An ninh ở phố Tây vẫn trong tầm kiểm soát

28/06/2017 - 16:46

PNO - Theo đại tá Nguyễn Tất Đạt - trưởng Công an (CA) Quận 1, TP.HCM, việc triển khai khu phố đi bộ vừa hỗ trợ, vừa tạo áp lực cho công tác quản lý trật tự xã hội ở phố Tây.

- Thưa ông, phố Tây lâu nay vẫn thu hút bởi sự phóng khoáng, thoải mái. Điều này có mâu thuẫn gì với mục tiêu giữ gìn an ninh, trật tự của lực lượng công an không?

- Đại tá Nguyễn Tất Đạt: Dù thu hút khách vì điều gì, thì phố Tây vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Nhưng theo cái nhìn của cá nhân tôi, ở góc độ trật tự xã hội nói chung, phố Tây không có gì phóng khoáng hơn những khu du lịch khác. Người nước ngoài tập trung ở đây nhiều là do văn hóa mua bán, cung cấp dịch vụ ở nơi này từ lâu đã không phân biệt giữa khách Tây và “khách ta”. 

Khách du lịch bụi từ nước ngoài lại thích giá rẻ nên họ chọn phố Tây chứ không phải họ đến đây để được làm điều gì đó vẫn bị cấm ở nơi khác. Mọi vụ việc xảy ra ở phố Tây vẫn được xử lý công bằng bởi pháp luật, không có ngoại lệ nào ở đây cả. Vậy nên, không có gì mâu thuẫn trong công tác bảo vệ trật tự xã hội của chúng tôi.

An ninh o pho Tay van trong tam kiem soat
Càng về khuya, phố Tây thu hút càng đông người, đặc biệt là khách du lịch đến vui chơi.

- Để quản lý một nơi đặc biệt như vậy, hẳn cơ quan CA cũng phải có những phương án đặc biệt?

- Đại tá Nguyễn Tất Đạt: Việc làm sao để người dân và cả du khách được an toàn một cách tối đa luôn là trăn trở của chúng tôi. Từ trăn trở này, phía CA quận, CA phường cũng từng thực hiện nhiều sáng kiến. Tôi còn nhớ, có năm, CA phường Phạm Ngũ Lão còn làm cả tờ bướm tuyên truyền để khách du lịch cảnh giác với các nguy cơ về an ninh, trật tự. Việc làm này được bàn tán xôn xao.

Ở góc độ của người làm công tác bảo vệ trật tự xã hội, chúng tôi nhận thấy đó là một việc làm thiết thực, nhất là khi sự bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa khiến du khách rất dễ trở thành đối tượng mà bọn tội phạm nhắm tới. Nhưng nhiều luồng dư luận đánh giá việc làm ấy “làm mất hình ảnh của thành phố”. Việc đề ra phương án hành động là trách nhiệm của chúng tôi, nhưng mọi sáng kiến đều phải được cân nhắc mọi mặt như thế.

- Yếu tố nước ngoài có phải là nguyên nhân chính của sự phức tạp trong tình hình trật tự xã hội ở phố Tây không, thưa ông?

- Đại tá Nguyễn Tất Đạt: Thực ra, phần lớn các vụ việc ở phố Tây diễn ra giữa người Việt với nhau, có khi là giữa chính những người buôn bán, dân địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, nơi này cũng được không ít tội phạm xuyên quốc gia chọn làm địa bàn để hoạt động hoặc lưu trú. Có năm, phố Tây còn “đón” một băng nhóm xã hội đen từ Malaysia sang để thanh toán lẫn nhau. Nhưng, nhìn chung thì cũng không thể nói vì có người nước ngoài nên địa bàn này trở nên phức tạp.

An ninh o pho Tay van trong tam kiem soat
Phố Tây Bùi Viện.

Cái phức tạp ở đây nằm ở chỗ đông người, tập trung nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm. Và khi nhu cầu ngày một nhiều, thì việc đáp ứng nhu cầu từ người địa phương cũng nảy sinh nhiều phức tạp. Đơn giản nhất như trong việc giữ xe. Nhiều hộ dân ở khu vực phố Tây đăng ký giữ xe tại nhà, nhưng nhà quá nhỏ nên người ta giữ ra ngoài hẻm, vừa gây mất mỹ quan, vừa gây mất trật tự. Nhưng xe cộ hầu hết là của người Việt, vì người Tây ở phố Tây thường không cần đi xe máy. Vậy nên, có thể thấy, vấn đề của khu vực này là quá đông người, chứ không phải là do có người nước ngoài.

- Theo đánh giá của ông, triển khai phố đi bộ có góp phần cải thiện được tình hình trật tự xã hội trong khu vực không?

- Đại tá Nguyễn Tất Đạt: Việc triển khai phố đi bộ vừa góp phần cải thiện, đồng thời cũng tạo áp lực cho công tác quản lý trật tự xã hội trong khu vực. Việc cấm xe có thể giảm bớt những va chạm, xích mích giữa những người cùng tham gia giao thông, hạn chế những tệ nạn như mua bán ma túy, cướp giật… Nhưng, với kinh nghiệm từ phố đi bộ Nguyễn Huệ, chúng tôi có thể lường được rằng việc trở thành phố đi bộ sẽ khiến phố Tây thu hút được nhiều du khách hơn, tình hình trật tự xã hội cũng sẽ theo đó phức tạp hơn. Có điều, khi phố đi bộ được triển khai, mọi hoạt động cũng được tổ chức quy củ, đồng bộ hơn - vậy thì phần nguy cơ về trật tự xã hội cũng sẽ giảm xuống.

- Trong sự đồng bộ hóa giữa các công tác tổ chức khu phố đi bộ Bùi Viện, hẳn công tác quản lý an ninh cũng là một yếu tố then chốt?

- Đại tá Nguyễn Tất Đạt: Đương nhiên là việc đảm bảo an ninh vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Thực ra thì từ hơn một năm nay, quận đã chọn phường Phạm Ngũ Lão làm địa bàn để thực hiện chuyển hóa toàn diện về trật tự xã hội. Ở cấp quận, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ vấn đề trật tự xã hội ở phường. Ví dụ, vấn đề đậu xe bừa bãi thì có lực lượng cảnh sát giao thông quận hỗ trợ, vấn đề thuộc lĩnh vực nào thì có lực lượng công an thuộc lĩnh vực ấy hỗ trợ giải quyết.  

Ngoài việc tiếp tục chiến dịch chuyển biến toàn diện trật tự xã hội ở phường Phạm Ngũ Lão thì CA Q.1 có phương án cụ thể nào trong việc giữ gìn trật tự khu vực khi phố Tây trở thành phố đi bộ không, thưa ông?

- Đại tá Nguyễn Tất Đạt:  Về việc này, tôi đã có họp bàn với CA phường Phạm Ngũ Lão, đề ra và tổ chức nhiều phương án để đảm bảo an ninh, trật tự khi phố Tây trở thành phố đi bộ. Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: làm sao để đảm bảo tuyệt đối an ninh, trật tự ngay từ những ngày đầu triển khai phố đi bộ. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng hình ảnh của phố đi bộ.

Ở góc độ của mình, tôi khẳng định là chúng tôi tập trung tối đa nguồn lực, với quyết tâm cao nhất cho trật tự xã hội ở phố Tây. Còn phương án cụ thể thế nào thì tôi xin phép không công khai, vì nguyên tắc nghiệp vụ cũng như hiệu quả của các phương án. Mặt khác, cũng xin chia sẻ thêm thời gian gần đây, tình hình an ninh ở phố Tây chuyển biến rất rõ rệt. Cụ thể, sáu tháng đầu năm nay, ở khu vực có 16 vụ phạm pháp hình sự, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là tín hiệu đáng mừng.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này! 

Thanh Tân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI