An toàn bay tại TPHCM bị uy hiếp bởi tia laze và flycam

28/04/2022 - 17:17

PNO - Cảnh báo được đưa ra tại hội nghị công tác đảm bảo an toàn hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, do Cảng vụ Hàng không miền Nam phối hợp với Công an TPHCM tổ chức ngày 28/4.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó giám đốc Cảng Vụ hàng không miền Nam - cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất ghi nhận 49 trường hợp vi phạm an toàn hoạt động bay. Trong đó, năm 2021 có 32 trường hợp. Các vụ việc chiếu đèn laze chiếm 34/49 trường hợp gây mất an toàn bay.

Ngành hàng không lên báo động hành vi chiếu laze gây uy hiếp an toàn bay. (Ảnh: minh họa).
Ngành hàng không báo động về hành vi chiếu laze gây uy hiếp an toàn bay (Ảnh minh họa)

Trong đó, việc chiếu đèn laze vào buồng lái máy bay, sử dụng flycam và drone/vật thể bay theo phản ánh của tổ lái xảy ra tại khu vực Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức thường xuyên và với tần suất cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho máy bay (trong trường hợp đèn laze chiếu thẳng vào buồng lái làm mất tập trung cho tổ lái trong quá trình cất cánh, hạ cánh; tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nếu máy bay va chạm flycam và drone/vật thể bay).

Các khu vực ghi nhận vi phạm an toàn hoạt động bay chủ yếu xảy ra tại các khu vực vùng tiếp cận hạ cánh của đầu đường CHC 25 (hướng đông) của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất kéo dài khoảng 15km tính từ ngưỡng đường CHC 25R và 25L, từ các quận: Gò Vấp, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức đến TP. Dĩ An (Bình Dương) và một số trường hợp ghi nhận tại các huyện của tỉnh Đồng Nai.

“Trên cơ sở thông báo từ tổ bay về cho trung tâm điều hành bay, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã triển khai cơ chế phối hợp với Công an TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai xác minh, truy tìm, xác định các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành phân loại các sự cố để có phương án phòng ngừa. Từ đó, dựa trên các quy định, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Tăng cường công tác quản lý trên địa bàn, các vùng, hành lang theo các quy định của phát luật, luật hàng không dân dụng”, Phó giám đốc Cảng Vụ hàng không miền Nam cho biết thêm.

Theo báo cáo của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, các hãng có ghi nhận các trường hợp chiếu laze vào buồng lái khi phi công hạ cánh một số chuyến bay gần đây. Chẳng hạn như, năm 2021 có 5 vụ chiếu đèn laze vào buồng lái của phi công hãng Vietjet Air tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Gần nhất, là ngày 4/4/2022 chuyến bay VJ631 Đà Nẵng - TPHCM, phát hiện laze chiếu từ một tòa nhà gần con sông phía đông - nam so với đường hạ cánh của máy bay. Rất may sự việc không gây ra sự cố uy hiếp an toàn bay.

Việc thiếu cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan khiến chưa đánh giá, xử lý được các vụ việc vi phạm; chưa thể triển khai các hoạt động phản ứng nhanh trong công tác điều tra, tìm kiếm đối tượng vi phạm gây mất an toàn bay. Hiện chế tài xử lý các hành vi vi phạm này vẫn là xử phạt hành chính cũng chưa đủ răn đe.

Các hãng hàng không đồng loạt kiến nghị như, cơ quan chức năng cần quản lý việc mua (sử dụng) các loại đèn chiếu sáng laze trên thị trường hiện nay; cần nghiên cứu khung chế tài, trong khi nhiều nước đã đưa hành vi vi phạm uy hiếp an toàn bay vào các khung xử lý hình sự (như Mỹ phạt tiền và phạt tù từ 5 năm).

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến rộng rãi người dân về các hành vi uy hiếp an toàn bay, nhằm hạn chế việc sử dụng các thiết bị chiếu sáng, thiết bị bay (flycam)… quanh khu vực Cảng hàng không, trong bán kính an toàn.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI