An Thuyên: Tôi thích được gọi là Nhạc sĩ “thôn ca”

24/08/2014 - 07:50

PNO - PNCN - Nổi tiếng với nhiều tác phẩm có sức lan tỏa rộng và lâu bền như Ca dao em và tôi, Huế thương, Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Chín bậc tình yêu…, nhạc sĩ (NS) An Thuyên được nhắc tới như một NS đa tài. Ông...

edf40wrjww2tblPage:Content

An Thuyen: Toi thich duoc goi la Nhac si “thon ca”

Nhiều ca khúc Thiếu Nhi vẫn còn trong ngăn kéo

* Nhắc đến NS An Thuyên nhiều người nhớ tới các sáng tác mang âm hưởng dân gian mượt mà, lý do gì khiến ông quan tâm đến nhạc thiếu nhi (TN) và đảm đương vai trò chủ biên cho Tổng tập Những bài hát thiếu nhi Việt Nam?

- Tôi thấy nhiều bậc cha mẹ cứ lo lắng con mình còi cọc và tẩm bổ cho con bằng các loại dưỡng chất nhưng lại không quan tâm đến “dinh dưỡng tinh thần” cho trẻ. Tôi lo ngại những đứa trẻ chỉ thích nhạc ngoại, “bộ sưu tập” các ca khúc TN Việt Nam thì thưa dần. Vì thế, chúng tôi đang xây dựng một bộ Tổng tập các bài hát TN để lưu giữ. Đó có thể là một kho tư liệu quý sau này. Mà không làm bây giờ thì sẽ rất khó khăn ở giai đoạn sau, khi “kho tư liệu sống” là các NS đã già yếu và có thể trở thành người thiên cổ.

* Dự án đã được thực hiện gần hai năm, hiện bộ Tổng tập này đến giai đoạn nào thưa ông?

- Tập 1 của bộ Tổng tập đã ra đời với những sáng tác của các NS sinh từ năm 1910-1929 (bốn quyển) với tựa Giai điệu tuổi thần tiên, bây giờ đang ở giai đoạn cuối, hoàn thiện tập hai-ba. Dự kiến Tổng tập có khoảng năm-sáu tập với các sáng tác cho TN của NS từ năm 1910 đến nay và sẽ hoàn thành vào năm 2015. Tôi cùng với Văn Dung, Hoàng Lân, Hoàng Long, Lân Cường, Phan Phương đều tâm huyết thực hiện.

Khó khăn nhiều lắm, vì đây là dự án xã hội chứ không có tính thương mại. Giữ gìn và phát triển giá trị dinh dưỡng tinh thần cho TN vô cùng quan trọng trong khi kho tư liệu quá ít ỏi, nhiều tác phẩm không có văn bản, chúng tôi phải ngồi nhớ ra mà chép. Nhiều tác giả cao tuổi đã ra đi, việc làm rõ một khuôn mặt, một tác phẩm không dễ dàng gì.

* Ngoài dự án cho TN này, chín bài thơ của Phạm Hổ đã được ông phổ nhạc, nhưng vẫn chưa nhiều người biết tới.

- Đúng thế, sau khi làm xong album, tôi đã tổ chức buổi ra mắt, nhưng với bạn bè là chủ yếu. Tôi cũng có gửi sáng tác này đến một đài phát thanh nhưng chưa thấy hồi âm. Để những sáng tác mới dành cho TN được phổ biến rộng rãi không dễ. Bởi thế nên rất nhiều tác phẩm viết cho TN của các tác giả vẫn còn trong ngăn kéo.

* Có thể lý giải điều này như thế nào, khi rõ ràng nhiều người mong đợi những sáng tác mới dành cho TN, người sáng tác tâm huyết không phải không có?

- Tôi nhận thấy TN Việt Nam đang mê mẩn nhạc ngoại, những bài hát Việt dành cho TN quá ít ỏi và dường như chưa được quan tâm đúng mức. Nhu cầu cần nhưng điều kiện đáp ứng nhu cầu không có. Muốn qua sông phải có cầu; đi đò, đi phà có thể bị đắm. Nếu nhạc TN cũng có “bắc cầu”, có chính sách, chế độ, có “không khí xã hội” quan tâm thì mọi chuyện đã khác. Tôi rất lấy làm buồn vì điều đó.

