Nếp nhà trong định nghĩa của ba tôi nằm gọn ở gian bếp nhỏ của gia đình. Theo ông, tết thì bếp phải đỏ lửa nấu bánh chưng xanh, phải có chả lụa thơm mềm, và dù bận bịu thế nào, ông bà cũng ráng làm thêm món chả xương sụn truyền thống.
|
Ba chồng tôi băm phần thịt cùng với xương sụn, những miếng xương cứng sẽ được để dành nấu canh, hầm cháo |
Để làm chả xương sụn ngon, mẹ chồng tôi phải dặn mãi bà bán thịt quen mới để dành lại những dẻ sườn tươi, tỉ lệ giữa sụn và thịt phải hài hòa. Bà mang thịt về, rửa cùng muối cho giảm mùi tanh, để ráo và chặt thành từng miếng nhỏ. Các công đoạn còn lại do ba chồng tôi đứng bếp.
Chừa lại những phần xương cứng dành nấu canh khoai, ba bày lên thớt la liệt sụn, thịt còn trong thau và băm thật nhỏ. Sau khi băm, thịt được trộn cùng bột gạo đã nhào khô với nước, nêm thêm mắm, mật mía, tiêu, chút muối, ớt cho vừa ăn. Ba đem hỗn hợp trộn đều tay đến khi hòa vào nhau.
Vừa làm, ba vừa kể chuyện ngày xưa, về món bánh mà cả tuổi thơ ông khao khát nhà làm. Ba kể ngày trước, thời còn ở Hà Tĩnh, những năm đó đói khổ, trong làng hiếm lắm mới có gia đình ăn tết bằng chả lụa, chả sụn. "Phải nhà nào thật giàu, hay năm đó làm ăn thật khá mới có tiền làm", ba nói.
Món này quý đến độ không phải ai đến nhà cũng được dọn mà phải khách thật quan trọng với gia đình mới được dùng. Thời đói khổ, lượng bột trộn vào cũng nhiều hơn hẳn, không phải tỉ lệ 7 thịt - 3 bột như ngày nay mà có nhà chỉ 3, 4 phần thịt nhưng phải đến 6, 7 phần bột.
|
Sau khi tẩm gia vị, thịt được dát lát mỏng, kẹp giữa miếng lá chuối và mang đi hấp |
Miếng chả khi đó dẫu nhiều bột, ăn vào bùi bùi không đủ thơm nhưng là miếng tình, miếng nghĩa. Ba nói nhiều năm làm ăn thất bại, cố gắng mãi mà mùa tết vẫn không có tiền mua nhiều thịt, chỉ tròm trèm đủ để gói bánh chưng.
“Từ khi ướp gia vị, mọi thứ đã thật thơm ngon. Đến khi hấp lên, hương thơm nghe ấm nồng mùi tiêu, ớt xắt. Hấp lần 2 thì càng dậy mùi. Ngày đó một miếng mỏng chẻ ba, chẻ năm thấy quý vô cùng. Còn nay, nhà có làm nhiều loại chả, hương vị như cũ thì cảm giác của ngày xưa không còn”, ba nói.
|
Chả sụn được hấp 2 lần để đạt độ dẻo, bùi |
Quả thật, trong bữa cơm ngày tết ở nhà chồng tôi, có vẻ như món giò chả của ba mẹ làm không được chuộng. Các anh chị ăn những món khác đậm vị hơn, nguyên liệu đắt tiền hơn. Món chả dọn ra, vơi đi một chút rồi lại được cất vào tủ lạnh. Vậy nhưng, chúng vẫn luôn có mặt trên mâm cơm gia đình, và khi có họ hàng phương xa ghé đến ba mẹ lại cắt ra mời.
Đợi khách ăn xong một miếng chả, ba hỏi: “Ăn được không anh?”, “Ngon không chị?”... Rồi từ câu hỏi đơn sơ ban đầu, bao nhiêu chuyện tết quê được kể lại, nhiều chuyện từ hơn 30 - 40 năm trước.
|
Chả sau khi hấp được để nguội, sau đó được cất vào ngăn mát tủ lạnh |
Ngay lúc ông bà, ba mẹ nhắc tết thời còn ở Hà Tĩnh, đó cũng chính là khi tết thật sự về dưới mái nhà phương Nam. Gia đình chồng tôi là một trong những hộ đầu tiên ngày đó rời quê đi làm kinh tế mới. Đến nay, số lần con cái về quê chỉ đếm trên đầu ngón tay, gốc gác phai nhạt ít nhiều. Ba mẹ ráng giữ tết quê thông qua những món ăn truyền thống như một cách để các con biết về tết quê, cũng là dịp ông bà ôn chuyện cũ, nhớ về nguồn cội.
Khánh An