Ngày tết, thay vì tiệc tùng tại gia hay dự các lễ hội đông người, nhiều gia đình Việt chọn đi du lịch xa hoặc cùng nhau cắm trại ở nơi yên tĩnh, ăn uống giản đơn. Cách ăn tết, chơi tết đang dần thay đổi theo hướng tăng những trải nghiệm mới mẻ, giảm chi tiêu.
Ưu tiên trải nghiệm hơn mua sắm
Mỗi dịp tết, gia đình 3 người của ông Nguyễn Đại Phúc - 67 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM - đều đi du lịch. Trước đây, họ thường du lịch trong nước, vài năm nay chuyển sang các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Lào. Các nước này gần Việt Nam nên chi phí di chuyển không quá cao. Thêm vào đó, tết của các nước này không trùng với tết Việt nên gia đình ông không lo gặp tình trạng đông đúc, dịch vụ kém hay giá cả tăng cao.
Có con cùng trang lứa, 2 gia đình chị Hoài Giang và Thu Hường (quận Bình Thạnh, TPHCM) thường rủ nhau đi chơi tết tự túc ở những vùng còn khá hoang sơ, vừa có biển, vừa có rừng. Ban ngày, họ đi bộ khám phá rừng; ban đêm, họ cắm trại gần biển, tận hưởng không gian tĩnh lặng và không khí trong lành. Sau 1 ngày đêm, họ lại chạy ô tô đến trải nghiệm ở vùng đất khác.
Chị Phùng Thị Bích (ngụ quận 5, TPHCM) cho biết, khoảng 3 năm nay, thay vì tiêu tốn quá nhiều tiền để mua sắm, đi du lịch dịp tết thì gia đình chị chọn trải nghiệm tết tại các điểm du xuân trên địa bàn TPHCM.
“Dịp tết, gia đình tôi muốn dành nhiều thời gian để quây quần bên nhau, cùng nhau khám phá những địa điểm thú vị ngay tại TPHCM. Thành phố mình có rất nhiều nơi đẹp, không kém gì những địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Việc đi lại gần cũng giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Quan trọng nhất là cả gia đình được vui vẻ bên nhau, đó mới là điều ý nghĩa nhất của tết” - chị Bích bộc bạch.
Trước tết Ất Tỵ 2025 hơn 1 tháng, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (huyện Bình Chánh, TPHCM) bắt đầu lướt các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử dò tìm các đợt khuyến mãi để chọn mua những món quà tết, nhu yếu phẩm, trong đó ưu tiên mua thực phẩm đóng gói, dễ bảo quản và dùng được lâu, như hủ tíu khô, bún khô, cá khô, mực khô, hạt điều. Chị chọn hình thức mua sắm trực tuyến vì sản phẩm đa dạng, dễ dàng so sánh mặt hàng, giá cả. Chị nói: “Trước đây, muốn mua đồ tết, mình phải chen chúc ngoài chợ. Thấy món hàng không vừa ý lắm cũng phải mua vì đã lỡ ghé sạp”.
Chồng là con út trong gia đình lớn nên mỗi dịp tết, nhà bà Trịnh Hồng Sang (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) là nơi tụ họp anh em, họ hàng khiến bà hết nấu cúng lại nấu đãi khách. Từ tết năm ngoái, bà bắt đầu mua đồ làm sẵn, nấu sẵn, kể cả những món như lẩu, cơm chiên, miến gà. Bà chỉ cần hâm cho nóng, nêm nếm lại cho hợp khẩu vị là dùng được. “Ăn uống mau chóng, gọn nhẹ đặng còn thời gian nghỉ ngơi, nói chuyện với mấy chị em họ hàng” - bà nói.
|
Một nhóm gia đình, bạn bè từ tỉnh Đồng Nai tham quan khu du lịch Làng Hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) dịp cận tết - ẢNH: NHÃ CHÂN |
Tiêu dùng tiết kiệm hơn
Theo Kantar Worldpanel Vietnam (công ty chuyên nghiên cứu, tư vấn thị trường), tổng chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh dịp tết Ất Tỵ 2025 ở Việt Nam khoảng 1,2 tỉ USD, thấp hơn mức 1,84 tỉ USD của dịp tết Kỷ Hợi 2019 (trước khi dịch COVID-19 lan sang Việt Nam); đóng góp doanh thu từ 2 tháng tết vào tổng doanh thu hằng năm của ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng giảm dần qua các năm ở cả thành thị lẫn nông thôn.
Kantar Worldpanel Vietnam đánh giá, người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn trong chi tiêu, đặc biệt là với các mặt hàng không thiết yếu. Nhiều gia đình Việt Nam chọn cách đón tết đơn giản, thay thế các bữa tiệc đông người bằng những bữa cơm gia đình ấm cúng, dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, thư giãn. Khi mua quà tết, người tiêu dùng chuộng mua các bộ quà có giá phải chăng và dùng được, ăn được chứ không chỉ để chưng cho đẹp mắt.
Theo Kantar Worldpanel Vietnam, tỉ lệ người tiêu dùng Việt sử dụng kênh mua sắm trực tuyến tăng 30% so với năm trước.
Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Worldpanel Vietnam - nhận định, xu hướng chuộng mua đồ giá rẻ ngày càng phổ biến, bao trùm nhiều ngành hàng, phản ánh nhu cầu cắt giảm chi phí mua sắm, tập trung mua các sản phẩm thiết yếu, phù hợp với ngân sách gia đình.
Xu hướng này mở ra cơ hội lớn cho các ngành hàng thiết yếu nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho các nhà sản xuất và bán lẻ, buộc họ phải nâng chất lượng nhưng phải hạ giá bán.
Bà Hà Huy Thiên Thư - Trưởng phòng marketing cấp cao của Kantar Worldpanel Vietnam - nhận xét, trước đây, tết là dịp để người dân tích trữ hàng hóa, nhưng càng ngày, điều này dần thay đổi do việc mua sắm dễ dàng, linh hoạt hơn. Chẳng hạn, hiện tại, người tiêu dùng mua được bánh chưng, bánh tét quanh năm. Vì vậy, đóng góp doanh thu trong 2 tháng tết suy giảm không có nghĩa là người Việt đang thờ ơ với tết mà chỉ là thay đổi hành vi tiêu dùng dịp tết.
|
Người dân mua sắm hàng tết tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận vào cuối tháng 12/2024 - ẢNH: HỒNG LAM |
|
Chị Phùng Thị Bích (ngụ quận 5) thường đưa các con đến các điểm du xuân trên địa bàn TPHCM thay vì tiêu tốn quá nhiều tiền mua sắm, du lịch tết - ẢNH: NHÃ CHÂN |
Tăng sản xuất thực phẩm làm sẵn, ăn liền Bà Nguyễn Thị Thu Trinh - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food - cho biết, dịp tết này, Sài Gòn Food tăng khoảng 20% sản lượng thực phẩm làm sẵn, như lẩu, nước dùng, xốt gia vị. Với sản phẩm lẩu tết của công ty, người nội trợ chỉ mất 5 phút là có nồi lẩu cho gia đình chứ không mất thời giờ và công sức chuẩn bị nguyên liệu, ninh xương, nấu nước lẩu. Trong tháng Chạp này, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (tỉnh Tiền Giang) sản xuất thêm khoảng 80 tấn sản phẩm/tháng, bao gồm hủ tíu khô, bún khô để bán tết. Bà Nguyễn Thị Kim Hằng - Giám đốc công ty - cho hay, dịp tết, ngoài thị trường trong nước, các đối tác nhập khẩu cũng tăng lượng hàng đặt mua. |
