Tai nghe tiếng nói thầm
Các nhà nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu truyền thông thuộc Viện MIT (Hoa Kỳ) vừa tạo ra một thiết bị có thể đọc được tâm trí người khác khi họ sử dụng giọng nói bên trong (internal voice).
Cũng theo cách thức đó, người dùng có thể kiểm soát thiết bị, đặt các truy vấn mà không cần lên tiếng. Thiết bị có tên AlterEgo này được đeo xung quanh hàm và cằm, sau đó gắn vào vành tai để cố định. Bốn điện cực nằm dưới thiết bị tiếp xúc với da để phiên âm lại các từ mà người dùng phát ra trong nội tâm.
Khi một người nói những từ trong đầu họ, IA (trí thông minh nhân tạo) bên trong thiết bị sẽ kết hợp với các tín hiệu đặc biệt tổng hợp thông tin đưa vào máy tính. Máy tính sẽ thông qua một loa dẫn truyền trên xương, đưa âm thanh vào tai người dùng mà không cần đeo tai nghe. Nói cách khác, bạn vừa có thể nghe tâm trí mình nói, vừa nghe âm thanh của thế giới xung quanh.
Mục tiêu cuối cùng của Phòng Nghiên cứu truyền thông là giúp AlterEgo liên kết với các trợ lý ảo như Alexa hay Siri, cho phép mọi người liên lạc với các trợ lý này hoàn toàn trong im lặng. Tuy mục tiêu rất giống khoa học viễn tưởng nhưng AlterEgo được đánh giá cao về tiềm năng tương lai.
Kiểm soát mang thai tại Sri Lanka
Các cơ quan và đơn vị tuyển dụng lao động tại Sri Lanka đã yêu cầu phụ nữ phải kiểm soát mang thai trước khi làm việc ở các nước khác. Sáu nhà tuyển dụng được chính phủ nước này cấp phép đã mạnh dạn hứa “sẽ cung cấp nguồn nhân lực nữ với cam kết… 3 tháng không mang thai”.
Hầu như mọi phụ nữ ở Sri Lanka đều được tiêm Depo-Provera (thuốc tránh thai dạng tiêm có tác dụng dài hạn) mà không được cho biết thông tin gì về nó. Các cuộc nội chiến kéo dài ở quốc gia này đã biến phụ nữ trở thành trụ cột lao động của gia đình, sự tuyệt vọng của họ là cơ hội để các cơ quan và đơn vị tuyển dụng đưa ra các yêu cầu vô lý.
Rahini Bhaskaran, điều phối viên của Mạng lưới Di cư cho biết: “Thuốc tránh thai được sử dụng với hai mục đích: đảm bảo việc không mang thai và để che giấu các cuộc tấn công tình dục từ nhà tuyển dụng”.
Ăn ớt có thể gây đau đầu
Trong cuộc thi ăn cay ở Hoa Kỳ, sau khi ăn một quả Carolina Reaper, được cho là loại ớt cay nhất thế giới, một người đàn ông 34 tuổi đã bị chứng đau đầu, cổ và có vài cơn đau đầu ngắn nhưng dữ dội trong nhiều ngày.
Đây được gọi là chứng thunderclap headches (tạm dịch: đau đầu sét đánh), là một trường hợp khẩn cấp trong y khoa, vì chúng có thể báo hiệu tình trạng chảy máu trong não, tụ máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc các tình trạng đe dọa tính mạng khác, thậm chí đột quỵ.
Kulothung Gunasekaran - bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống y tế Henry Ford tại Detroit và là một trong những bác sĩ chăm sóc bệnh nhân này, cho biết: “Một số chất như capsaicin, thành phần hoạt tính trong ớt - có thể gây co thắt mạch máu. Mọi người nên cẩn trọng với những tác dụng của ớt”.
Con người sản sinh các tế bào não mới trong suốt cuộc đời?
Phản đối những lý thuyết trước đó cho rằng, việc sản sinh các nơ-ron thần kinh sẽ ngừng lại sau tuổi vị thành niên, các nhà khoa học đã tiết lộ con người vẫn tiếp tục tạo ra các nơ-ron mới trong não, liên quan đến học tập, trí nhớ và cảm xúc suốt thời trưởng thành.
Những phát hiện này có thể giúp phát triển việc điều trị các bệnh thần kinh như chứng mất trí nhớ. Nhiều nơ-ron mới được tạo ra tại vùng hippocampus ở trẻ sơ sinh, nhưng vấn đề tranh cãi là việc này vẫn tiếp diễn ở tuổi trưởng thành hay không và nếu có, tỷ lệ này có giảm theo tuổi như ở chuột và động vật linh trưởng?
Tiến sĩ Maura Boldrini từ Đại học Columbia (New York), tác giả của nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Cell Stem Cell, nói: "Phần thú vị là các tế bào thần kinh tồn tại trong suốt cuộc đời, chúng ta cần những nơ-ron này cho khả năng học tập phức tạp và những phản hồi về thái độ nhận thức đối với cảm xúc. Có vẻ như con người thực sự khác với chuột - loài mà nơ-ron giảm theo độ tuổi rất nhanh".
Nghiên cứu này vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục giới khoa học nhưng cũng mở ra hướng đi tích cực trong việc điều trị các bệnh thần kinh, đặc biệt là Alzheimer.
Châu Phi phát triển ứng dụng chống bạo hành phụ nữ
Đó là myPlan - một ứng dụng được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Đại học Johns Hopkins có trụ sở tại Baltimore, với khoảng 10.000 người sử dụng tại Hoa Kỳ; ngoài ra còn có các phiên bản ở Canada, Úc và New Zealand. Nancy Glass, giáo sư đứng đầu dự án myPlan, cho biết, chương trình đã thu về phản hồi tích cực kể từ khi đưa đến châu Phi vào năm 2016, đầu tiên là Kenya, rồi đến Ghana và Somalia.
Ứng dụng myPlan đưa cho phụ nữ một loạt câu hỏi về hoàn cảnh của họ. Sau đó, những ý kiến từ các chuyên gia thông qua chức năng trò chuyện trực tiếp sẽ giúp chị em xem xét các lựa chọn khả thi cho hành động, phát triển một kế hoạch an toàn cá nhân phù hợp và liên kết họ với các nguồn lực địa phương.
Thông tin phản hồi của người dùng cũng được đưa vào số liệu đầu vào, giúp nhà cung cấp dịch vụ đưa ra các hướng dẫn tốt nhất cho từng cá nhân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khoảng 30% phụ nữ trên toàn thế giới phải chịu cảnh bạo lực thể xác hoặc tình dục từ chính người bạn đời của họ.
Với Kenya, đất nước có hơn 40% phụ nữ bị đánh đập, tấn công tình dục, thậm chí là bị sát hại bởi chính chồng mình, myPlan thật sự là phương án tuyệt vời. Ứng dụng cũng sẽ chính thức chạy bằng ngôn ngữ Kiswahili vào đầu năm 2019.
Nữ huấn luyện viên bóng đá nam
Vào năm 2012, Cơ quan tôn giáo của Sudan - Hội đồng Hồi giáo Fiqh đã cấm việc thành lập đội bóng đá nữ quốc gia. Chỉ thị này khiến nhiều phụ nữ trong nước không thể theo đuổi giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở tuổi 27 Salma al-Majidi đã vượt qua những cấm đoán này để trở thành huấn luyện viên bóng đá, không phải cho các cầu thủ nữ, mà là cho… nam giới.
Mới đây cô cũng được FIFA công nhận là người phụ nữ Ả Rập và Sudan đầu tiên huấn luyện một đội bóng đá nam, là ngọn cờ tiên phong trong giới thể thao Ả Rập. Al-Majidi nói, cô có ước mơ theo đuổi sự nghiệp bóng đá ở tuổi 16, vì vậy đã nhờ một huấn luyện viên phụ trách đội tuyển nam nhận mình làm trợ lý.
Cô chia sẻ: “Vào cuối mỗi buổi tập, tôi thảo luận với huấn luyện viên những kỹ thuật mà anh ấy sử dụng để huấn luyện các chàng trai. Anh ấy nhận thấy tôi có sự khéo léo trong huấn luyện và cho tôi cơ hội để làm việc cùng". Cô bắt đầu huấn luyện đội U13 và U16, cho bốn câu lạc bộ nam tại Sudan.
Cô cũng có chứng chỉ "B" của CAF (Confederation of African Football - Liên đoàn Bóng đá châu Phi) - cho phép huấn luyện bất kỳ đội bóng nào tại các giải hạng I trên khắp Lục địa đen.
Anh Trí (tổng hợp)