1. Tôi còn nhớ ngày ấy, người đàn ông trung niên có nước da ngăm đen rắn rỏi cùng chiếc xe đạp chất ứ hự hai bao muối to tướng hay đổi muối lấy lúa ở làng tôi. Những ngày vào mùa, anh đến làng nhiều hơn bình thường. Khi ấy, ngay trên sân nhà, lúa đã được phơi “chín” nắng ruộm vàng, được giê, sàng sạch sẽ.
“Hai muối ba lúa hả? Chú Năm để tui hai muối nha!”. Vậy là chốt luôn phi vụ trao đổi giữa người diêm dân và nông dân, những thúng lúa no nê vun tròn như ươm lên nụ cười nồng hậu, chất phác của người nhà quê.
|
Nữ diêm dân đang thu hoạch muối. Ảnh: Internet |
Có lần tôi chứng kiến, người diêm dân ấy hối hả đẩy xe muối vào nhà chú Hai Mai khi cơn mưa bất chợt ập đến. Anh tròng vội chiếc áo tơi mỏng dính vừa kịp trước khi những hạt mưa nặng trĩu phủ xuống. Bà Năm Sử, má của chú Hai Mai, thấy người bán muối, thì cất lời: “Vô hẳn trong nhà mà đứng trú mưa chú ơi”. Người đàn ông cứ loay hoay bên xe muối không chịu rời đi. Anh bảo: “Mưa gió thế này xi nhê gì. Chỉ sợ muối ướt thôi bác à”. Bà Năm chẳng nói chẳng rằng, vô nhà tìm thêm ít bao ni-lông cho người diêm dân che thêm cho xe muối. Giờ thì, bà Năm đã mất, những chiếc xe chất đầy gánh muối với lời rao thuở nào cũng dần thưa vắng, rồi mất hút tự bao giờ…
2. “Muối là một thứ gia vị”. Một đầu bếp trứ danh nào đó đã chắc như đinh đóng cột như thế. Điều đó chính xác như một cộng một bằng hai, chẳng phải bàn thêm. Muối là một thứ gia vị, nó đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ấy chứ.
Từ xưa đến nay, phàm cái gì nhạt, cần mặn mà, thấm tháp thì thêm gia vị. Gia vị ở đây có gì hợp lý hơn là muối? Một mối quan hệ mà thiếu “muối” cũng như món ăn chẳng được chăm chút, chẳng được nêm nếm gia vị. Tôi có người bạn lớn tuổi, ông từng nói: “Chết đi viếng sao bằng sống đến chơi? Bằng hữu cũng vậy, tình nhân cũng vậy, vợ chồng cũng vậy, đối đãi với nhau mà nhạt nhẽo quá, thì làm sao mà bồi đắp, hiển lộ cái chân tình”. Ừ thì, ông nói nào có sai. Nhưng đó là người với người. Vậy, còn người với muối thì sao?
Người có lúc nồng ấm, có khi lạnh nhạt. Nhưng muối, thì muôn đời vẫn mặn…
|
Diêm dân Ninh Thuận. Ảnh Internet |
3. Mới rồi, có dịp đi qua Diêm Vân ở Phước Thuận, Tuy Phước, một trong những vùng làm muối lớn của Bình Định, như có gì giằng giữ tôi ở lại. Bà con diêm dân ở đây đang tập kết muối tại cánh đồng. Rảo bước lại đống muối, tôi vốc một nắm đầy, thấy gan bàn tay mình rộn rạo, nhoi nhói…
Muối là kết tinh của nắng, của gió, của mặn mòi biển cả. Trong muối, có vị cần lao của người dân xứ Nẫu quê tôi. “Hôm nay được nắng, muối đẹp!”. Cái câu “muối đẹp” của nữ diêm dân khiến tôi chạnh lòng khi nhìn lại cánh đồng muối. Thiệt ra, nào còn cánh đồng mênh mang trắng muốt nhìn đến mê mắt.
Giờ, trước mặt tôi, chỉ còn khoảnh đất nhỏ với đôi ba diêm dân còn giữ nghề. Phần vì nghề làm muối… nhọc quá. Phần vì nơi đây nằm trong quy hoạch, mở rộng của thành phố, đất canh tác dần co cụm lại. Chẳng bù cho ngày xưa…
Đâu chừng chục năm trước, ở Diêm Vân có đến hơn 200 hộ làm muối với gần 30ha. Đến giờ, số hộ còn theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cánh đồng xưa thì chỉ còn… một khoảnh. Cơ cực nghề, sản xuất manh mún, mà giá muối bèo bọt mãi, cứ trì níu những phận người với cái nghèo.
Thì đúng thật! Thử hỏi diêm dân xưa nay mấy ai giàu lên nhờ làm muối? Đắp đổi qua ngày, lo được con cái có cái ăn, cái mặc, có con chữ để bước vào đời là mừng lắm rồi. Cái thời người diêm dân bám trụ vào cánh đồng mặn mòi, gắn đời với muối như một định phận đã giãn dần.
Rồi đây, đồng muối Diêm Vân chỉ còn trong ký ức, tựa như lời rao xưa đã thăm thẳm khôn cùng. Và rồi, hai tiếng diêm dân cũng mất hẳn, như cái cách người ta chối bỏ những cay đắng đã từng. Tôi cứ miên man nghĩ về đời muối, đời người như thế…
Nhưng chỉ ngay sau đó, những vẩn vơ ấy của tôi đã tan biến khi nhìn những đôi bàn tay chai sần của người diêm dân còn lại đang và muối vào thúng, rồi nhẹ nhàng gỡ lấy sợi cỏ rơi lạc vào đống muối trắng tinh. Tôi nhận ra cái cách chị nâng niu từng hạt muối như mẹ, như cha tôi nâng niu từng hạt gạo của làng.
Và thương hơn, khi tôi đụng phải những ánh nhìn khắc khoải của những diêm dân đã thôi nghề làm muối đang ngồi cạnh đồng xưa. Đôi mắt họ chứa chan những hoài niệm ngày cũ. “Dù chẳng làm muối nữa, mưu sinh bằng một công việc khác, thì mọi người vẫn nhắc nhớ với cháu con về làng muối, về chuyện ba mẹ chúng từng gánh từng thúng muối, từng lang bạt khắp nơi trên chiếc xe cà tàng đổi muối trong cuộc trằn trì mưu sinh như thế nào. Nhắc nhớ, chẳng phải than nghèo kể khổ, mà để trân trọng hơn những gian lao, vất vả đã từng, mà biết thương quý hạt cơm, nắm muối. Muối đã mặn đời người, ân tình còn đó” - lời của bác Tường, một diêm dân cố hữu, thổ lộ làm tôi cứ rưng rưng.
Tôi tin điều ấy. Như tin ân nghĩa bao đời của người xứ Nẫu. Như tin người đàn ông trung niên lấy thân mình chở che cho muối trong miền miên viễn ký ức. Cũng như tôi tin vào muối, muối muôn đời vẫn mặn…
Vân Phi