vắc-xin trong dây chuyền lạnh theo quy định của nhà sản xuất, dụng cụ tiêm chủng đảm bảo vô trùng, có hộp thuốc chống sốc, phác đồ chống sốc…

“Những trang thiết bị và điều kiện nhiệt độ bảo quản vắc-xin được các cơ sở y tế thực hiện rất chặt chẽ. Điều này không phải là không thực hiện được đối với trường hợp tiêm vắc-xin “lưu động”, tuy nhiên, nếu chỉ một chút lơ là, chất lượng vắc-xin sẽ không được đảm bảo. Điều này có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ”, ông Cảm phân tích.

Đặc biệt, các loại thuốc chống sốc có thể được nhân viên y tế mang theo, tuy nhiên, không thể đảm bảo được phương tiện cấp cứu khẩn cấp nếu xảy ra tai biến nặng sau khi tiêm vắc-xin. Ông Cảm nhấn mạnh: “Tuyệt đối không nên mời nhân viên y tế đến tiêm tại nhà để tránh rủi ro và có thể xử lý kịp thời với những ca tai biến, sốc phản vệ không may xảy ra. Trường hợp người dân nào phát hiện nhân viên y tế có biểu hiện chào mời khách hàng hoặc công khai quảng cáo dịch vụ tiêm chủng tại nhà có thể báo với Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Sở Y tế Hà Nội để có biện pháp ngăn chặn”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng lưu ý, việc theo dõi trẻ tối thiểu sau 30 phút tiêm vắc-xin là hết sức cần thiết. Khi tiêm vắc-xin tức là đưa một chất bên ngoài vào cơ thể thì không thể tránh được những phản ứng, tai biến có thể xảy ra. Nguy cơ phản ứng có thể kéo dài trong 24 giờ. Tuy nhiên, trẻ sẽ bị sốc, phản ứng mạnh nhất ở thời điểm xảy ra sớm là 30 phút sau khi tiêm. Chính vì vậy, trong thời điểm này, trẻ phải có mặt ở cơ sở y tế để có thể xử lý sớm, kịp thời nhất nếu không may xảy ra tai biến.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI