Ân tình Sài Gòn: Nguồn cảm xúc không bao giờ cạn

07/07/2021 - 14:09

PNO - Đã có rất nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn, đa dạng thể loại, đề tài. Và cũng có những cuốn sách viết từ đại dịch được ra mắt vào năm trước. Nhưng nguồn cảm xúc về mảnh đất này chừng như chưa bao giờ cạn. Những trang viết về Sài Gòn vẫn đang tiếp tục được khơi dòng, nối dài những ân tình…

Mọi ngõ ngách Sài Gòn trong trang viết yêu thương

Những ngày qua, nhà văn Nguyễn Duy Quyền (tác giả các tựa sách Sài Gòn trong Sài Gòn, Còn quá nhiều thứ để thương, Quên được cứ quên…) liên tục chia sẻ những bài cảm nhận trên trang cá nhân. Người đọc thấy được những buồn lo nhưng cũng tràn đầy yêu thương, hy vọng của người cầm bút. Tất cả bài viết được chia sẻ trên Facebook, anh tập hợp dần thành bản thảo sách Sài Gòn của người thương.

Không chỉ là nhà văn, Nguyễn Duy Quyền còn là y tá. Suốt thời gian dịch bệnh, anh đã trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ cùng đồng nghiệp. Và chính từ góc nhìn của người trong cuộc, thấu hiểu và sẻ chia, những bài viết - dù chỉ mới ở dạng ghi chép ngắn của anh - cũng vô cùng chân thực, đầy rung cảm.

Những trang viết/tác phẩm về Sài Gòn ân tình sẽ tiếp tục được nối dài trong đại dịch
Những trang viết/tác phẩm về Sài Gòn ân tình sẽ tiếp tục được nối dài trong đại dịch

“Có rất nhiều hình ảnh, câu chuyện mà khi là người trực tiếp chứng kiến, tôi không thể không viết ra. Như người bạn của tôi, làm việc ở Trung tâm Y tế dự phòng, suốt thời gian qua không thể về nhà, chỉ có thể trò chuyện với con bằng cách gọi video. Rất nhiều người làm nhiệm vụ trong khu vực có dịch, hơn một năm rồi, đến cả tết cũng không về nhà được…” - nhà văn Nguyễn Duy Quyền chia sẻ.

Có những câu chuyện anh viết làm cay mắt người đọc. Như câu nói: “Đợi ba nghen. Hết dịch ba về với con” của người chiến sĩ tham gia lực lượng tình nguyện. “Mỗi ngày phải di chuyển nhiều lần, có khi sau xe mui trần, có khi bằng chiếc honda cà tàng, chui khắp hang cùng ngõ hẻm xịt khử khuẩn nơi đã phát hiện những ca dương tính. Nguy cơ lây nhiễm cao, nên anh em tự gom nhau lại ở chung một nhà, không tiếp xúc người ngoài” - trích bài viết Chừng nào ba về của nhà văn Nguyễn Duy Quyền. 

Những lát cắt rất nhẹ nhưng đủ để người đọc cảm nhận được những hy sinh thầm lặng của biết bao con người trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong số những bài tham dự cuộc thi Thơ và Tạp bút 45 năm rực rỡ tên vàng (Báo Người Lao Động tổ chức, từ tháng 4 đến tháng 7/2021), có rất nhiều bài cảm nhận về nghĩa tình của phố trong đại dịch từ nhà văn đến những người cầm bút không chuyên.

Bên cạnh những ký ức/kỷ niệm, người tốt - việc tốt, thì những ân tình dung dị, trong từng con hẻm/góc phố, tình người, nghĩa đồng bào tương thân tương ái được chia sẻ trong những trang viết. Tất cả cùng nhau làm nên một chữ “thương” trong hoạn nạn. “Khi hội ngộ, ta có thể ngồi lại bên nhau để kể về những ngày này, kể về lòng nhân, về tình thương vẫn mải miết chảy tràn trong dòng thời gian giữa lòng nhân thế, chưa phút nào ngừng lại” - nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy viết trên trang cá nhân, trong bài Ngày hẹn của chúng ta rồi sẽ đến.

Năm 2020, làng sách đã có được một dòng sách hết sức đặc biệt: viết về Sài Gòn trong dịch bệnh, về câu chuyện cách ly: Những ngày cách ly (Bùi Quang Thắng), Đi qua hai mùa dịch (Dy Khoa), Cô Vy tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi (nhiều tác giả)... Bây giờ, những người cầm bút cũng đang nối dài những trang viết yêu thương và chia sẻ. Khi các đơn vị xuất bản cũng phải chậm đi tiến độ phát hành sách, thì mạng xã hội lại phát huy được sức mạnh kết nối, cùng lan tỏa giá trị tinh thần bằng chữ nghĩa. 

Nghĩa cử của những người cầm bút 

Những ngày thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10 này, Ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn TP.HCM đã cùng nhau kêu gọi, góp gạo tặng Quán cơm xã hội Nụ Cười - Cơm 2.000, tặng gạo cho cựu thanh niên xung phong và bà con nghèo tại TP.HCM. Gần năm tấn gạo đã được quyên góp chỉ trong một thời gian ngắn, nhà thơ Trần Mai Hường, nhà thơ Huệ Triệu thay mặt cộng đồng chuyển gạo đến cho người nghèo. 

Nguồn quỹ mỗi ngày tiếp tục được làm đầy, không chỉ những người cầm bút trong nước mà còn có sự đóng góp của các nhà văn đang sống ở nước ngoài. Trên trang cá nhân, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - liên tục cập nhật những cái tên: nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, Trần Thùy Mai, Nguyễn Lê Khanh… góp gạo từ nửa vòng trái đất.

Lặng lẽ quyên góp và lặng lẽ sẻ chia, đó cũng là hình ảnh thường thấy của nhiều người cầm bút (là nhà văn/nhà báo) trong những ngày cùng thành phố cưu mang người nghèo trên khắp ngõ ngách Sài Gòn.Nhiều cá nhân/nhóm tự vận động quyên góp tiền rồi bỏ phong bì, thay nhau rong ruổi khắp những con đường Sài Gòn nơi có người nghèo mưu sinh để trao tặng. 

“Và còn nhiều tấm lòng nữa chia sẻ với người dân Sài Gòn trong hoàn cảnh khốn khó của đại dịch. Hãy viết nhiều hơn mọi ngày, thậm chí chỉ cần viết trên trang cá nhân, viết những điều từ trái tim, tôi tin sẽ chạm đến trái tim, chạm đến lòng trắc ẩn, chạm đến trữ lượng yêu thương mà mỗi người ít nhiều đều gìn giữ nó, nâng niu nó và khi cần, chia sẻ nó” - nhà văn Bích Ngân bày tỏ. 

Bằng quan sát, cảm nhận và những rung động của riêng mình, người cầm bút đang gửi vào ân tình Sài Gòn những nguồn năng lượng tích cực. “Sài Gòn đắt đỏ đâu hổng thấy, chỉ thấy Sài Gòn mùa này 0 đồng ngập phố. Gần 50 điểm có gian hàng 0 đồng với mì gói, gạo, sữa, rau củ, thịt heo, thịt gà... Từ chợ Bình Điền lúc chưa bị dừng hoạt động, tiểu thương chi viện mặt hàng tươi sống. Từ chợ nông sản Thủ Đức, mặt hàng rau củ được xuôi về các điểm. Các mạnh thường quân đổ hàng bằng các chuyến xe tải, bà con cứ tự đến lấy, không câu nệ, không dùng từ cho mà là từ gởi…” - nhà văn Tống Phước Bảo viết, trong bài Sài Gòn ngoan cường, thương từ trong ruột thương ra.

Đã có nhiều tựa sách về Sài Gòn trước đó: Sài Gòn gọi nhau bằng cưng, Sài Gòn còn thương thì về… nhà văn Tống Phước Bảo cho biết thêm, anh đang chuẩn bị in thêm một cuốn sách về Sài Gòn, viết từ dịch bệnh. 

Nhà văn làm gì trong đại dịch? Câu hỏi có lẽ được trả lời bằng chính những trang viết/dự án sách âm thầm lẫn hành động thiết thực của người cầm bút trong cuộc sẻ chia với Sài Gòn. 

Cầm Thi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI