An toàn lao động: Quản lý lỏng lẻo, doanh nghiệp thờ ơ

02/05/2013 - 07:44

PNO - PN - TP.HCM là nơi tập trung một đội ngũ kỹ sư an toàn lao động chuyên nghiệp và đông đảo; các mặt hàng thiết bị bảo hộ lao động được bày bán nhiều không đếm xuể nhưng lại là một trong mười địa phương xảy ra số vụ tai...

Không được trang bị bảo hộ lao động

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chánh thanh tra Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, đang phối hợp với cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ TNLĐ khiến ba người chết xảy ra vào trưa ngày 24/4 tại hồ nước thải trong khu công nghiệp Hiệp Phước (H.Nhà Bè, TP.HCM). Thời điểm trên, kỹ sư Nguyễn Minh Tuân (29 tuổi, quê Sóc Trăng) và công nhân Hà Thanh Tài (24 tuổi, ngụ Long An) đang làm việc thì bị ngã xuống hồ xử lý nước thải của Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương, nằm trong khu công nghiệp Hiệp Phước. Nghe tiếng kêu cứu, anh Lê Phát Tài, công nhân làm ở một khâu khác gần đó trèo xuống hồ cứu người nhưng cũng bị trượt chân ngã, tử vong cùng hai đồng nghiệp.

Theo ông Việt, thanh tra Sở LĐ-TB-XH đang củng cố hồ sơ về quy trình làm việc của Công ty Hào Dương. Theo thông tin ban đầu, ba nạn nhân đã không được trang bị mặt nạ chống độc, là thiết bị bảo hộ bắt buộc trong môi trường làm việc phát sinh khí độc. Chưa kể, quy trình làm việc này có người giám sát hay không, người lao động đã được huấn luyện về an toàn lao động hay chưa cũng chưa rõ. “Sau khi củng cố hồ sơ đầy đủ, nếu vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện đã xác định các kỹ sư và công nhân tử vong bị ngất xỉu trước khi ngã xuống hồ xử lý nước thải”, ông Việt nói.

Một cán bộ Ban quản lý các KCX-KCN TP (Hepza) cho biết, Công ty Hào Dương từng mắc nhiều sai phạm trong lĩnh vực lao động như áp dụng thời gian thử việc không đúng quy định đối với lao động chưa qua đào tạo, không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động… Đặc biệt, công ty này từng nợ bốn tháng BHXH với số tiền 772 triệu đồng, từng nợ phí bảo vệ môi trường 641 triệu đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, hồ xử lý nước thải cao 5m, rộng khoảng 200m2, bên trong chứa nhiều hóa chất bốc mùi nồng nặc rất khó thở.

Trước đó, vào ngày 12/3, nhiều đoạn xương tay, chân người và một bộ quần áo dính đầy máu đã được phát hiện trong cối xay bột giấy của cơ sở sản xuất giấy trên đường Vườn Thơm (xã Bình Lợi, H.Bình Chánh TP.HCM). Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Văn Đức (47 tuổi) là bảo vệ của cơ sở.

Hai vụ tai nạn trên nằm trong số 17 vụ TNLĐ tại TP.HCM được ghi nhận từ đầu năm đến nay.

An toan lao dong: Quan ly long leo, doanh nghiep tho o

Khu vực phát hiện xác người đàn ông chết trong cối xay bột giấy

An toan lao dong: Quan ly long leo, doanh nghiep tho o

Hiện trường nơi ba kỹ sư, công nhân tử vong dưới hồ xử lý nước thải

Thanh tra thiếu, doanh nghiệp “trốn”

Theo đánh giá của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH, hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí nên đã cắt giảm các khâu mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho người lao động. Vì vậy, khi tiến hành thanh tra thường phát hiện các lỗi như: người sử dụng lao động không thiết kế lưới bảo hiểm, người lao động không thắt dây an toàn, mũ bảo hộ, mang mặt nạ chống độc... khi làm việc. Ngoài ra, phổ biến là các vi phạm sử dụng điện trong sản xuất như đấu nối, sử dụng các thiết bị máy móc, điện không đúng kỹ thuật do thiếu cán bộ chuyên môn về điện. Mặt khác, chính bản thân người lao động cũng chủ quan không đòi hỏi các thiết bị an toàn khi làm việc tại các công trình, dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.

Thống kê mới đây của Cục An toàn lao động cho thấy, năm 2012 toàn quốc đã xảy ra 6.777 vụ TNLĐ làm 6.967 người bị nạn, chết 606 người, bị thương nặng 1.470 người, nạn nhân là lao động nữ khoảng 1.842 người. TP.HCM đứng đầu danh sách khi xảy ra 1.568 vụ làm 98 người chết. Theo đánh giá chung, số người chết vì TNLĐ trên cả nước tăng gần 10% so với năm 2011. Trong 552 vụ TNLĐ chết người xảy ra năm 2012, Bộ LĐ-TB-XH nhận được biên bản điều tra của 149 vụ nhưng chỉ có hai trường hợp người sử dụng lao động bị đề nghị truy tố do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về an toàn lao động để xảy ra TNLĐ.

Lý giải cho việc tai nạn gia tăng, một lãnh đạo Cục An toàn lao động cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Có thời điểm cả nước chỉ có 430 thanh tra, kể cả lực lượng gián tiếp, trong khi số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gần 600.000. Vì vậy, số doanh nghiệp được thanh tra hàng năm là rất ít.

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động, số liệu trên vẫn chưa đánh giá chính xác tình hình TNLĐ do công tác thống kê chưa đầy đủ vì nhiều doanh nghiệp không báo cáo theo đúng quy định. Trong năm 2012, chỉ có khoảng 19.300 doanh nghiệp báo cáo, chiếm 5,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra cũng không khắc phục các vi phạm sau khi đoàn kiểm tra hoàn tất công tác.

Theo ông Thắng, hiện Bộ LĐ-TB-XH đang nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động, dự kiến trình Quốc hội vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, việc xây dựng dự thảo đang gặp nhiều khó khăn do phải phù hợp với mức độ đáp ứng về an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hiện nay. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp vẫn vì lợi nhuận mà cắt giảm chi phí mua sắm các thiết bị bảo hộ cho người lao động. Vì vậy, cần tăng mức xử phạt đối với những doanh nghiệp coi thường tính mạng người lao động.

 VINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI