An toàn tài chính

24/11/2024 - 20:24

PNO - Em đừng đem chuyện công sức tiết kiệm của mình ra làm đối trọng với đám cưới của Út vì chuyện sẽ thành chị dâu em chồng đối đầu nhau, không hay.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em lớn lên trong một gia đình nghèo. Trong ký ức của em, nhiều lần mẹ em phải đi vay mượn tiền, trong họ hàng thỉnh thoảng có người tới nhà đòi nợ, ba mẹ phải xin từ từ trả. Em ra trường đi làm chỉ mong muốn kiếm được nhiều tiền, không phải lâm vô cảnh thiếu hụt quanh năm suốt tháng.

Em thừa nhận đây là một điều quan trọng khiến em quyết định lập gia đình với chồng em bây giờ. Lúc cưới nhau, anh đang làm một công việc tốt, lương cao. Anh chăm chỉ làm việc, không xài phí. Cưới nhau xong, vợ chồng em mua được nhà riêng, chỉ còn nợ một ít, khoảng hơn 2 năm sau cũng trả xong.

Em luôn cố gắng tiết kiệm để giữ cho gia đình một khoản tiền đảm bảo an toàn về mặt tài chính. Vậy nhưng từ lúc em mang bầu rồi sinh bé đầu lòng, chi tiêu tăng lên mà công việc của chồng em lại gặp khó khăn, thu nhập của gia đình cũng giảm sút. Dù em đã cắt giảm chi tiêu nhưng không những không để dành được, mà tiền chung của vợ chồng em còn hao mòn đáng kể.

Hiện nay, gia đình chồng em đang chuẩn bị đám cưới cho em gái út. Ba má chồng có ý muốn vợ chồng em đứng ra lo. Chồng em thương em gái nên hăng hái nhận lời, em thì vô cùng lo lắng.

Em gái vừa ra trường, nghề nghiệp chưa ổn định mà lại thích xài sang, cái gì cũng đòi thứ mắc tiền, coi như đã có anh Hai lo nên không thèm suy nghĩ về giá cả. Hôm rồi em phát hiện chồng đưa thẻ tín dụng cho Út cầm, Út đã cà lên tới gần trăm triệu đồng mua sắm đồ đạc, áo cưới và chụp hình.

Em cảm giác tài chính của gia đình em không còn nằm trong ngưỡng an toàn. Chắc chắn chồng em sẽ phải dùng đến tiền tiết kiệm để thanh toán nợ tín dụng. Đám cưới còn hơn tháng mới diễn ra, không biết từ đây đến đó còn bao nhiêu khoản chi nữa. Em sốt ruột lắm nhưng không biết phải làm sao…

Thu Thảo (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Em Thu Thảo thân mến,

Khi mình chắt chiu dành dụm từng đồng mà người khác vung tay quá trán, chắc chắn mình sẽ vô cùng khó chịu. Nếu không sớm xử lý chuyện này, vợ chồng em sẽ căng thẳng với nhau, nhà cửa nặng nề, tiền hết mà tình cũng cạn.

Tuy nhiên, em đừng đem chuyện công sức tiết kiệm của mình ra làm đối trọng với đám cưới của Út vì chuyện sẽ thành chị dâu em chồng đối đầu nhau, không hay.

Em nên khoanh gọn trong gia đình mình, vợ chồng bàn bạc với nhau. Sau khi thống nhất cách giải quyết, chồng em sẽ nói chuyện với Út, với ba má. Em có được một người chồng chăm chỉ làm việc không xài phí là điều tốt. Hãy giữ an toàn cho hạnh phúc của mình, tiếp theo mới đến đảm bảo an toàn tài chính của gia đình.

Cứ coi như chuyện bắt đầu từ cái thẻ tín dụng. Trước hết, em hỏi chồng xem kế hoạch thanh toán thẻ tín dụng tháng này của anh thế nào. Không thanh toán 1 lần được thì phải trả góp, chịu lãi nhưng điều quan trọng là tấm thẻ đang nằm trong tay Út, nếu Út không hiểu tình hình tài chính của gia đình em, chuyện chi tiêu vượt quá khả năng thanh toán sẽ tiếp tục xảy ra, đẩy cả gia đình vào cảnh nợ nần.

Em cứ từng bước mềm mỏng nói chuyện với chồng, để chồng tự tay “thu hồi” thẻ tín dụng. Kiểm soát được nguồn chi, em sẽ không phải hốt hoảng lo lắng về những lần cà thẻ không phanh của em chồng, từ đó từng bước lấy lại sự cân bằng thu chi an toàn.

Tiếp theo, ba má chồng đã giao vợ chồng em đứng ra lo đám cưới cho Út. Vợ chồng em cần ngồi lại với ba má, tính toán mọi khoản, nhằm biết ý ba má định thế nào, vợ chồng em lo được đến đâu. Phần nào không lo được, em cần trình bày cho ba má hiểu.

Sau đó, vợ chồng em cũng cần mời vợ chồng Út ngồi lại xếp đặt, cân nhắc từng mục chi tiêu cẩn thận. Phần nào anh chị cho, phần nào ba má cho, phần nào vợ chồng em phải tự trang trải. Thông thường, cô dâu nào cũng muốn mình đẹp nhất, ấn tượng nhất trong ngày cưới nhưng bên cạnh đó còn bao việc khác, có thể Út chưa hình dung hết. Với kinh nghiệm của một người chị, em có thể tư vấn thêm cho Út.

Chúc em khéo thu xếp để việc của gia đình được trọn vẹn, mọi người đều vui.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu tôi là người trong cuộc

Ngọc Ánh (quận Bình Thạnh, TPHCM): Lập kế hoạch trả nợ thẻ tín dụng

Chồng bạn là người đàn ông hiểu chuyện và có trách nhiệm. Là anh trai cả trong gia đình, khi ba mẹ nhờ vả, anh ấy đã không ngần ngại giúp đỡ em gái. Thay vì rút tiền tiết kiệm, anh ấy đã chọn cách đưa thẻ tín dụng cho em gái sắm đồ cưới. Việc làm này thể hiện trách nhiệm và tấm lòng của anh trai muốn chu toàn cho em gái út, hy vọng ba mẹ có thể yên tâm, vui lòng.

Về những lo lắng của bạn khi em chồng cà thẻ quá lố, bạn hãy thẳng thắn chia sẻ với chồng, cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu, lên kế hoạch trả nợ chi tiết. Cố gắng không trách móc mà hãy thông cảm, đồng hành với chồng với cương vị là người chị chồng hiểu chuyện.

Vợ chồng bạn có thể liên hệ ngân hàng để chuyển đổi khoản nợ thẻ tín dụng sang hình thức trả góp. Cách này sẽ giảm bớt gánh nặng lãi suất và giúp bạn dễ dàng lên kế hoạch trả nợ hơn.

Văn Lâm (huyện Bình Chánh, TPHCM): Trao đổi thẳng thắn với vợ chồng em gái

Vợ chồng bạn nên thẳng thắn chia sẻ với ba mẹ và em gái về tình hình tài chính hiện tại của gia đình bạn. Hãy giải thích rõ ràng rằng khả năng tài chính của vợ chồng bạn chỉ đủ để cho em gái mượn thẻ tín dụng, còn những chi phí lớn như đặt tiệc cưới cần sự hỗ trợ từ gia đình.

2 bạn cần làm rõ việc sử dụng thẻ tín dụng với số tiền lớn như vậy sẽ kéo theo khoản thanh toán tối thiểu hằng tháng lên tới 4-5 triệu đồng, chưa kể lãi suất cao từ 18 - 35%/tháng. Hãy liệt kê cụ thể những khoản này để mọi người hiểu rõ hơn về áp lực tài chính vợ chồng bạn đang phải đối mặt.

Để giảm bớt gánh nặng tài chính, vợ chồng bạn có thể đề xuất giải pháp đặt tiệc trước và sử dụng tiền mừng cưới để trả nợ. Hoặc vợ chồng bạn cho mượn, vợ chồng em gái sẽ sử dụng tiền mừng cưới để trả lại. Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm, nên có một thỏa thuận rõ ràng, chi tiết với ba mẹ và em gái về các kế hoạch chi tiêu cho đám cưới.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
  • Lan Chi 25-11-2024 23:31:17

    Chị có thể ngồi xuống bàn bạc với chồng, đặt ra giới hạn cho số tiền hỗ trợ. Nếu cần, hãy đề xuất cả hai gặp em út để thống nhất kế hoạch đám cưới hợp lý hơn

  • Minh Nhàn 25-11-2024 23:26:08

    Tình cảm anh em quan trọng, nhưng chồng chị cũng cần nghĩ đến gia đình nhỏ của mình. Anh ấy nên có kế hoạch chi tiêu cụ thể, đừng để tài chính căng thẳng gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

  • Thục Quyên 25-11-2024 23:22:37

    Đúng là khó xử, vừa muốn giúp chồng mà vừa lo cho tài chính gia đình. Nhưng nếu chị không lên tiếng, mọi chuyện có thể vượt tầm kiểm soát.

  • Vân Anh 25-11-2024 23:16:19

    Chi tiêu cho đám cưới là chuyện chung, cả gia đình chồng cũng nên chia sẻ, không nên để vợ chồng chị gánh hết. Chị nên mạnh dạn nói lên quan điểm của mình với ba má chồng.

  • Hân Trần 25-11-2024 23:10:46

    Bạn thử nói chuyện thẳng thắn với em út, đám cưới không cần phải phô trương, quan trọng là hạnh phúc. Nên giải thích để em ấy hiểu rằng gia đình đang có khó khăn tài chính chứ cũng chẳng dư dả gì cho cam.

  • Phương Phương 25-11-2024 23:07:24

    Việc đưa thẻ tín dụng cho người khác mà không bàn bạc với vợ là không nên. Anh ấy cần nhận ra trách nhiệm tài chính của mình và hai vợ chồng nên thảo luận kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.

  • Thái An 25-11-2024 22:56:52

    Làm anh chị giúp em út là tốt, nhưng không nên để tài chính gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Hãy đặt giới hạn rõ ràng cho việc hỗ trợ này, cả hai bên đều cần hiểu và thông cảm cho nhau.

  • Khánh Linh 25-11-2024 22:47:13

    Nhưng bộ chồng chị không có vấn đề gì với con số "trăm triệu" kia sao?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI