Ân tình ông bà chủ ở Sài Gòn làm tôi rơi nước mắt(*)

08/12/2014 - 07:51

PNO - PNO - Bạn đọc Phạm Minh Hiền (P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM) gửi đến Phụ Nữ Online những tâm sự xúc động về mối quan hệ ông bà chủ và người làm công. Hiền đã có 9 năm ăn Tết cùng gia đình ông bà chủ.

edf40wrjww2tblPage:Content

An tinh ong ba chu o Sai Gon lam toi roi nuoc mat(*)

Ảnh minh họa: Ngọc Hồ.

Từ ngày hai cô em qua bên trời Tây du học, nhà còn lại hai người. Chính xác là ba người, vì có thêm tôi. Tôi không phải là người trong gia đình của cô chú, tôi là một lao động phổ thông, phụ giúp việc kinh doanh trong nhà.

Tôi không có ba má từ nhỏ, bám víu vào những mảnh tình người trong xã hội để lớn lên. Năm 18 tuổi, đã đủ tuổi đi làm, tôi rời quê lên Sài Gòn xin vào nhà cô chú làm công cho đến bây giờ.

Người ta nói cô khó lắm, "bà đó khó trời thần, đố ai mà ở với bả được lâu". Tôi thấy cô khó thiệt! Cô dạy tôi từ cách ngồi ăn, cách chọn miếng ăn, cách nói năng ứng xử, cách đi đứng cho tới cách rót nước mời khách... Nhưng tôi làm được, nên ở nhà cô cho đến giờ đã hơn 9 năm. Cô có hai cô con gái, hai cô em như bản sao của cô: tiết kiệm, thẳng tính, chịu khó và biết thương người.

Với thu nhập và cuộc sống của gia đình cô chú hiện tại, có thể ăn những bữa cơm riêng nơi nhà hàng sang trọng, hoặc thuê một người giúp việc, chuyên nấu nướng và dọn dẹp trong nhà. Nhưng không, tự tay cô làm hết. Cô đi chợ từ sáng sớm để chọn nhưng mớ cá tươi, những bó rau hay vài trái ổi, trái đu đủ hoặc nải chuối của những người dưới quê mang lên, ngồi ở góc chợ.

An tinh ong ba chu o Sai Gon lam toi roi nuoc mat(*)

Ảnh: Ngọc Hồ.

Những buổi nấu nướng trong bếp, tôi thường theo sau để tiếp cô rửa mớ rau, vo nồi gạo hoặc làm con cá, những chuyện đó không phải là công việc của tôi, nhưng những lúc rảnh tôi muốn phụ giúp cô một tay, và được phép ngồi vào bàn, ăn cơm cùng cô chú.

Cô nói: "Ăn uống như vậy mới đủ chất, đảm bảo và tiết kiệm được nhiều thứ". Trong bữa ăn, cơm nóng, canh nóng, được nghe cô chỉ dạy, được nghe chú kể chuyện ngày xưa thời bao cấp, rồi được rót nước, đưa tăm... bữa cơm gia đình vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn người côi cút.

Cô biểu tôi phải ráng đi học kiếm cái nghề, cô luôn tạo mọi điều kiện để tôi vừa làm vừa học. Cô không biết internet, mắt lại mờ, nên mỗi khi muốn nói chuyện với con gái bên Tây, thì tôi là "cây viết điện tử" để cho cô sử dụng. Cô biểu tôi viết: "Trời bên đó tháng này lạnh không? Bây coi mặc đủ áo ấm, ăn uống cho đúng bữa, đừng bỏ ăn nghe chưa?". Cô em bên kia đáp lại: "Dạ, con biết rồi". Cứ như vậy, má - con họ nói chuyện với nhau mà tôi là người đưa thư, lá thư không bao giờ có bao.

Cô nhớ rõ ngày giỗ của má tôi, ba tôi. Mỗi khi gần đến, cô nhắc nhở và dạy tôi làm món này, món kia để dọn ra cúng mâm cơm rồi khấn nén hương tưởng nhớ người đã khuất.

Đã chín lần mai trổ bông vàng trước sân nhà cô, là chín lần tôi được hưởng cái Tết gia đình trọn vẹn.

Cứ đầu tháng chạp hàng năm, tôi giúp chú lau lại cửa sổ, sơn lại tường, dọn lại vườn cây. Năm ngoái, hai cô em còn ở nhà thì phụ tiếp má dọn bếp, lau bàn thờ, muối dưa, gói bánh, làm giò... Năm nay, tôi lại gánh thêm phần việc đó.

Chú hay cằn nhằn: "Thời này cái gì cũng có, bà làm chi cho cực?". Cô trách yêu: "Ông này kỳ, mình mần cho nó có không khí Tết, cho sắp nhỏ nó biết để sau này tụi nó còn biết cách mà mần. Già rồi, ở không là tay chân nó mỏi, nó nhức". Nhắc tới sắp nhỏ, tôi thấy cô thở dài rồi lẩm bẩm: "Không biết, bên bển tụi nó có ăn Tết không?".

Cô nhìn tôi đang cẩn thận lau dọn bàn thờ tổ cho nhà cô, cô biểu: "Bây coi trong phòng bây chỗ nào sạch sẽ, cao ráo, xuống nhà rinh cái tủ lên để thờ cúng ba má bây, chứ giờ có ai đâu mà thờ". Tôi ngỡ ngàng, rồi hỏi: "Sao cô cho con thờ ba má con trong nhà cô vậy? ". Cô ngồi bậc cửa đang lau lá chuối, mắt xa xăm: "Ờ thì... thờ cúng người ta mình cũng có phước, người ta cũng phù hộ cho mình, bây cũng ấm lòng vì được hương khói cho ba má bây ba ngày Tết".

Cô nói xong, người đàn ông trong tôi tự dưng yếu đuối, phải cố mà ngước lên, hít sâu, chớp mắt nhiều cho nước mắt không chảy ra...

Làm thuê là một việc trao đổi với nhau giữa công sức và tiền bạc. Nhưng khi người ta xem cái tình trọng hơn tiền bạc, thì công sức mình bỏ ra bao nhiêu cũng là bé nhỏ.

Không phải riêng tôi đâu, sẽ còn có rất nhiều người vì mưu sinh, vì hoàn cảnh mà Tết nay sẽ không về hoặc không còn nơi để về... Thì hãy xem nơi mình làm, mình trọ cũng là gia đình, biết đâu ấm lòng người lang bạt.

PHẠM MINH HIỀN (đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM)

(*) Tựa do Phụ Nữ Online đặt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI