Ăn tết, ai rửa chén?

10/02/2024 - 16:48

PNO - Cha mẹ nên chia sẻ việc nhà với con cái, để những đứa trẻ lớn lên có trách nhiệm hơn và trên hết là biết tự chăm sóc bản thân mình.

 

Ngày tết, đột nhiên chị gái tôi dẫn link câu chuyện kể về cuộc trò chuyện của hai cô bé 12 tuổi về nhà nội ăn tết phải xuống rửa chén. Một bé nói rằng, cả đời chưa bao giờ khổ như thế này, ăn xong phải rửa chén. Bé còn lại cũng gật gù tán thành, đúng là khổ thật, năm sau chắc không dám về nội ăn tết nữa.

Tôi không biết chị gái có ý thay lời muốn nói gì trước bữa cơm đầu năm của gia đình sắp diễn ra không, chỉ biết là những cháu gái của tôi, trong đó có cả con của chị, có đứa đã ra trường mà còn chưa tự nguyện rửa chén mỗi khi đến nhà nội, ngoại chúng. Với chúng, có vẻ như nhà đông người lớn, việc gì phải nhúng tay vào, nên thôi.

Việc nấu ăn và rửa chén trong những ngày lễ tết, đa phần các anh chị tôi, hoặc những đứa cháu lớn trong gia đình, ở thế hệ 8X phụ trách. Chẳng ai bảo ai, cứ tự biết việc mà làm. Nhà tôi mỗi năm có 4 dịp sum họp đông đủ, gồm 2 đám giỗ của bố, mẹ, cùng lễ Giáng sinh và tết Nguyên đán.

Để không trở thành gánh nặng của bất cứ gia đình nào, trước mỗi dịp sum họp, người lớn ai vào việc nấy. Anh trai tôi làm nem nắm ngon, hợp khẩu vị cả gia đình nên ai cũng thích ăn. Vậy nên cứ đám tiệc là anh chủ động làm trước đó một vài ngày, để đến đúng ngày ăn là nem vừa ngon. Anh trai kế thì phụ trách món giò thủ; cô cháu gái chuẩn bị cho kỹ năng “ruột” của mình là chiên chả giò; rồi chị dâu sẽ làm một món nước nào đó hợp khẩu vị cả nhà… Cứ như vậy là thành mâm cơm mà có những món ăn chúng tôi gọi là “món truyền thống của gia đình” vì chỉ ở nhà mới có ăn, như là gà hầm lá ngải cứu.

Người lớn vào việc “trơn tru” vậy, nên đám trẻ nhỏ hơn chẳng có bất cứ việc gì để phải đụng tay vào. Chỉ việc đến đúng giờ, ngồi vào bàn ăn. Ăn xong, rời khỏi bàn ăn, chuyển sang vị trí khác để ngồi chơi cùng nhau, hoặc tìm góc nào ôm điện thoại, ngủ, chụp hình… chứ tuyệt nhiên không thấy hăng hái xuống bếp phụ dọn dẹp rửa chén.

Những đứa trẻ không phải làm việc nhà, lớn lên không biết đỡ đần phụ cha mẹ (ảnh minh họa)
Những đứa trẻ không phải làm việc nhà, lớn lên không biết đỡ đần phụ cha mẹ (ảnh minh họa)

Thế là người lớn trong nhà lại lăn xả vào làm. Thỉnh thoảng, có những đứa xuống phụ một tay, nhìn bàn tay con gái trắng nõn nà, có phần yếu ớt vì chẳng làm việc nhà bao giờ, các dì, cô, bác lại đuổi lên nhà. Mẹ của bé thì trề môi chê con, bảo ở nhà ăn mì gói nó còn chọn mì ly để khỏi phải rửa. Bữa nào kẹt lắm để nó rửa thì nước lênh láng cả nhà bếp, dọn lại còn cực hơn, chưa kể còn bể ly, bể chén là chuyện rất bình thường.

Những chị gái khác của tôi cũng được dịp kể tội lười của đám trẻ. Rồi cùng nhau chép miệng, chán lắm, to xác thôi chứ không nhờ được việc gì đâu. Thôi mình làm quen, làm tí là xong.

Cha mẹ hãy chia sẻ bớt việc nhà cho con cái (ảnh minh họa)
Cha mẹ hãy chia sẻ bớt việc nhà cho con cái (ảnh minh họa)

Tôi nhìn từng đứa cháu của mình, trên dưới 20 tuổi cao trên dưới 1,7m. Có đứa được bao bọc quá, đến năm 3 đại học, đi thực tập tận Singapore, mẹ cũng phải khăn gói đi theo để lo cơm nước, “chứ từ nhỏ đến lớn cứ ăn cơm hàng cháo chợ là cháu bị đau bụng”.

Có lần, chị gái tôi sang thăm con ở nước ngoài. Trước khi đi, chị phải gửi con nhỏ cho một chị gái ở gần, với lý do: “Cháu bận học, chẳng thể tự nấu ăn được, mà ăn đường ăn chợ nhiều đâu có tốt, nhờ dì nấu ăn giúp cháu”. Cháu gái ấy đã học đến năm thứ 4 đại học!

Không thể so sánh vì mỗi thế hệ mỗi khác. Tôi là người bước những bước chân vào cuộc đời sớm hơn các cháu, nên ít nhiều cũng hình dung ra những áp lực đón đợi một thế hệ trẻ được bảo bọc, nhàn tênh suốt quãng đời ở với bố mẹ, rồi khi ra đời sẽ ra sao.

Có người nói rằng: “Chỉ là chuyện rửa chén bát, tụi nó sau này cần gì phải làm việc nhà. Khi làm ra tiền còn hô mưa gọi gió được nữa cơ mà!”.

Có “hô mưa gọi gió” được hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn tụi trẻ cũng phải tập tễnh những bước chân đầu đời đầy bỡ ngỡ. Tôi chỉ mong các cháu mình khi ấy đủ mạnh mẽ để đứng vững giữa cuộc đời, đủ ý chí, nghị lực vượt qua mọi sóng gió. Có như vậy mới mong đến những thứ khác.

Riêng chuyện rửa chén ngày tết, tôi không trách các cháu, mà thấy lỗi một phần ở các chị. Phải chi các chị đừng thương con theo cách ôm hết vất vả vào người, mà chia sẻ việc nhà với con cái, thì bây giờ đã khác.

An Na

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • trương hồng chư 12-02-2024 06:14:59

    Bài viết quá tuyệt vời. Hiện nay rất - rất nhiều trẻ được nuông chiều quá đáng, gần như không biết làm bất cứ việc nhà nào và không biết giúp đỡ người khác rồi dẫn đến dửng dưng với mọi việc...những trẻ này sẽ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập, nhất là khi gặp trở ngại trong cuộc sống. Cảm ơn tác giả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI