An ninh lương thực bị đe dọa vì thiếu nước

20/10/2024 - 07:32

PNO - Khi nhiệt độ toàn cầu tăng và hạn hán trở thành vấn đề ngày càng cấp bách trên thế giới, tình trạng căng thẳng và khan hiếm nguồn nước sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho các cộng đồng địa phương.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế nước toàn cầu - công bố ngày 17/10 - hơn 1/2 sản lượng lương thực của thế giới có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng trong vòng 25 năm tới do khủng hoảng nước. Tình hình chỉ có thể khác đi nếu các quốc gia toàn cầu có hành động khẩn cấp để bảo vệ tài nguyên nước, chấm dứt tình trạng phá hủy các hệ sinh thái vốn giúp bảo vệ và duy trì nguồn nước ngọt. Một nghiên cứu khác do Viện Tài nguyên thế giới công bố cho biết, 1/4 cây trồng trên thế giới hiện được trồng ở những nơi có nguồn cung cấp nước kém, không đủ.

Ước tính, nhu cầu về nước ngọt sẽ vượt quá 40% so với nguồn cung vào cuối thập niên này, vì các hệ thống nước của thế giới đang phải chịu “áp lực chưa từng có”. Ủy ban Kinh tế nước toàn cầu cũng chỉ ra rằng các chính phủ và chuyên gia đã đánh giá thấp lượng nước cần thiết để con người duy trì cuộc sống ổn định. Trước đây, các chuyên gia tin rằng, mỗi người cần 50-100 lít nước mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh. Tuy nhiên trên thực tế, 1 người cần khoảng 4.000 lít nước mỗi ngày để có đủ dinh dưỡng và đảm bảo cuộc sống ổn định.

Những rủi ro về thiếu nước đang dần bộc lộ rõ hơn. Ở Brazil, một đợt hạn hán nghiêm trọng không chỉ đẩy giá thực phẩm lên cao mà còn làm tăng giá đường và cà phê toàn cầu. Brazil là nước sản xuất đường lớn nhất thế giới và nắm giữ hơn 1/3 nguồn cung cà phê toàn cầu. Tại trung tâm nông nghiệp của Trung Quốc là tỉnh Hà Nam, một mùa khô đặc biệt, tiếp theo là những trận mưa lớn khác thường, đã đẩy giá rau hằng ngày lên cao vào giữa năm 2024.

Ở miền Nam châu Phi, nhiệt độ tăng cao và hạn hán do El Niño gây ra vào đầu năm 2024 đã phá hủy cây bắp - loại ngũ cốc chính của khu vực - dẫn đến cuộc khủng hoảng đói kém tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Nghiên cứu mới công bố vào tháng Ba trên Tạp chí Nature Reviews Earth & Environment cho thấy, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên trên 2 độ C, có đến 90% các vùng trồng nho ở khu vực ven biển và đồng bằng tại Nam California (Mỹ), Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất những loại rượu vang nổi tiếng của họ.

Việc tập trung sản xuất lương thực ở một số ít nơi trên thế giới cũng là yếu tố rủi ro cần xem xét. 10 quốc gia - bao gồm Mỹ và Trung Quốc - đang sản xuất gần 3/4 các loại cây trồng được tưới tiêu nhiều nhất trên thế giới, bao gồm mía đường, lúa mì và bông. 2/3 trong số các loại cây trồng này phải đối mặt với tình trạng mà Viện Tài nguyên thế giới gọi là “mức độ căng thẳng về nước từ cao đến cực cao”. Bà Mariana Mazzucato - giáo sư kinh tế tại University College London (Anh quốc) - nhận xét: “Tỉ lệ tử vong ở trẻ em, bình đẳng giới, gánh nặng thu gom nước, gánh nặng an ninh lương thực - tất cả đều có liên quan với nhau”.

Mặc dù các hệ thống nước toàn cầu có sự kết nối chặt chẽ nhưng thế giới hiện không có cấu trúc quản lý chung nào dành cho tài nguyên nước. Ông Tharman Shanmugaratnam - Tổng thống Singapore và là đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế toàn cầu về nước - nhận định: các quốc gia phải bắt đầu hợp tác về quản lý tài nguyên nước trước khi quá muộn.

Một đứa trẻ uống nước từ thùng nhựa ở Gaza - ẢNH: ABED ZAGOUT (Anadolu)
Một đứa trẻ uống nước từ thùng nhựa ở Gaza - ẢNH: ABED ZAGOUT (Anadolu)

Tấn Vĩ (theo The Guardian, New York Times, Euronews, CBS News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI