Những sứ giả văn hóa thầm lặng
Tôi viết báo, làm sách du lịch, đi miệt mài nhiều vùng miền trong 10 năm qua, nếm thử và nấu thử nhiều món ăn Việt để rồi càng đi càng xót và tiếc: Có quá nhiều quyến rũ và hấp dẫn khách du lịch ở một Việt Nam thân thiện, nhiều cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa, món ăn ngon và thú vị, giá lại rẻ. Vậy mà để du khách tiếp cận và thưởng thức, để yêu thực sự Việt Nam qua ẩm thực, không hề dễ.
|
Tác giả Lê Lan Anh |
Là người luôn tiếc từng phút sống, không nghĩ lâu, không cân nhắc quá sâu, quá kỹ về lợi nhuận, tin vào cơ duyên, tin rằng cứ tận tâm làm, cứ đi rồi sẽ đến… nên hơn 5 năm qua tôi vừa âm thầm vừa sôi nổi chia sẻ, nói vui là bằng cả bút lẫn đũa, nhờ những món ăn và cách nấu của bà ngoại, của mẹ, các dì và các phụ nữ yêu bếp như chính mình, tôi tự hào đã giúp cho nhiều du khách hiểu và yêu Việt Nam hơn.
Bản thân tôi cũng có thêm hơn 300 người bạn từ khắp năm châu, những người tôi tin sẽ giữ lời hứa, rằng khi đến đất nước họ, ghé nhà họ, tôi sẽ được tiếp đón và được ăn những món truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, được chia sẻ tình yêu giản dị với đất nước, con người qua chính những món ăn ấy.
Yêu thì sẽ thấy thú vị, hay thấy thú vị rồi yêu?
Năm 2009, trong một chuyến du lịch cùng gia đình ở Phan Thiết, tôi gặp Zolt, một du khách đến từ Áo. Anh đi một mình, ba tháng nghỉ hè ở châu Âu là xách ba-lô sang Việt Nam. Zolt cảm ơn tôi, vì chung khách sạn nên cho anh quá giang taxi từ ga Phan Thiết về Novotel, bằng cách cho tôi xem hàng ngàn bức ảnh về những ngôi chùa cổ nhỏ xíu, các miếu thờ dọc quốc lộ, về những nếp nhà gỗ và những phụ nữ chân đất, những món ăn Hội An và những bàn tay nặn gốm Thanh Hà.
Tôi không ngạc nhiên về việc du khách mê nắng và trái cây nhiệt đới, nhưng quan sát kỹ và chỉ chọn những hình ảnh văn hóa bản địa đặc trưng là cách Zolt khiến tôi ngỡ ngàng vì những hấp dẫn và thú vị của chính đất nước mình, của chính những món ăn thân thuộc được nấu từ nguyên liệu bình thường ngày nào cũng thấy, qua góc nhìn của Zolt thật hấp dẫn.
Cũng chính Zolt, là người sau đó đến nhà, đòi ăn một món thật sự mang “bí kíp và truyền thống”: cá chép kho riềng, ăn cùng dưa cải chua muối vàng rộm. Sau khi tỉ mỉ ghi chép “quy trình” cùng lúc xem tôi kho nồi cá hơn bốn tiếng đồng hồ, Zolt đã “xui” tôi mở một trang web nấu và bán các món ăn truyền thống mà những phụ nữ công sở ngày càng ngại nấu. “Hãy chia sẻ những bí quyết nấu các món truyền thống, đó là cách giữ văn hóa lâu và sâu”, Zolt nhắc đi nhắc lại với tôi mỗi lần chat hoặc sang Việt Nam.
|
Niềm vui của bạn bè quốc tế khi làm quen với ẩm thực Việt tại gian bếp của Lê Lan Anh |
Tôi mở website Cơm chiều ngon, nấu và làm các món rất Bắc, kiểu rất truyền thống, như bún cá, xôi xéo, bánh chưng, bánh giầy, giò chả, cuối tuần dạy trẻ em cách nhặt rau, luộc rau, kho thịt… và phần lợi nhuận đáng kể nhất không phải là doanh thu, mà là cộng đồng hơn 500 phụ nữ nói không với gia vị công nghiệp hay hóa chất, chỉ dùng nguyên liệu tự nhiên cho bữa cơm gia đình. Họ không chỉ là khách hàng mà trở thành bạn bè, chia sẻ các thông tin họ cần hay những nơi bán rau củ, thịt cá, nguyên liệu sạch.
Những câu chuyện thú vị về ăn rồi yêu
Từ Cơm chiều ngon, một cây bút tự do, cộng tác với Traveling Spoon - website cung cấp dịch vụ du lịch ẩm thực, đã tìm đến nhà tôi, ăn bún cá và nem (chả giò), cùng đi chợ. Sau hai vòng phỏng vấn trực tiếp, Hannah, một trong những điều hành viên, hỏi tôi sẽ chọn gì để giới thiệu với khách khi họ book một tour nhỏ ẩm thực, tại nhà, "street food" (thức ăn đường phố) hay một "traditional meal" (bữa ăn truyền thống).
Tôi đã trả lời: "Both" (cả hai). Vì sao ư, những món ăn cầu kỳ tỉ mẩn nhiều công đoạn, nguyên liệu, tưởng chỉ trong các gia đình trọng truyền thống, coi bữa cơm gia đình là thiêng liêng mới có, cứ tìm kỹ, lân la góc phố, ngõ nhỏ Hà Nội hay dọc ngang hẻm Sài Gòn, đều có.
Street food, không chỉ là lựa chọn vì giá với những khách du lịch muốn rẻ khi đến Việt Nam hay bất kỳ đâu, mà còn là một trải nghiệm văn hóa bản địa gần gũi và độc đáo.
Hannah hỏi tiếp, sao tôi lại chọn xôi chứ không phải bánh mì, chả giò hay bún cá cho thực đơn giới thiệu, tôi trả lời vì muốn họ nhớ Việt Nam, dân chúng từ đi xe đạp đến Lexus hay Audi đều ngày ngày ăn cơm, là nước xuất khẩu gạo thứ hai (hay thứ nhất) thế giới. Mà xôi xéo, thì chẳng bạn Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan hay Trung Quốc nào làm món này cả. Ngay tại Sài Gòn, cũng chỉ người Bắc mới làm xôi xéo mà thôi.
Khi bạn ấy còn đang ngần ngừ, vì các công đoạn làm xôi xéo có vẻ phức tạp quá cho một cooking experiences (kinh nghiệm nấu ăn), tôi thêm rằng, xôi là một món ăn có nhiều câu chuyện thú vị để chia sẻ. Ví dụ có những gánh xôi, cụ bán xôi góc phố, góc đường đã nuôi cả gia đình nhiều con khôn lớn, có những gói xôi gắn bó suốt thời sinh viên hay những năm tháng tiền bạc eo hẹp, muốn có một bữa sáng chắc dạ, lành mạnh, thì chỉ có xôi.
Những câu chuyện về xôi, về bún cá, nem (chả giò), những biến tấu đầy sáng tạo của phần nguyên liệu, và cuối cùng, là sự trìu mến, trân trọng các món ăn truyền thống đã khiến tôi dần dần trở thành một trong những "bà nội trợ có khả năng truyền tải văn hóa bản địa qua ẩm thực" của website rất thú vị này.
Những người khách đến nhà tôi, cùng đi chợ, cùng nấu ăn, cùng thử cầm đũa, pha nước chấm… không chỉ nghe, mà còn kể cho tôi những câu chuyện và bí quyết nấu ăn của mẹ họ, của chính họ, về những bất ngờ khi thấy con tôm, con cá bơi, thấy con gà hay chim cút bị vặt lông chứ xưa giờ chỉ thấy chúng là thức ăn đông lạnh trong siêu thị… Những câu chuyện ấy, khiến cho một ngày tiếp sau đó của tôi luôn tích cực, tràn trề năng lượng và tình yêu.
Những trải nghiệm thú vị ấy, những món ăn và địa chỉ đáng tin cậy, nên đến và ăn ấy, tôi tập hợp thành sách, viết trên Facebook, với mong muốn nó sẽ mang được những thông tin cần cho những người cũng giống mình, thích đi, thích nấu, và ăn để yêu.
Và tôi tin, bạn bè quốc tế, cũng như tôi, sẽ yêu mến Sài Gòn hay Hà Nội, Nha Trang hay Hội An hoặc bất kỳ nơi đâu trên đất nước này, bắt nguồn từ sự yêu thích những món Việt truyền thống, được nấu trong những căn bếp ấm áp và giản dị, tràn ngập yêu thương.
Lê Lan Anh
Lê Lan Anh, Host tại TP.HCM của trang web du lịch ẩm thực quốc tế Traveling Spoon từ 2015.
Tác giả Saigon zoom in, Saigon menu, Tuổi 40 yêu dấu, Vẫn yêu, Ăn và yêu.