Trong đó có một tổn thương ít người biết được gọi là hội chứng boerhaave, xảy ra sau nôn ói dữ dội, làm rách xuyên thành thực quản, khiến thực quản bị thủng. Bệnh có thể gây biến chứng viêm trung thất, nhiễm khuẩn huyết, tỷ lệ tử vong khoảng 35%.
Dễ bị chẩn đoán nhầm
Mới đây, trong báo cáo tại hội nghị khoa học kỹ thuật, BS Nguyễn Hồ Lam - ĐHYD TP.HCM và các cộng sự, đã đưa ra một dẫn chứng cụ thể về sự khó nhận diện bệnh này. Đơn cử trường hợp của một bệnh nhân (BN) nam 48 tuổi, nhập viện vì sốt và đau ngực trái. Tiền sử bệnh không có gì đặc biệt, không ghi nhận ợ hơi, ợ chua hay nuốt nghẹn. Một ngày, BN nôn ói hai lần sau khi uống bia; sau lần ói thứ hai, BN cảm giác đau nhói ngực trái vùng lưng dự dội, lan ra hai bên; tiếp đó sốt ớn lạnh nên nhập bệnh viện tỉnh với chẩn đoán: viêm phổi - suy hô hấp, sau đó được chuyển lên BV Chợ Rẫy.
Tại BV Chợ Rẫy, sau khi khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm chuyên môn, các BS chẩn đoán: tràn khí - dịch màng phổi trái - viêm phổi - suy hô hấp. Với kết quả phân biệt: abscess phổi trái, tràn mủ màng phổi trái và được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị. Đến ngày thứ hai, bệnh diễn tiến nặng hơn và được cho truyền dịch, chọc dịch giải áp ra dịch nâu đục và đặt ống dẫn lưu ngực cấp cứu.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Tuy tình trạng lâm sàng có ổn định sau thủ thuật, nhưng nghi ngờ bất thường cạnh thực quản, bệnh nhân được chụp CT ngực khẩn và hội chẩn ngoại khoa phẫu thuật lồng ngực mạch máu được thực hiện. Tuy nhiên phẫu thuật bị trì hoãn do sự chậm trễ đồng ý phẫu thuật của người thân. Sau can thiệp - dù chậm - sức khỏe BN đã phục hồi tốt và xuất viện sau 26 ngày điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến chẩn đoán nhầm, theo BS Lê Thượng Vũ - BV Chợ Rẫy, là do bệnh cảnh BN không rõ ràng khiến việc chẩn đoán hội chứng Boerhaave chậm trễ. BN vào viện với bệnh cảnh sốt, đau ngực trái và X quang phổi bất thường khiến dễ bỏ sót nguyên nhân vỡ thực quản. Cụ thể, vỡ thực quản trong hội chứng Boerhaave, theo giới chuyên môn là do sự gia tăng áp lực đột ngột trong thực quản khi nôn ói, thường gặp ở nam giới từ 50-60 tuổi, nhất là những người “đam mê” bia rượu.
Đáng nói, hội chứng này chiếm 15% trong những ca chấn thương hay thủng thực quản. Vị trí vỡ thường gặp nhất là ở thành sau bên trái của đoạn 1/3 dưới thực quản, cách tâm vị từ 2-3cm. Thủng thực quản là một loại thủng nguy hiểm nhất của đường tiêu hóa, nhưng nếu được chẩn đoán sớm, can thiệp đúng thì bệnh nhân sẽ thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Trên thực tế, khoảng 30% trường hợp thủng thực quản có biểu hiện lâm sàng không điển hình, làm cho hội chứng này trở thành căn bệnh nguy hiểm nhất trong thủng ống tiêu hóa. Việc chẩn đoán hội chứng Boerhaave có thể gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao: 30-35%.
Nhận diện và xử lý
Trở lại trường hợp BN nam 48 tuổi nói trên, BS Nguyễn Hồ Lam - ĐHYD TP.HCM, cho biết, tràn khí - dịch màng phổi trái diễn tiến nhanh chính là chìa khóa hướng đến chẩn đoán thủng thực quản. Các nguyên nhân tràn dịch màng phổi diễn tiến nhanh khác gồm viêm màng phổi bùng phát, tràn máu màng phổi, vỡ abscess vào khoang màng phổi, vỡ ống ngực đột ngột. Bệnh cảnh thủng thực quản có thể khiến dịch và thức ăn dễ dàng đi vào khoang màng phổi.
Các BS cũng cho rằng, tụt huyết áp trên BN thủng thực quản thường do nguyên nhân choáng nhiễm trùng và là một yếu tố tiên lượng tử vong cao. Tuy nhiên, tụt huyết áp ở BN trên thì lại được nghĩ nhiều liên quan tình trạng tràn dịch cấp tính làm xẹp thất trái trong thì tâm trương gây tụt huyết áp. Mặc dù BN được điều trị hiệu quả, việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị vẫn còn một số hạn chế cần xem xét.
Do vậy, các BS lưu ý, nếu người nôn ói nhiều quá mức, nôn ói dữ dội, đau ngực trái khởi phát đột ngột sau nôn, đau ở ngực dưới và bụng trên, đau có thể lan lên vai trái hay sau lưng, đau tăng khi nuốt và tràn khí dưới da là triệu chứng gặp ở 28- 66% BN và rất có tác dụng giúp cho chẩn đoán xác định bệnh. Phần lớn trường hợp hội chứng Boerhaave cho thấy bất thường X quang ngực.
Những triệu chứng điển hình trên gọi là tam chứng Meckler. Tuy nhiên, các triệu chứng đó cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí tổn thương, vào thời gian từ lúc vỡ thực quản đến khi được can thiệp. Do vậy, cần lưu ý xem BN có sốt không, có vã mồ hôi không, có tím ngoài da không, nhịp tim có nhanh không, huyết áp có tụt không. Và cũng không loại trừ những khả năng ít gặp như nôn ra máu, vì triệu chứng này giúp thầy thuốc chẩn đoán phân biệt với hội chứng Mallory-Weiss.
Ho cũng thường xảy ra sau nuốt, do có sự thông thương giữa thực quản và khoang màng phổi. Khó thở, thở nhanh, do viêm màng phổi hay tràn dịch màng phổi. Khàn giọng. Bụng gồng cứng. Diễn tiến muộn hơn của bệnh có thể có những biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, nên chẩn đoán trong giai đoạn này lại càng khó khăn khi biến chứng nhiễm khuẩn đã che lấp các biểu hiện khác trên chẩn đoán hình ảnh.
Riêng về vấn đề điều trị, theo các BS, phương pháp điều trị lý tưởng nhất hiện nay là kết hợp giữa bảo tồn và phẫu thuật. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các BS sẽ quyết định điều trị nội khoa hay ngoại khoa. Và ngay cả ngoại khoa, thì cũng phụ thuộc vào các yếu tố: thời gian từ lúc khởi bệnh đến lúc chẩn đoán, mức độ thủng, tổng trạng BN. Có một điều quan trọng mà cả thầy thuốc và BN cần lưu ý, là hiểu về hội chứng này - nhất là những người hay bia rượu. Sau khi nôn ói mạnh mà phát hiện một hay nhiều triệu chứng nói trên cần nhập viện sớm, điều trị kịp thời để tránh rủi ro cũng như nguy cơ tử vong.
Thiên Nga