“Án oan”... giang mai

13/10/2014 - 15:03

PNO - PN - Nhiều người bỗng dưng “được” bác sĩ xét nghiệm, kết luận mắc giang mai, khiến họ sốc, căng thẳng, ngờ vực cuộc sống hôn nhân. “Án oan” này là hậu quả của việc xét nghiệm, chẩn đoán bệnh tùy tiện.

edf40wrjww2tblPage:Content

 “An oan”... giang mai

Xét nghiệm tìm bệnh giang mai ở BV Da liễu TP.HCM

Từ... trên trời rơi xuống

Mang thai được ba tháng, chị L.K.L. (25 tuổi, giáo viên, ngụ Q.11, TP.HCM) đi khám thai định kỳ ở một phòng khám đa khoa. Bác sĩ (BS) cho chị tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có xét nghiệm máu tìm bệnh giang mai bằng que thử TP syphilis (hình thức kiểm tra nhanh như que thử thai). Vài phút sau lấy máu, chị L. bất ngờ nghe BS chẩn đoán mình bị giang mai.

“Lúc đó, BS hỏi chồng tôi có bị giang mai không. Tôi có hay bị đau lưng không vì đây cũng là một biểu hiện của bệnh giang mai. Tôi vừa khóc vừa trả lời có đau lưng, rồi uất ức cho biết cách đây 5 năm khi chưa lấy vợ, chồng tôi bị giang mai nhưng đã điều trị khỏi. BS lưu ý: nếu không được điều trị trong thời gian mang thai, bệnh có thể dẫn tới sẩy thai, thai lưu, đa ối, sinh non, trẻ sinh nhẹ cân, sinh ra mắc giang mai bẩm sinh; thậm chí tử vong sơ sinh. Ngay sau đó, tôi mang kết quả xét nghiệm đến Bệnh viện (BV) Từ Dũ tư vấn với suy nghĩ, có lẽ chồng tôi ngoại tình và lây bệnh cho vợ” - chị L. nhớ lại.

Hiện nay, một số cơ sở xét nghiệm không trung thực, khi bác sĩ chỉ định một đằng thì họ lại làm một nẻo.

BV Từ Dũ đã chuyển chị L. qua BV Da liễu để kiểm tra lại. Khi tiếp nhận ca bệnh, BS Mai Thu Đường, Trưởng khoa Lâm sàng 3 BV Da liễu khuyên chị L. nên đưa chồng đến xét nghiệm. Chồng chị L. khẳng định anh đã điều trị bệnh giang mai từ lâu và từ khi lấy vợ, hai năm nay anh không có “quan hệ” bên ngoài.

Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp tìm kháng thể giang mai dưới kính hiển vi VDRL cho thấy chồng chị L. không mắc bệnh. Cũng theo kết quả xét nghiệm của BV Da liễu, chị L. không hề bị giang mai.

Tương tự, anh N.D.T. (30 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) đi khám do cơ thể phát ban dạng vảy phấn hồng. Tại một phòng khám tư, BS thử máu cho anh bằng que TP syphilis, chẩn đoán anh bị giang mai giai đoạn hai. Anh cho biết, chưa bao giờ mắc bệnh lây qua đường tình dục, chưa lập gia đình nhưng có một bạn tình và quan hệ tình dục lần cuối cùng với bạn tình cách đây ba tháng. Lo sợ, anh tìm tới Khoa Khám bệnh, BV Da liễu. Tại đây, các BS cho anh xét nghiệm lại bằng cả hai phương pháp là tìm kháng thể giang mai dưới kính hiển vi VDRL và phản ứng ngưng kết hồng cầu TPHA. Cả hai xét nghiệm đều cho thấy anh T. " vô can".

Tréo ngoe kỹ thuật xét nghiệm

Cử nhân Nguyễn Đắc Tuấn, phòng xét nghiệm BV Da liễu phân tích: Hiện nay, xét nghiệm giang mai có đến bốn kỹ thuật gồm: VDRL, RPR, TP syphilis và TPHA. Mục tiêu của xét nghiệm bằng que thử TP syphilis và phản ứng ngưng kết hồng cầu TPHA là giúp BS biết được bệnh nhân có mắc bệnh giang mai hay không, nhưng lại không xác định được là mới mắc hay từng mắc bệnh trong quá khứ và đã được điều trị khỏi. Việc phân biệt này quan trọng vì người mới mắc giang mai sẽ dễ lây cho người khác hơn mắc lâu.

Trong hai kỹ thuật này thì việc xét nghiệm bằng phản ứng ngưng kết hồng cầu TPHA có tính đặc hiệu nên việc chẩn đoán bệnh chuẩn xác hơn. Riêng phương pháp xét nghiệm bằng que thử TP syphilis sẽ cho kết quả xét nghiệm trong vòng năm phút, nhưng vì có độ nhạy cao nên khả năng cho kết quả sai cũng cao. Thế nhưng do giá rẻ, ít mất công sức nên nhiều phòng mạch tư và một số cơ sở y khoa thường lựa chọn kỹ thuật này để chẩn đoán.

Để khắc phục nhược điểm của hai kỹ thuật trên, các BS dùng biện pháp tìm kháng thể giang mai dưới kính hiển vi bằng máy lắc tròn VDRL và xét nghiệm bằng mẫu giấy hóa chất, được xem bằng mắt thường RPR. Giữa hai kỹ thuật này thì việc xét nghiệm bằng kính hiển vi VDRL có độ chính xác cao hơn. Thế nhưng hiện nay, một số cơ sở xét nghiệm không trung thực, khi BS chỉ định một đằng thì họ lại làm một nẻo. Cụ thể, BS chỉ định xét nghiệm dưới kính hiển vi thì phòng khám lại cho thử bằng mẫu giấy hóa chất hay que thử, nhưng lại ghi trên giấy xét nghiệm là dùng phương pháp kính hiển vi VDRL.

Với những cơ sở thực sự xét nghiệm bằng kính hiển vi VDRL, khi trả kết quả xét nghiệm, nếu bệnh nhân mắc bệnh thì giấy xét nghiệm phải ghi được cụ thể định lượng kháng thể giang mai. Điều này sẽ xác định được bệnh đang trong giai đoạn hoạt động hay đã chữa khỏi. Còn những trường hợp chỉ nghi ngờ hoặc không rõ ràng thì phải làm thêm kỹ thuật phản ứng ngưng kết hồng cầu TPHA để kiểm tra lại các xét nghiệm trước đó.

“Nếu chỉ dựa vào một trong bốn phương pháp trên mà kết luận mắc bệnh giang mai là vội vàng, thiếu chính xác. Đáng lo hiện nay, một số phòng mạch chủ trương dùng que thử TP syphilis có độ nhạy cao khi xét nghiệm vì “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Điều này gây hoang mang cho người bệnh nếu kết quả không đúng, nhất là trong ba tháng đầu thai kỳ. Trên thực tế, một số phụ nữ có thai dù không mắc bệnh giang mai, nhưng trong máu cũng có những kháng thể tương tự như kháng thể do vi khuẩn giang mai gây ra. Vì vậy, xét nghiệm bằng que thử dễ cho ra kết quả mắc bệnh giang mai. Những trường hợp này, nếu không kiểm tra kỹ mà vội kết luận sẽ gây sốc, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý cho thai phụ” - BS Đường lý giải.

 VĂN THANH

Giang mai liên quan đến vấn đề tình dục, là bệnh nhiễm trùng, có biểu hiện phát ban đỏ, thường trong lòng bàn tay, bàn chân, nhiều nơi khác; nổi hạch ở nách, cổ. Ở giai đoạn mới mắc, vi khuẩn giang mai còn hoạt động mạnh nên dễ lây lan. Đến giai đoạn tiềm ẩn, bệnh thường không có triệu chứng và hiếm lây hơn. Việc điều trị giang mai hiện nay dễ dàng. Giai đoạn đầu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển, gây các bệnh ở xương khớp, tim mạch, thần kinh, tủy sống. Ở thai phụ mắc bệnh mà không điều trị, có thể lây cho thai nhi. Trẻ sinh ra có thể mắc bệnh giang mai, viêm xương, viêm khớp, hở môi hàm ếch, chẻ vòm hầu, chậm phát triển trí não, nổi bóng nước ngoài da, viêm gan.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI