Lần đầu ăn tết ở trời Tây

11/02/2024 - 09:15

PNO - Năm nay, vì đưa con du học, sẵn thăm dì dượng, nên lần đầu tôi được ăn Tết ta ở tận trời Tây.

Ở Tây mà cứ… giống ở nhà

Những ngày tôi vừa đến Pháp cũng là khi nước bạn vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ Noel và mừng năm mới. Không khí trên đường tràn ngập hương vị… tết Tây.

Khi đó, tôi cũng chưa gặp được nhiều người Việt ngoài anh Phi Nguyễn và chị Mai Anh - hai người đưa đón tôi ở sân bay và hướng dẫn tôi suốt hành trình tham quan Paris những buổi đầu.

Rời Paris, tôi về Lormes - một vùng quê yên bình, cổ kính, cách thủ đô trên 190km. Ở hơn 20 ngày thì cũng chỉ có mẹ con tôi và dì Trần Thị An của tôi là người Việt. Tết cổ truyền nơi ấy hoàn toàn xa lạ. Mấy dì cháu tôi chỉ toàn “hóng” không khí đón đợi tết trên mạng, ở trang Facebook Cộng đồng người Việt. Rồi thì bàn nhau món mứt này nhìn ngon, cuốn chả giò kia hấp dẫn…

Gian hàng kẹo mứt Tết đủ sắc màu ở cửa hàng Phước Lộc - Troyes
Gian hàng kẹo mứt tết đủ sắc màu ở chợ Việt tại Troyes - Ảnh: Phước Lộc

23 tháng Chạp, mẹ con tôi chuyển về nơi trọ học của con tại thành phố Troyes thì khác hẳn. Nơi đây có cả một cộng đồng người Việt với hơn 500 gia đình sinh sống. Siêu thị nào cũng có 1 quầy thức ăn châu Á đã đành, còn có các nhà hàng, cửa hàng thuần món Việt.

Cùng dì An, chúng tôi đi dạo khu Việt kiều. Ở đây, dì An tôi như “bắt được vàng”. Dì mua đủ thứ thức ăn Việt, gồm cả bánh tét, bánh chưng, chả lụa, nem chua, củ kiệu, dưa hấu, mít, sầu riêng, dừa, mãng cầu, mứt, kẹo đậu phộng… và 1 thùng mì gói Hảo Hảo. Đồ mua chất đầy chiếc ô tô, tính sơ hơn 300 euro (hơn 8 triệu đồng tiền Việt). Giá món nào tôi thấy cũng cao, nhưng với dì An và những người Việt xa quê, dù giá thùng mì đến 17 euro (gần 500 ngàn đồng) thì vẫn là quá rẻ.

Ở cửa hàng Phước Lộc (tại trung tâm thành phố Troyes) các thứ để bày biện cúng kiếng trong nhà, cho lễ tiễn ông Táo, lễ rước ông bà… đầy ắp. Chỉ cần có tiền là tha hồ sắm sửa. Bước vào đây, bạn cứ tưởng đang sống chính xứ mình. Nhắc tết, ai nấy nói cười rổn rảng, giọng Nam, Trung, Bắc đủ cả. Biết dì cháu tôi mới ghé Troyes lần đầu ai cũng níu tay cười. Còn ghẹo dì An của tôi: “Chị ở Lormes chi cho có 1 mình, qua đây sống cùng mọi người cho vui”.  

Rước mẹ về ăn tết

Từ sau tết Tây đến nay, căn nhà của chị Nguyễn Phong Lan ở quận 13 trở nên vô cùng ấm áp. Tranh thủ kỳ nghỉ dài ngày này, chị và hai con đã cùng bắt tay làm lại các khung ảnh, bàn thờ cho mẹ chị. Chị nói với hai con: “Mình cúng kiếng vầy là rước ngoại về đây ăn tết cùng mẹ con mình cho cửa nhà ấm áp”.

Hai con chị Lan cùng xúng xính áo dài đón Tết Việt Nam
Hai con chị Lan cùng xúng xính áo dài đón Tết Việt Nam
Bàn thờ mẹ làm gian nhà chị Phong Lan (quận Paris) ngày Xuân trở nên ấm áp
Bàn thờ mẹ làm gian nhà chị Phong Lan (Paris) ngày Xuân trở nên ấm áp

Cách đây hơn 10 năm, khi chị Lan theo chồng sang Pháp, hai mẹ con nhiều lần hẹn nhau cùng đi khám phá Paris. Nhưng bởi mưu sinh, cả hai mẹ con “hẹn” hết năm này qua năm khác. Hôn nhân đổ vỡ, chị  ly hôn, 1 nách 2 con, công việc bấp bênh, Lan muốn rước mẹ sang chơi mà bà xót tiền con gái nên cứ hoài lỗi hẹn.

Năm 2018, khi cuộc sống dần ổn, lần nữa Lan muốn mời mẹ sang thì bà lâm bệnh nặng. Chỉ mới vài tháng sau khi phát bệnh bà đã qua đời. Khi đó cũng gần cận tết. Đó là cái tết đau thương nhất trong đời Phong Lan.

Nhớ thương mẹ, tết này, Phong Lan và hai con cùng bày mâm cỗ, làm những món ăn mà mẹ thích nhất lúc sinh thời. Ngày 30 tết, chị và hai con khấn vái cùng tin rằng mẹ, ngoại đang về cùng cháu con…

Không thiếu thứ gì, trừ không khí tết quê nhà!

“40 năm trong đời, chưa bao giờ tôi nghĩ một ngày mình phải nhìn tết trên Facebook rồi thương thương nhớ nhớ như vầy”, chị Kiều Trang (28 tuổi, Tiền Giang), một người Việt vừa theo chồng sang định cư ở quận 13, thủ đô Paris 8 tháng tâm sự.

Mâm cỗ ngày Tết của gia đình người Việt xa quê nếu cố gắng sắm sửa, cũng không thiếu thứ gì...
Mâm cỗ ngày tết của gia đình người Việt xa quê nếu cố gắng sắm sửa, cũng không thiếu thứ gì... 

Và đâu chỉ mỗi chị Trang! Thương nhớ quê nhà, là tâm trạng chung của nhiều người Việt Nam trên đất Pháp. Trong đó có con tôi, dì tôi và nhiều bạn bè tôi cùng cộng đồng người Việt rộng lớn với hơn 300.000 người thuộc nhiều thế hệ đang sinh sống, làm việc và học tập. Mỗi lần xuân về, nếu ai không thể thu xếp trở về, sâu thẳm trong lòng đều vọng tưởng tết xa.

Anh Phi Nguyễn nói: “Sống ở đây hơn 40 năm rồi, nhưng cả nhà tôi đều ráng gìn giữ tết. Bây giờ thuận lợi, cái gì cũng mua được hết. Năm nào ít bận rộn, vợ tôi cùng nhiều chị em bạn còn gom nhau gói bánh tét, bánh chưng. Đêm 30, sáng mùng Một, nhiều nhà xúng xính áo dài rủ nhau đi lễ chùa… Tuy nhiên, cái không khí xuân về, tết đến ở quê nhà, chúng tôi dù có cố mấy cũng không làm cho giống được”.

Nguyễn Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI