Quảng trường, công viên, đường phố, vỉa hè hay thậm chí một con hẻm nhỏ… là không gian mọi người có thể sử dụng, không thuộc quyền riêng của bất kỳ cá nhân, gia đình nào. Thế nhưng chúng ta dễ thấy không gian đó thường xuyên bị chiếm dụng. Khi muốn, không gian công cộng được sử dụng như không gian riêng. Và sau khi sử dụng nó trở lại là không gian chung, không ai có trách nhiệm thu dọn sạch sẽ tàn tích của mình, nên rác vương vãi khắp nơi, nằm ngay trên đám lục bình bên bờ sông, dù thùng rác công cộng không thiếu.
Lúc gia đình có chuyện vui, buồn, người ta cứ quay giàn loa ra ngoài để mọi người ngồi trong nhà tụng niệm, đàn hát, không cần quan tâm âm lượng to hay nhỏ, người khác có muốn nghe hay cảm thấy khó chịu. Chỗ nào có đông người họ càng nói lớn tiếng, cứ oang oang trò chuyện hay ong óng gọi nhau. Cứ tự nhiên mà ồn ào, tự nghĩ mình có phải dân hèn đâu mà phải “thấp cổ bé họng”.
|
Vì hành vi kém văn minh của một số người, vỉa hè cho người đi bộ biến thành bãi rác |
Trong siêu thị tìm mọi cách để chen hàng tại quầy tính tiền, vì muốn thanh toán sớm, về nhà sớm đã đành, đi máy bay trước sau gì cũng cùng bay lên, cùng đáp xuống mà cũng chen lấn xô đẩy. Chưa kể, cách xếp hàng cũng không giống hàng. Vì muốn “tám” với nhau nên đứng thành nhóm 2, 3 người cùng tiến lên, không theo hàng lối thông thường.
Ăn buffet là tha hồ lựa chọn món ăn, muốn ăn bao nhiêu tùy ý, nhưng vì ngại lấy thức ăn nhiều lần nên không ít người lấy một lúc nhiều thức ăn, và sau đó ăn không hết. Hoặc họ đến lấy món yêu thích để ăn cho no, rồi nhìn thấy và muốn ăn giống người kế bên nên lại phải bỏ. Ngồi ăn chung thành nhóm, một người đi lấy thức ăn muốn lấy cho nhiều người ngồi cùng. Trong khi người khác cũng nghĩ như vậy, nên cuối cùng cả nhóm không thể ăn hết. Nhiều người có suy nghĩ, đã trả tiền rồi thì ăn hay bỏ đâu có thiệt hại gì cho mình, do đó vô tư phí phạm.
Đó là những thói xấu thường gặp của người Việt. Chưa kể đến có chút rượu bia vào thì bất kể trời đất. Đi du lịch tối nào cũng đem bia rượu lên phòng tụ tập nhau nhậu nhẹt, có cố thu dọn thì cũng ít nhiều bừa bãi trong phòng ngủ...
Nhiều người khi ra nước ngoài cũng vẫn giữ các thói quen xấu. Trong khi đó, ở nước ngoài, nơi có kỷ cương pháp luật nghiêm minh, những ứng xử đó trở thành hành vi kém văn minh, thậm chí phạm pháp khiến cho người nước ngoài đánh giá xấu con người Việt Nam.
Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa luôn được các cấp chính quyền vận động đến tận hang cùng, ngõ hẻm. Ngay từ nhỏ, con cái họ luôn được dạy rằng phải giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng, chấp hành quy định, pháp luật... Nhưng tất cả rồi sẽ đổ sông, đổ biển khi bên cạnh chúng luôn tồn tại những tấm gương xấu.
Xử phạt, bêu riếu, lao động công ích... chỉ là giải quyết cái ngọn, cái gốc là giáo dục nhân bản cho con người ngay từ thời thơ ấu. Sự giáo dục đó không gì hữu hiệu bằng chính những tấm gương trong gia đình.
Nguyễn Huỳnh Đạt