Người châu Á ngày càng giảm bớt lễ nghi ngày tết Hiện tượng bỏ tết (bi nian) đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. Thay vì tuân theo các nghi thức truyền thống, nhiều người trẻ chọn đi du lịch hoặc tận hưởng kỳ nghỉ theo cách riêng. Theo trang trip.com, lượng đặt phòng du lịch nước ngoài dịp tết Quý Mão 2023 tăng 279% so với tết Nhâm Dần 2022. Theo khảo sát của McKinsey (công ty tư vấn toàn cầu) về tâm lý tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu và ưu tiên các lựa chọn thiết thực hơn. Ở Hàn Quốc, với quà tặng dịp tết, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như CU chỉ đề xuất những sản phẩm có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn won thay cho chai rượu Whiskey trị giá 500 triệu won. Theo tờ Chosun Biz, chuỗi cửa hàng GS25 còn loại bỏ mọi loại đồ uống có cồn khỏi danh mục quà tết, trong khi các siêu thị lớn như Emart tập trung vào các bộ quà thực phẩm dưới 100.000 won. Nhiều gia đình trẻ ở Hàn Quốc vẫn cúng tổ tiên nhưng đã đơn giản hóa nghi lễ. Theo khảo sát của Gallup Korea, 44% người được hỏi ủng hộ việc hiện đại hóa các nghi lễ truyền thống, cho thấy xu hướng thích ứng tích cực với thời đại mới. Xu hướng này dường như sẽ còn tiếp tục, khi các giá trị truyền thống dần được định nghĩa lại để phù hợp với thực tế cuộc sống hiện đại và khả năng tài chính của mỗi người. Tết Nguyên đán vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa châu Á nhưng đang dần thay đổi để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại và hoàn cảnh kinh tế hiện tại. Nhật Thành (tổng hợp) |
Tinh thần của tết là sự đầm ấm, sum vầy Xu hướng đón tết tinh gọn, tiết kiệm có ưu điểm là tránh lãng phí tiền bạc, thời gian nhưng cũng có nhược điểm là làm cho cái tết nhạt đi do bỏ qua nhiều phong tục cổ truyền như cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh, mứt. Thế nhưng, theo tôi, dù tinh giản, tết bây giờ vẫn giữ được tinh thần truyền thống, vẫn giữ các món ăn và phong tục đặc trưng. Tết vẫn là khoảng thời gian đáng mong đợi, khi chúng ta giữ được những giá trị tinh thần và vật chất cốt lõi của nó. Đón tết như thế nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, sự lựa chọn của mỗi gia đình và phong tục mỗi vùng miền, nhưng không nên quá chú trọng hình thức vì như vậy sẽ khiến ta bị áp lực, thấy tết là gánh nặng. Để tết luôn là khoảng thời gian được mong đợi nhất trong năm, điều quan trọng là giữ tinh thần của tết, đó là không khí đầm ấm, hòa ái, sum vầy. Tiến sĩ TRƯƠNG THỊ LAM HÀ (Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) |
Ý nghĩa gốc của ngày tết là trải nghiệm, nghỉ ngơi Việc chọn cách ăn tết, chơi tết mới mẻ hơn, giản tiện hơn, ngắn ngày hơn cũng chính là đang trở về với ý nghĩa gốc của tết là “nghỉ ngơi” sau những mùa vụ bận rộn, vất vả mưu sinh. Có gia đình chọn đi du lịch gần hay đến một địa điểm có ý nghĩa văn hóa, giáo dục; có gia đình chọn đi thăm bạn cũ, họ hàng xa. Dù với sự lựa chọn nào thì tết cũng vẫn thấm đượm giá trị của tết truyền thống, đó là sum họp, đoàn viên. Người ta có đi du lịch cũng là đi cùng gia đình, người thân. Việc sum vầy không diễn ra ở quê nhà thì sum vầy ở một nơi khác. Đó chính là tính bền vững của tinh thần đoàn kết, hòa đồng, tươi mới của tết hiện nay. Thạc sĩ NGUYỄN THỊ TÔ HOÀI (Viện Nghiên cứu văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) |
Nhã Chân - Hồng Lam - Cát Tường