“An toàn cho phụ nữ và trẻ em”: Nếu mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng cùng thay đổi suy nghĩ…

07/10/2020 - 12:00

PNO - Năm 2020 - năm thứ hai thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Là những phụ nữ, những người mẹ, họ khát khao gì về một môi trường sống lý tưởng để mình và con em mình được sống và phát triển tốt nhất? Dưới đây là những góp ý của họ.

Bạo lực gia đình: ngăn chặn từ trong gia đình và cùng nhau lên tiếng! 

Để an toàn cho phụ nữ và trẻ em thì phải tìm cách ngăn chặn bạo lực gia đình. 

Bạo lực gia đình xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung nó bắt nguồn từ kinh tế, nhận thức và quan trọng nhất là sự thụ động của bản thân mỗi người và rộng hơn là cả cộng đồng xã hội. Để phòng, chống bạo lực, nhất thiết phải trang bị kỹ năng sống cho từng người, cho mỗi gia đình. Ví dụ, trẻ em khi bị bạo lực thì phải biết gọi điện đến đâu để cầu cứu. Phụ nữ bị bạo hành cần phải lên tiếng chứ đừng nghĩ: im lặng chịu đựng là vì chồng, vì con. Gia đình phải học cách ứng xử với nhau. Trước khi kết hôn, nam nữ phải học cách làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ. 

Khi biết có chuyện bạo lực, cộng đồng xã hội phải cùng lên tiếng, đừng xem bạo lực là chuyện nội bộ của mỗi gia đình mà phải xem nó là hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng khi nhận được thông tin về bạo lực gia đình phải có mặt ngay để tìm hiểu sự việc, ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu nhằm bảo vệ nạn nhân. 

Nếu mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng dân cư… cùng thay đổi suy nghĩ, không xem bạo lực là chuyện cá nhân, chuyện nội bộ của mỗi gia đình và cùng nhau lên tiếng thì cục diện sẽ thay đổi, phụ nữ và trẻ em sẽ được an toàn hơn. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (P.8, Q.11)

 

Muốn bảo vệ trẻ thì phải lắng nghe trẻ

Ngoài những việc làm thường xuyên như tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, hướng dẫn về giáo dục giới tính cho các bé tại các trường mầm non, trường tiểu học, Hội LHPN Q.7 còn phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức diễn đàn "Lắng nghe trẻ em nói". Thông qua hoạt động này, nhà trường hiểu các em hơn, có biện pháp giúp các em biết phòng tránh và ứng xử khi xảy ra bạo hành và bạo lực học đường. Đến nay, đã có 10 cuộc "Lắng nghe trẻ em nói" được tổ chức với sự tham gia của hơn 800 lượt hội viên, nữ công nhân và trẻ em khắp Q.7. 

Không chỉ thế, Q.7 còn thực hiện mô hình "Tổ phụ nữ đưa trẻ tới trường" (có 10 thành viên tham gia) vừa giới thiệu việc làm cho các chị với mức thu nhập 3.000.000 đồng/người/tháng, đồng thời tạo sự an tâm cho các bậc phụ huynh khi nhờ đưa trẻ tới trường, nhất là với những bé gái. 

Theo tôi, hành động thiết thực là phải gắn với việc tạo công ăn việc làm cho các thành viên, đồng thời góp phần bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Có như vậy nó mới lan tỏa và được người dân ủng hộ.

Chị Nguyễn Thị Loan (P.Phú Thuận, Q.7)

 

Có nghề, có công việc ổn định, chị em sẽ an tâm hơn

Từ mười năm trở lại đây, hằng năm Hội đều tổ chức từ một đến hai lớp đào tạo các nghề bảo mẫu, pha chế, nấu ăn, tỉa rau củ quả… theo nhu cầu thực tế của hội viên.

Nhóm thực hành dạy nghề pha chế của Hội LHPN Q.Gò Vấp
Nhóm thực hành dạy nghề pha chế của Hội LHPN Q.Gò Vấp

Gần đây, hằng tuần, Hội đều có các lớp dạy nấu ăn theo món để giúp chị em nâng chất lượng bữa ăn gia đình, bán thức ăn sáng… Với thế mạnh về điều kiện cơ sở vật chất, công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, Q.Gò Vấp đã thật sự phát huy được hiệu quả. Chúng tôi khuyến khích cơ sở hướng đến vận động chị em học nghề, tập trung giới thiệu việc làm bên cạnh các phong trào khác. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19, nhiều chị em hội viên phụ nữ mất việc làm, giảm thu nhập, Hội LHPN quận và các cơ sở đã kết nối giới thiệu việc làm để chị em có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Thiết nghĩ, khi có nghề, có công việc ổn định, chị em sẽ an tâm hơn, từ đó mới có tâm thế tham gia cùng Hội trong các phong trào. 

Chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp 

 THANH HUYỀN - DIỄM TRANG (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI