Ăn nhà tốt hay ăn ngoài sướng?

20/11/2021 - 05:40

PNO - Cuộc sống vợ chồng là chia sẻ trách nhiệm, thấu hiểu và hài hòa. Việc nhà cửa, con cái, nấu nướng cần sự góp sức của cả hai hoặc tùy điều kiện, hoàn cảnh từng nhà mà điều chỉnh cho phù hợp.

Nhi, bạn tôi, rất mê nấu nướng. Không như nhiều gia đình khác chỉ nấu ăn vào hai bữa chính, Nhi kiêm luôn bữa sáng. Mỗi ngày ba buổi, cả nhà cô quây quần trong gian bếp. Nhi mày mò công thức nấu các món ngon, lạ và say sưa chế biến.

Lần một chưa thành công, cô thử lần hai, lần ba đến khi nào chồng con ăn gật gù mới thôi. Hồng, chị tôi, lại khác. Nếp nhà chị là ăn ngoài, thi thoảng mới nhóm bếp nhà một lần.

Vậy ăn nhà tốt hay ăn ngoài sướng? Chẳng có công thức chung nào cả. Tùy điều kiện từng nhà. Thích ăn nhà mà vợ bận thì chồng vào bếp và ngược lại, còn nếu cả hai đều bận thì đưa nhau đi ăn ngoài, miễn cả hai thấu hiểu và thoải mái.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Nhi mê nấu nướng nên dẫu phải làm nhiều thêm một chút, cô vẫn hài lòng. Tuy nhiên, vì loay hoay trong bếp thường xuyên và làm việc ở nhà là chủ yếu, cô không có nhiều thời gian chăm chút bản thân. Vợ chồng cô bằng tuổi nhưng ra đường người ta cứ nhầm là chị em.

Nhiều lúc Nhi tủi thân và hễ gặp tôi, cô lại tuôn một tràng ấm ức: “Tớ thế này là vì chồng con, vì muốn mang đến những bữa ăn chất lượng và vệ sinh cho cả nhà. Người ngoài không hiểu đã đành, đôi lúc chồng tớ cũng không trân trọng công sức tớ bỏ ra. Lâu lâu lại đòi ra ngoài ăn, bảo ăn ở nhà hoài cũng chán”.

Tôi nghe và thầm nghĩ, có lẽ Nhi chưa hiểu vấn đề.

Một số người góp ý chị Hồng nên quan tâm hơn đến chuyện bếp núc, nhà cửa. Với đa số, phụ nữ là người xây tổ ấm, dù bận rộn cỡ nào cũng nên cố gắng nấu nướng để ngôi nhà có sinh khí. Đến mẹ ruột chị cũng góp ý: “Dù sao đàn bà sinh ra cũng nên gắn với căn bếp”. Vậy nhưng chị nói: “Ăn nhà hay ăn ngoài không quan trọng. Chị không thích nấu nướng và dọn dẹp. Chị đi ăn ngoài vì chị thấy thoải mái, vậy thôi!”.

Anh Minh, chồng chị Hồng, thỉnh thoảng lại đi chợ và làm bếp chính hoặc anh về nhà mẹ ruột ăn rồi đem thức ăn về cho vợ con. Nhiều người biết chuyện cũng nói bóng nói gió. Đôi lúc, anh cũng thèm cảm giác cơm nhà do chính tay vợ nấu nhưng nếu có ai hỏi, anh đành ngậm ngùi khỏa lấp: “Vợ bận, không có thời gian vào bếp nên mình làm thay hoặc ăn ngoài cho khỏe”.

Nếu hai người vợ trên biết khéo léo điều chỉnh thì đời sống hôn nhân của họ có lẽ sẽ hài hòa hơn. Cầu toàn chuyện ăn uống ở nhà dễ nảy sinh những vấn đề không hay. Vợ chồng thỉnh thoảng cũng cần ra ngoài đổi gió. Người vợ cũng nên dành thời gian cho bản thân, song nếu bỏ bê chuyện cơm nước cũng là thiếu sót. Đàn ông yêu bằng đường dạ dày, ăn ngoài mãi cũng đến lúc ngán.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Bếp nhà tôi vẫn đỏ lửa khi cần. Tôi vui vì đôi lúc nấu được những bữa ngon cho chồng con. Đó cũng là dịp tôi chế biến món ăn theo sở thích ăn nhiều rau củ của tôi mà khi đi ăn bên ngoài, rất hiếm khi được đáp ứng. Những hôm mệt mỏi, tôi thường nhắn chồng: “Hôm nay em mệt, không nấu nướng anh nhé!”.

Khi ấy, hoặc chồng là bếp trưởng, tôi phụ hoặc chúng tôi đưa nhau ra ngoài đổi vị hay mua thức ăn về nhà cùng ăn. Vào dịp cuối tuần, chúng tôi thường ra ngoài ăn sáng, cà phê trò chuyện.

Đời sống hôn nhân là đi từ cái tôi đến cái chúng ta, là sự hài hòa các nhu cầu và cảm xúc của cả hai. “Ăn nhà tốt hay ăn ngoài sướng?”. Thắc mắc ấy đâu còn quan trọng nếu cả hai đồng lòng và có tiếng nói chung, chú ý đến những nhu cầu, mong muốn và cảm xúc của nhau. 

Huỳnh Thị Kim Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI