"Ăn thua đủ" trong hôn nhân - có thắng cũng chẳng nở được nụ cười

22/02/2022 - 05:23

PNO - Nhiều người giữ sự hòa nhã, lịch thiệp, cư xử bao dung và rộng lượng khi giao đãi với bên ngoài, nhưng lại không thể nhường nhịn bạn đời, mà nhất quyết "ăn thua đủ" trong nhà.

Ngọc (32 tuổi, Bình Dương) là nhân viên văn phòng. Cô ấy và chồng đến với nhau hoàn toàn bằng tình yêu tự nguyện. Mối tình từ thời sinh viên bao lãng mạn yêu chiều đã đơm hoa kết trái với hai đứa con xinh xắn. Nhưng không hiểu sao, dù yêu nhau nhưng hai người luôn rơi vào tình trạng đối đầu. Cứ câu trước, câu sau là họ bất đồng.

Ban đầu Ngọc cố điều chỉnh, nhưng cô nhận ra chồng mình bảo thủ một cách phi lí. Khi vợ đã khá vất vả ở công ty, nhưng chồng Ngọc lại luôn đòi hỏi ở cô một người vợ tròn vai ở nhà. Trong khi đó, anh ít khi xắn tay giúp vợ việc nhà. Mà mỗi lần làm, anh càm ràm Ngọc nghe cũng đủ mệt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Linh (25 tuổi, TPHCM) bước vào hôn nhân trong tâm thế háo hức. Vợ chồng Linh đều là con một của gia đình có điều kiện. Chồng Linh tính tình trẻ con. Mỗi lần bất đồng với vợ anh xách xe chạy về bên nhà ba mẹ ruột ở lì mấy hôm.

Những lần như vậy, mẹ chồng Linh gọi điện cho con dâu: “Thôi hai đứa đang nóng, tách nhau vài hôm cho hạ hỏa”. Linh ấm ức, nhưng mẹ chồng đã nói vậy thì cô không thể làm gì khác.

Bản thân Linh cũng là một tiểu thư, cô quen cảnh ở nhà mọi người nhường nhịn, chiều chuộng. Khi Thắng (chồng Linh) giận dỗi, không năn nỉ, hay tranh luận đến cùng, hai người rơi vào trạng thái căng thẳng thì Linh cũng làm mặt lạnh cả tuần. Sau một trận ăn thua, hơn đủ là vợ chồng Linh tỏ thái độ cho nhau “bõ ghét”. 

Hoa (33 tuổi, Nha Trang) là nhân viên văn phòng, cô tâm sự sau 8 năm hôn nhân, vợ chồng cô mới rút ra được những bài học cho hôn nhân của mình. Tổ ấm của họ cũng trải qua đủ mọi cung bậc. Đối phương thậm chí còn có những cơn say nắng bên ngoài khi người bạn đời luôn ăn thua hơn thiệt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng sau 8 năm, Hoa nhận ra rằng, quan trọng là phải xây một mái nhà hạnh phúc cho các con. Nếu sống cùng nhau mà không bao dung, nhường nhịn thì khó tình yêu thương nào có thể duy trì được. Vì nhau, là hai chữ mà vợ chồng cô đã đúc kết lại để hôn nhân của họ được yên ấm.

Vì nhau, nên họ không còn rơi vào tranh luận đến bất cần. Vì nhau nên họ không còn mặt nặng mày nhẹ khi bạn đời làm mình không vừa lòng. Vì nhau nên họ có sự thông cảm khi mắc những lỗi lầm. Hai đứa con của họ, vui vẻ mà lớn lên.

Ngọc, sau khi sinh con, cô rơi vào trạng thái trầm cảm. Nỗi lòng của người vợ gói ghém vào trong không thể chia sẻ với chồng khiến hai vợ chồng cô ngày càng xa cách. Ngọc phải dùng thuốc một thời gian, rồi cô nghe bạn theo học một khóa thiền để tâm tĩnh lặng.

Con trai hai tuổi, tinh thần cô ổn trở lại. Mỗi lần bất đồng ý kiến với chồng, Ngọc không còn cãi lấy được nữa. Cô lựa tính chồng để nhờ việc này, giục việc kia. Chồng Ngọc ít nhiều cũng nhận ra sự thay đổi của vợ. Họ đang dần điều chỉnh vì nhau.

Với cuộc hôn nhân của Linh, chính mẹ đẻ Linh là người nhận ra vấn đề. Bà thấy rõ đôi trẻ đang sống với nhau cùng "cái tôi" to đùng. Nhưng sau mỗi lần thỏa mãn "cái tôi" đó, người thắng dù là con rể hay con gái bà cũng đều không vui.

Không khí gia đình căng thẳng, vợ chồng mệt mỏi và năng lương tiêu cực khiến họ mất sự tập trung cho công việc. Bà gọi đôi trẻ về, lựa lời để góp ý… Không biết vợ chồng Linh có thay đổi được không, nhưng họ đã im lặng tiếp thu.

Khi ra ngoài, chúng ta thường mang hết những lịch thiệp, tử tế ra giao đãi để mọi việc trôi chảy, thuận lợi. Vậy nhưng trong hôn nhân, không ít cặp vợ chồng gây hấn, ăn thua nhau từng chút, biến gia đình thành khoảng không gian ngột ngạt. Người chiến thắng không hề vui, nên cũng chẳng thể cười. Kẻ thua cuộc thì đương nhiên ấm ức, thậm chí tích tụ thành thù hận trong lòng...

Thực tế, một cuộc hôn nhân chỉ bền vững nếu biết vì nhau và vì nụ cười của nhau. Khi ấy, vợ và chồng cùng nhau chiến thắng.

Đinh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI