Nhà thơ - thầy giáo Nguyễn Hữu Phú hiện công tác tại đảo Song Tử Tây. Tết Nguyên đán 2020 là năm thứ hai anh đón tết cùng các chiến sĩ, người dân và các trò nhỏ ở Trường Sa. Trong suốt thời gian công tác, anh cũng đã sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ, văn về biển đảo. Đọc những tâm tình của anh về những ngày tết nơi đầu sóng, lại thấy, từ trong những giản tiện nhất của đời sống, mùa xuân đã về với các chiến sĩ và nhân dân ở đảo theo cách mộc mạc mà chân tình, dẫu còn nhiều thiếu thốn, nhưng vẫn rộn ràng, ấm áp.
Báo Phụ Nữ TPHCM giới thiệu bài viết của anh về những ngày tết ở Trường Sa…
Năm nào cũng vậy, cứ trước tết Nguyên đán khoảng hơn một tuần, anh em chúng tôi bao gồm trường học, ủy ban, hộ dân và các chiến sĩ sẽ cùng nhau tổng vệ sinh. Anh Sầm Văn Lương (hộ dân số 2) và anh Đặng Văn Đoạn (hộ dân số 7) phụ nhà trường cắt tỉa những bồn hoa cho gọn gàng. Những đóa hoa rực rỡ sẽ được thay vào những chỗ bị héo úa. Em Hảo (phân đội 2, thuộc cụm chiến đấu 2) và em Khang (phân đội 82-85) thì nhận nhiệm vụ quét sơn, tráng xi măng. Các lực lượng trên đảo chia từng khu vực quét dọn và cắm cờ, sơn sửa lại những tấm bảng hiệu.
Mùa xuân khoe áo mới bằng những loài hoa đặc trưng của mùa. Lúc này, hoa đào cũng bắt đầu tô hồng phía trước mỗi nhà, mỗi đơn vị, bên cạnh sắc vàng óng ả của hoa mai. Có điều, hoa mai hoa đào ở đảo không mọc lên từ đất. Chúng chỉ là những đóa hoa bằng vải hoặc bằng nhựa, được gửi ra từ đất liền. Các chiến sĩ cắm chúng lên những cành phong ba có dáng đẹp bị tuốt hết lá già, chỉ còn chừa lại những chiếc lá xanh non.
Chiến sĩ Minh và Hiếu (phân đội, thuộc cụm chiến đấu 1) được tiếng khéo tay, còn viết cả những câu đối bằng chữ thư pháp trên giấy đỏ. Anh em chúng tôi nói vui với nhau rằng, loài mai đào lai phong ba chính hiệu này, có lẽ chỉ Trường Sa mới có. Nhìn sắc hoa tươi thắm giữa cái nắng ngoài đảo xa, nỗi nhớ nhà trong chúng tôi cũng vơi đi phần nào.
|
Những khoảnh khắc của thầy - trò trên đảo Song Tử Tây - Ảnh nhân vật cung cấp |
Nhưng điều đó vẫn không thú vị bằng chuyện gói bánh chưng, bánh tét. Ngoài những nguyên vật liệu quen thuộc như lá dong, lạt, đậu xanh, thịt heo ba chỉ… được gửi theo tàu hậu cần ra đảo, chúng tôi còn gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Mỗi đơn vị và hộ dân sẽ mang các nguyên liệu đã được chia đều về tự phơi lá, ngâm nếp, ướp thịt. Sáng 29 tết, tất cả sẽ tập trung trước sân nhà ăn để gói bánh trong không khí nhộn nhịp xôn xao. Chiếc lá bàng vuông được bày ra đẹp đẽ, nguyên vẹn và xanh mướt.
Để có được thứ nguyên liệu đặc biệt này, những ngày trước đó, anh em đã phải trèo lên cây bàng để tìm và hái những chiếc lá to nhất, đẹp nhất. Điều này thật không dễ dàng gì, bởi cái nắng và cái gió khắc nghiệt của biển đảo đã làm cho những chiếc lá trở nên teo tóp, rách nát, ngay cả khi chúng còn chưa rời cành.
Mùi vị bánh chưng gói bằng lá bàng vuông cũng rất khác so với các loại bánh khác. Cái vị chan chát, ngòn ngọt, mằn mặn của lá hòa quyện với dẻo thơm của nếp, của đậu xanh, thịt heo… tạo nên hương bánh chưng độc đáo chỉ có thể có ở Trường Sa. Bánh gói xong, mỗi đơn vị tự cử người thay phiên nhau canh lửa, vớt bánh. Những chiếc bánh đượm mùi quê hương sẽ được đặt một cách trang trọng lên bàn thờ tổ tiên suốt ba ngày tết.
Đêm giao thừa, đảo sẽ tổ chức văn nghệ mừng xuân. Quà tặng cho người hát hay nhất chỉ là những gói cà phê ba trong một, hay bột đậu xanh uống liền. Vậy mà ai cũng vô cùng hào hứng. Trò chơi hái hoa dân chủ diễn ra cũng hết sức sôi nổi. Ban tổ chức sẽ đưa ra câu hỏi, ai trả lời đúng thì được “hái” một tờ giấy treo sẵn trên cây, trong đó có ghi những phần quà sẽ nhận được, có khi là một cái bánh đông sương, khi chỉ là một tràng pháo tay cổ vũ. Chúng tôi còn thi xem ai khéo tay cắt dán mô hình đẹp nhất. Những chiếc tàu hải quân, tàu ngầm, máy bay… bằng giấy lần lượt thành hình bên dưới bàn tay tài hoa của những chiến sĩ đảo xa. Không khí vui tươi, đầm ấm, rộn ràng ấy kéo dài cho đến thời khắc giao thừa, thì tất cả đều ngồi im lặng để lắng nghe lời chúc tết từ Chủ tịch nước.
Năm giờ sáng mồng Một, đảo thức dậy với màn thi… bắt vịt. Mười con vịt được thả trong âu tàu. Chúng tôi chia làm năm đội, mỗi đội hai người, ngồi trên năm chiếc thuyền thúng. Một người sẽ cầm vành thúng di chuyển bằng cách lắc lư, người còn lại có nhiệm vụ bắt vịt. Trong vòng hai mươi phút, đội nào bắt được nhiều hơn sẽ thắng. Phần thưởng cũng chính là những chú vịt vừa bắt được.
Đúng sáu giờ, chúng tôi tập trung chào cờ đầu năm, rồi đi dâng hương ở chùa và tượng đài danh tướng Trần Hưng Đạo. Sau đó các đơn vị đi chúc tết lẫn nhau. Khách đến chơi tết, chủ nhà lấy trà thay rượu uống mừng năm mới. Các em nhỏ trên đảo xúng xính trong những bộ áo quần còn thơm mùi vải, được nhận lì xì mừng tuổi từ anh em cán bộ, chiến sĩ. Ba giờ chiều, cả đảo lại hòa mình vào trò chơi dân gian: kéo co, nhảy bao bố, đá banh, bóng chuyền, đi cầu khỉ… không phân biệt già trẻ bé lớn gái trai. Mùa xuân trở nên rộn ràng hơn bao giờ.
Những ngày này, tôi đang chuẩn bị đón cái tết thứ hai nơi đảo xa, mà lòng vẫn nhớ như in ngày đầu đặt chân đến nơi này. Hải trình của chúng tôi mất gần một tháng vì tàu gặp bão. Đến nơi, anh em chiến sĩ phải quần thảo, quăng quật với sóng, giữ chắc dây neo để chúng tôi bước từ tàu xuống xuồng và từ xuồng lên đảo. Có anh bị bong tróc da tay đến chảy máu. Thấy các anh bị thương, chúng tôi hỏi, anh em vui vẻ cười: “Các em ở đây đã quen rồi. Vào những mùa biển động, chuyện như thế là thường. Có khi còn hơn thế nữa”.
Khi lên đảo, chúng tôi được người dân và các cán bộ chiến sĩ chào đón thân tình. Những cái bắt tay ấm áp, những nụ cười rạng rỡ. Cái nghĩa cái tình của lần đầu gặp nhau nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc làm cho những trái tim xa lạ như gần nhau hơn…
Nguyễn Hữu Phú