Bộ Tổng tập Những bài hát TN Việt Nam mục đích vì trẻ em, nhưng hiện nay chủ yếu dành cho người lớn, muốn đến được với trẻ em phải dựng thành bài hát, nhưng có hàng nghìn bài thì phải có sự hỗ trợ của một dự án của nhà nước. Có thể sau này chúng tôi sẽ thực hiện theo hướng bài nào tốt thì bỏ tiền ra dựng. Thêm nữa, cứ thực hiện xong bộ Tổng tập, in sách xong, vác đi kêu biết đâu lại được. Mà thôi, làm được cái gì cứ làm dần dần vậy.

An Thuyen: Toi thich duoc goi la Nhac si “thon ca”

Nghệ thuật là đơn đặt hàng

* Đến giờ này khi đã ở tuổi xế chiều, cảm giác của ông thế nào?

- Xế chiều là xế chiều thế nào, tôi thậm chí còn rất thanh niên cả về sáng tác lẫn tinh thần nhé (cười). Nhưng đến tuổi này, một điều ngắn gọn thôi là dù đã làm được một số việc nhưng tôi vẫn tiếc mình không làm được nhiều nữa. Nhiều người bảo chắc tôi giàu lắm. Hiện tôi có căn hộ 56m2, phải nói là chẳng có ông tướng nào ở nhà như thế. Nhiều người cứ nghĩ tôi cấp tướng, làm quản lý như thế… thì phải ở biệt thự to lắm.

Nhưng tôi thấy mình cực giàu. Tôi có nhiều người yêu nhạc của mình, có vô số học trò, thậm chí nhiều người tôi chẳng dạy ngày nào cũng gọi tôi bằng thầy. Những điều đó làm gì có tiền nào mua được. Tôi đi khắp nước, kể cả nước ngoài, thì lúc nào cũng có cơm ăn, không bao giờ phải lo chết đói.

* Một vị tướng, một NS tài hoa, một nhà quản lý giỏi, một người thầy… Viên mãn chắc là trạng thái cảm xúc của ông bây giờ?

- Viên mãn chứ, giờ tôi có thể nói là mình thành đạt, có vị trí xã hội, có gia đình, có nhiều bạn bè, hàng triệu người hâm mộ. Tôi tương đối mãn nguyện vì mình có ích, có đóng góp cho xã hội. Tôi đã vận động thành lập Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp, đó cũng là một việc dấn thân. Có nhiều người bảo tôi dũng cảm, tôi cho rằng mỗi người phải có sự dũng cảm, khi đạo đức xuống cấp, những vấn đề văn hóa trở nên hỗn loạn, việc khó mới cần đến mình. Bây giờ chỉ việc tiếp tục chiến đấu thôi!

* Viết cho đơn đặt hàng hoặc viết bằng cảm xúc có gì khác nhau không, thưa ông?

- Tôi cho rằng, tất tần tật viết vì cái gì đều là đơn đặt hàng cả. Viết theo cảm xúc cũng là một dạng đơn đặt hàng. Yêu một cô gái, viết tặng cô ấy cũng là đơn đặt hàng. Chỉ có điều là lương tâm mình đặt thôi. Có nhiều trường hợp viết theo đơn đặt hàng nhưng ra được những bài hát rất hay. Người nghệ sĩ đừng ngại viết theo cái gì, dù tiếp cận bằng cách nào thì cũng cần biến thành trái tim, trí tuệ mình cả. Khi đó, tiền hay không tiền không còn quan trọng.

Thiên tài Mozart hầu như đều viết theo đơn đặt hàng của nhà thờ, nhưng cả nhân loại đều biết chất lượng tác phẩm của ông thế nào. Có những đơn đặt hàng tự mình đặt hàng lấy, như với tinh thần hướng về biển đảo, gần đây tôi đã viết bài hát Hành khúc biển Việt Nam. Nghệ thuật là đặt hàng, dù là “đơn” của xã hội, lương tâm, nhân dân thì cũng đừng ngại, chỉ có vấn đề là tài năng của anh đến đâu mà thôi.

* Người ta gọi ông là “NS thôn ca” vì những âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng trong những tác phẩm của ông, nguồn cảm hứng này bắt nguồn từ đâu?

- Tôi viết nhiều thể loại, sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc, tôi thích nhất được gọi là “NS thôn ca”. Bởi tôi sinh ra và lớn lên trong bầu sữa mẹ, cái nôi văn hóa Nghệ Tĩnh, lại được học hành và công tác tại Hà Nội, trung tâm văn hóa cả nước, cái nôi văn hóa Bắc hà, rồi có điều kiện đi khắp mọi miền Tổ quốc, thấm đẫm tình yêu con người và cuộc sống. Tôi hằng ước mong: “Trong nền âm nhạc Việt Nam có một An Thuyên nói giọng Nghệ - mang tâm hồn Việt Nam”. Tôi đã làm và đang làm để đạt ước mong đó.

An Thuyen: Toi thich duoc goi la Nhac si “thon ca”

NS An Thuyên giao lưu cùng Hội viên trong Hội quán Doanh nhân

Giữ yên ấm gia đình là chuyện của cả đôi bên

* Ông vừa nhắc đến tình yêu, cũng từng thú nhận mình mê đắm phụ nữ, giờ ông vẫn đang tiếp tục yêu chứ?

- Chứ sao! Thấy phụ nữ đẹp không rung động là vứt. Quyền rung động trước phụ nữ là chính đáng, có điều là hành xử với tình yêu đó như thế nào mới quan trọng. Nếu yêu mà làm ra sản phẩm cho xã hội thì quý quá đi chứ. Tôi là người làm gì cũng làm đến cùng. Yêu ai cũng luôn yêu hết mình.

* Đã từng có sóng gió nào xảy đến với gia đình NS vì “tội” không ngừng yêu của ông chưa?

- Ngay trong bản thân tình yêu là đã sóng gió rồi, chứ chưa nói gì những chuyện khác do khách quan mang lại. Nhưng cái hay của nó chính là có sóng gió. Xuân Quỳnh viết: “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố” là thế. Còn việc giữ yên ấm một gia đình phải do cả đôi bên, không thể nói một mình ai giữ được cả.

Quan niệm của tôi là sống ở đời, người đàn ông yêu phụ nữ mà để tung tóe, tan nát gia đình thì không ổn. Nói thế, nhưng cũng có những người chấp nhận tan nát để viết được những bài hát hay hoặc vì mục đích nào đó, họ cũng có lý của họ. Song với tôi cái gì cũng phải hài hòa. Phải luôn nhớ gia đình là chốn đi về cuối cùng.

* Trong vai trò người cha, tình cảm của ông với các con như thế nào?

- Tôi có hai người con. Con trai lớn An Hiếu lúc nhỏ vất vả vì gia đình mới “di cư” ra Hà Nội, lớn lên được học hành khá đầy đủ, hiện là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. An Hiếu có vợ và một con trai ngoan và thông minh, gia đình riêng ổn định.

Bông Mai tuổi “con rắn”, cá tính và bản lĩnh, người yêu cũng nhiều, mà người không ưa cũng lắm. Cuộc sống riêng tư của Bông Mai không được may mắn, âu cũng là số phận. Tôi chỉ chia sẻ, bù đắp cho con gái bằng tình cảm mà thôi. Nhờ là người có nghị lực, chăm chỉ lao động, Bông Mai đã bươn chải vừa hoàn thành chương trình đại học ngành đạo diễn điện ảnh, vừa làm tốt công tác ở Đài truyền hình Việt Nam, vừa kiếm tiền một mình nuôi hai con ăn học, trưởng thành.

Tôi nghĩ, với người phụ nữ, con cái khôn lớn trong vòng tay yêu thương của mình là hạnh phúc lớn lao nhất. Con gái Bông Mai của tôi chắc cũng rất hạnh phúc về hai đứa con, cộng thêm nữa là đang được cơ quan ủng hộ lao động, sáng tạo. Như thế tôi cũng thấy vui vì con cái rồi.

* Ông nghĩ thế nào khi người ta bảo đàn bà xây tổ ấm?

- Quá đúng! Vợ tôi có những điều phải chấp nhận tôi. Ai cũng có mặt tốt, mặt xấu và phải biết hành xử theo kiểu nhìn về những điểm tốt của nhau. Nếu tỷ lệ tốt nhiều hơn phải chấp nhận sống bằng cái đó. 60% tốt là điều kiện để chấp nhận, còn 60-70% dở hơi thì mới tính. Hành xử đúng thì sẽ có kết quả tốt. Nếu suốt ngày xấu, nhiều cái xấu cộng lại có thể thành cái ác. Hành xử trong gia đình là quan trọng, phải biết cân bằng mọi thứ và không loại trừ trong tình yêu cũng phải biết chấp nhận.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Mỹ Thịnh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI