Ăn nhiều thịt có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

22/08/2024 - 09:22

PNO - Thịt đỏ và thịt chế biến thường chứa nhiều chất béo bão hòa - một thành phần liên quan đến tình trạng kháng insulin cao hơn, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

Hai nghiên cứu gần đây đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều thịt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. ẢNH MINH HỌA: UNSPLASH
Nghiên cứu gần cho thấy chế độ ăn nhiều thịt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Trước đây, đã có rất nhiều nhà khoa học tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến với bệnh tim, một số loại ung thư và tử vong sớm.

Và hiện nay, 2 nghiên cứu gần đây đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều thịt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Trong một nghiên cứu được công bố ngày 20/ 8 trên tạp chí The Lancet Diabetes and Endocrinology, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ gần 2 triệu người lớn tham gia 31 nghiên cứu trên 20 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và một số khu vực ở châu Âu và châu Á.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu khảo sát về chế độ ăn uống của những người tham gia và sau đó xem xét sức khỏe của họ trung bình 10 năm sau đó.

Sau khi điều chỉnh các yếu tố rủi ro khác như hút thuốc, chỉ số khối cơ thể cao hơn, ít vận động và tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, họ phát hiện ra rằng cứ mỗi 51g thịt chế biến mà những người tham gia ăn mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 của họ tăng 15% (tương đương với một chiếc xúc xích cỡ vừa hoặc hai đến ba lát thịt xông khói). Cứ mỗi 99g thịt đỏ chưa qua chế biến mà họ tiêu thụ hàng ngày, nguy cơ của họ tăng 10% (tương đương với kích thước của một miếng bít tết nhỏ).

Tiến sĩ Nita Forouhi, giáo sư về sức khỏe cộng đồng và dinh dưỡng tại Đại học Cambridge, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết điều quan trọng là bạn càng ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến thì càng tốt.

Tiến sĩ Forouhi cho biết có một số lời giải thích cho lý do tại sao việc tiêu thụ thịt thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Thịt đỏ và thịt chế biến thường chứa nhiều chất béo bão hòa hơn chất béo không bão hòa, một thành phần liên quan đến tình trạng kháng insulin cao hơn, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

Tiến sĩ Forouhi cho biết thêm, những người ăn nhiều thịt cũng có thể ăn ít thực phẩm lành mạnh hơn như trái cây và rau quả.

Nấu thịt ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như chiên trên chảo hoặc nướng trên ngọn lửa, cũng có thể tạo ra một số hợp chất có thể gây tổn thương tế bào, viêm và kháng insulin – tất cả đều có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

Trước đó, đầu tháng 8, một nghiên cứu được công trên tạp chí Nature Metabolism cũng cung cấp bằng chứng cho thấy chất sắt heme - một loại sắt có hàm lượng cao trong thịt đỏ (có ít hơn trong cá và gia cầm) - có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 205.000 người lớn da trắng ở Mỹ trong vòng 36 năm, trong thời gian đó có khoảng 21.000 người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Những người tiêu thụ sắt heme cao nhất – chủ yếu là từ 8 -10 khẩu phần thịt đỏ mỗi tuần – có khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 26% so với những người ít tiêu thụ. Họ cũng có mức lipid cao hơn, các dấu hiệu kháng insulin và viêm, cùng các hợp chất khác liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2 trong máu.

Tiến sĩ Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng TH Chan thuộc Đại học Harvard, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết đối với thịt đỏ, hiện chưa có đủ dữ liệu để khẳng định chính xác số lượng bao nhiêu là quá nhiều, nhưng dựa trên bằng chứng hiện tại, 1 hoặc 2 khẩu phần mỗi tuần - như một miếng sườn heo nhỏ hoặc một vài viên thịt viên phủ mì spaghetti - có lẽ là ổn.

Tiến sĩ Hu khuyến nghị nên chuyển từ chế độ ăn “chủ yếu là thịt” sang chế độ ăn kết hợp nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các loại đậu – tất cả đều có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Trọng Trí (theo the NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI