Ăn tết, chơi tết theo kiểu của người miền Tây

20/01/2020 - 11:08

PNO - Những câu chuyện trong ‘Ăn Tết, chơi Tết miền Tây’ bàng bạc, chậm rãi như lời của cô lái đò vừa xuôi mái chèo, vừa thong dong kể chuyện.

“Người dân miền sông nước ăn Tết, chơi Tết tuy bình dị nhưng rất kỹ lưỡng và chu toàn cả về mặt tâm linh lẫn cách đối nhân xử thế trong nghĩa tình làng xóm”, đây có lẽ là câu nói gói trọn được tinh thần của Ăn Tết, chơi Tết miền Tây - tác giả Trần Minh Thương.                                                          

Trong Ăn Tết, chơi Tết miền Tây, tác giả điểm lại một cách đầy đủ, sinh động không khí, hương vị, sắc màu một cái tết miền sông nước từ thuở xa xưa đến tận hôm nay.

Những câu chuyện không chỉ phảng phất niềm khấp khởi, tự hào của tác giả - người con lớn lên trong cái nôi văn hoá miền Tây đa dạng, mà còn thoáng chút dư vị của nỗi buồn khi nhiều nét văn hoá ngày xưa giờ đây tinh giản, tiết chế cho phù hợp hơi thở thời đại.

Cuốn sách bao gồm nhiều câu chuyện lý giải về nhiều phong tục ăn Tết của người miền Tây
Cuốn sách bao gồm nhiều câu chuyện lý giải về các phong tục ăn tết của người miền Tây

Người miền Tây ăn tết không chỉ chờ đến dịp đầu Xuân năm mới, những món ăn đặc trưng nhất mới được bày ra mà từ những tháng cuối năm, mọi sự chuẩn bị cho cái tết tươm tất, đủ đầy nhất đã được người thôn quê dự tính.

Từ việc làm nếp ăn tết, nấu rượu, làm khô, ép chuối chờ tết, quết bánh phồng, làm mứt... đến trồng bông vạn thọ, lặt lá mai khi nào cho hoa nở trúng tết, tục cúng ghe, Tết ghe, đá gà, múa lân mừng năm mới... đều được điểm lại một cách đầy đủ, đậm dư vị của miền Tây sông nước. Trong sách, có nhiều lý giải thú vị được tác giả điểm xuyết qua một vài câu chuyện.

Ví như: “Bánh cả mâm, sao em kêu rằng bánh ít? Trầu cả chợ, sao em gọi là trầu không?” - ca dao. Có 2 lý giải được đưa ra rằng bánh do cô Út làm ra nhưng lâu dần gọi chệch thành "ít"; lý giải còn lại là do bánh có hình thù giống như con ếch và cũng theo thời gian, gọi chệch thành "ít".

Một số hoạt động vui chơi dịp Tết cũng được tác giả nhắc đến trong sách nhưng ít hơn phần ăn Tết
Một số hoạt động vui chơi dịp tết cũng được tác giả nhắc đến trong sách nhưng ít hơn phần ăn tết

Trong sách, người đọc cũng không thể bỏ qua nét đặc sắc từ những cảnh người dân đi chợ tết trên chợ nổi miền Tây. Khoảng từ Rằm tháng Chạp trở đi, chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng lên xuống hàng để phục vụ bà con. Cả quãng sông dài vài cây số tấp nập ghe xuồng, rộn ràng tiếng nói vang cả mặt sông: tiếng gọi hàng í ới, tiếng hô tránh đường, tiếng máy nổ, tiếng chèo rẽ nước, tiếng người chào nhau…

Ăn Tết, chơi Tết miền Tây không chỉ dừng lại ở ẩm thực, các hoạt động chuẩn bị mừng năm mới mà một phần không thể tách rời với phần hội, là phần lễ. Nhiều nghi thức cúng kính của người dân miền sông nước tuy không cầu kỳ như một số địa phương khác nhưng thể hiện người miền Tây trọng tâm linh, coi trọng một số thủ tục cần thiết để "có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành".

“Người xưa rất chú trọng đến khoảng cách giữa hai chân đèn và lư hương phải thật đều nhau. Ngày trước, ở phía sau lư hương, giữa bàn thờ người ta để miếng gỗ có khắc tên họ, tuổi, quê quán, tóm tắt công nghiệp của người quá cố, gọi là bài vị”, trích Bàn thờ ngày Tết.

Trong mùa sách Tết Canh Tý 2020, Ăn Tết, chơi Tết miền Tây mang phong vị lạ hơn với các ấn phẩm còn lại. Một cuốn sách riêng biệt về cách người miền Tây thưởng tết vừa là cách để chính tác giả ôn lại những phong tục, món ăn mà bản thân đã gắn bó, cũng vừa để giới thiệu với độc giả bốn phương nét văn hoá đặc trưng của người dân miền sông nước.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI