Thải độc bất chấp hậu quả
Qua mạng xã hội, internet hay mách bảo của người khác, nhiều người kiên quyết duy trì chế độ ăn uống “lành mạnh” của mình vì tin là khoa học, đúng đắn, giúp thải độc cơ thể, giúp giữ dáng - đẹp da… bất chấp những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra vì chỉ đúng nửa vời.
Cao 1,58m nhưng nặng tới 62kg, chị Mai Thị Ngọc Bích (28 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) nhiều lần lắc đầu ngán ngẩm vì thân hình mũm mĩm của mình. Tham gia vài hội nhóm trên mạng xã hội, chị Bích trình bày “hoàn cảnh” của mình và dễ dàng nhận được nhiều lời khuyên “chí lý” của những thành viên trong hội. Từ đó, chị bắt đầu quyết liệt ăn uống theo “chế độ giảm cân thần kỳ” của họ: trong suốt một tuần lễ chỉ ăn trái cây và rau xanh, cắt hoàn toàn tinh bột, uống hơn 3 lít nước mỗi ngày…
Thực hiện được 3 ngày, cân nặng chưa thấy giảm, trong lúc chuẩn bị về nhà sau giờ làm, chị bỗng thấy chóng mặt, đi lảo đảo và suýt xỉu trước cửa công ty, may mà đồng nghiệp phát hiện.
Nghe nhiều người mách bảo ăn nhiều chất béo sẽ có hại, đặc biệt có thể gây xơ vữa động mạch dẫn đến đột quỵ, bà Lê Hoàng Ngân (45 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) yêu cầu cả nhà không được ăn bất cứ món gì có chất béo, chiên xào cũng “cấm tiệt”. Bà quan niệm, cứ món ăn nào có váng dầu bên trên thì đều chứa chất béo và cần phải kiêng… triệt để, nếu dùng lâu dài sẽ gây nhiều hậu quả. Từ đó bữa cơm gia đình bà chỉ có những món hấp và luộc.
Đọc được thông tin trên mạng về những triệu chứng hay đầy bụng, ợ chua và táo bón của mình là do ruột tích nhiều chất độc, sinh viên Lê Cẩm Giang (22 tuổi) bắt đầu uống nước chanh pha mật ong sau khi ngủ dậy vì tin rằng như thế cơ thể sẽ được giải độc. Suốt một tháng trời, buổi sáng khi chưa ăn gì, Giang đã uống ngay một ly “tiêu độc” như thế, và cô phải nhập viện sau một cơn đau bụng quằn quại mà nguyên nhân là viêm loét dạ dày vì chanh chứa nhiều a-xít.
Nhiều chất không được loại bỏ trong bữa ăn
Theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), ngoài những thói quen kể trên, nhiều người vẫn đang mắc những sai lầm trong ăn uống như cắt hoàn toàn khẩu phần trái cây vì nghĩ sẽ giảm đường, uống hơn 3 lít nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể… dẫn đến những hậu quả khó lường cho sức khỏe.
Bác sĩ Loan cho biết, gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể. Khi ăn ít tinh bột thì gan sẽ sử dụng chất dự trữ glycogen để chuyển hóa thành đường. “Hằng ngày não cần ít nhất 100g glucose để phục vụ các hoạt động của não và duy trì hoạt động cho tế bào hồng cầu, tế bào gan.
Do đó nếu cơ thể thiếu hụt đường thì gan sẽ phải hoạt động tối đa, trong quá trình lấy chất glycogen chuyển hóa thành đường sẽ tạo ra chất xeton gây hại cho não. Hơn nữa, trên thể trạng những người béo phì, gan có vấn đề thì việc kiêng chất đường quá mức sẽ làm hại thêm cho gan đã có sẵn bệnh lý. Do đó, việc bỏ hoàn toàn tinh bột hoặc ăn hạn chế quá mức tinh bột là không nên, trừ khi có sự theo dõi của bác sĩ”, bác sĩ Loan phân tích.
Nhiều bác sĩ đã lên tiếng phản đối thói quen muốn giảm đường mà loại bỏ hoàn toàn trái cây khỏi khẩu phần ăn, bởi điều này sẽ dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng nhóm các vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B, vitamin C, cũng như thiếu nguồn chất xơ, chất chống ô-xy hóa, sắc tố bảo vệ tim, phòng chống ung thư...
“Nhiều người muốn giảm cân còn kiêng hoàn toàn các chất béo, từ các chất béo có hại đến chất béo có lợi. Điều này hết sức không nên vì chất béo cấu trúc nên màng tế bào thần kinh, là dung môi để hòa tan các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K… Thiếu chất béo, việc hấp thu vitamin D (vitamin trực tiếp hỗ trợ cho việc hấp thu canxi) sẽ bị ảnh hưởng”, bác sĩ Dương Thị Kim Loan phân tích.
Nếu muốn cơ thể “nhẹ nhàng” hơn, nên giảm từ từ nguồn năng lượng từ tinh bột, đường, chất béo, tăng cường nguồn thức ăn từ rau, chất xơ, trái cây, thay thế những bữa ăn tối bằng sữa công thức để đủ năng lượng. Cần lưu ý không nên bỏ bữa vì như thế tế bào não sẽ bị gây hại, giảm đường huyết, các chức năng cơ hao mòn, gan mệt mỏi sản xuất ra chất xeton trong quá trình lấy đường dự trữ.
Bên cạnh đó, cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn có nhiều năng lượng, thức ăn nhanh, hạn chế rượu, bia, tăng tiêu hao bằng vận động cường độ vừa phải, siêng năng tập thể dục. “Uống nước vừa đủ từ 1,5 - 2 lít mỗi ngày, không nên uống quá nhiều khiến thận phải hoạt động quá mức dẫn đến gây hại chức năng thận”, bác sĩ Loan khẳng định.
Vân Nhi
Đừng ăn một mình!
Giáo sư Barb Leonard tại Trường Điều dưỡng, Đại học Minnesota (Mỹ) đưa ra những hướng dẫn sau cho mọi người, phù hợp với khuyến nghị của USDA 2015 và tiêu chuẩn ăn uống lành mạnh của Đại học Harvard:
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Vì béo phì liên quan đến nhiều bệnh mãn tính hoặc cấp tính, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên mọi người hướng tới trọng lượng cơ thể khỏe mạnh với chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng từ 18,5 đến 25. BMI cho thấy tình trạng cân nặng của cá nhân tỷ lệ với bình phương chiều cao. Chỉ số không áp dụng cho trẻ em, người già hoặc vận động viên thể thao chuyên nghiệp.
- Không được quên tập thể dục: Các nghiên cứu cho thấy, để đạt được trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, nếu chỉ “chăm chăm” chế độ ăn đúng, sẽ không đạt hiệu quả cao như khi kết hợp với tập thể dục. Chỉ cần giảm cân “chút thôi” cũng có thể tạo ra khác biệt về sức khỏe như: giảm huyết áp, cải thiện khả năng dung nạp glucose, điều chỉnh nồng độ lipid máu…
- Uống nước đúng cách: Người trưởng thành nên uống 8 - 10 ly nước mỗi ngày để giúp duy trì các quá trình sinh học của cơ thể, đặc biệt là nhiệm vụ mang chất dinh dưỡng đến tế bào và loại bỏ chất thải. 80% lượng chất lỏng nên đến từ nước lọc và đồ uống khác (nhưng không phải soda, cà phê hoặc rượu). 20% còn lại nên đến từ thực phẩm, đặc biệt là trái cây và rau quả. Bạn không nên sử dụng cơn khát như tín hiệu cần uống nước. Khi khát, cơ thể đã rơi vào trạng thái mất nước nhẹ, và hệ thống cảnh báo này sẽ suy giảm dần theo tuổi tác.
- Tránh ảnh hưởng từ nhà sản xuất: Các tập đoàn thực phẩm lớn luôn biết cách khiến mọi người mua nhiều sản phẩm của họ. Rất nhiều thực phẩm chế biến không được thiết kế để tăng cường sức khỏe, mà chỉ để khai thác cảm giác thèm muốn tự nhiên đối với muối, đường và chất béo.
- Đừng ăn một mình: Bữa ăn không chỉ là nhu cầu sinh học, nó còn tác động về xã hội, tâm lý và tinh thần. Nghiên cứu chứng minh rằng thành phần xã hội đối với việc ăn uống là cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và phúc lợi cá nhân. Một nghiên cứu từ Đại học bang Illinois (Mỹ) cho thấy, trẻ em và thanh thiếu niên ăn cùng gia đình ba lần trở lên mỗi tuần sẽ tăng khả năng phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng bình thường
suốt đời.
Hướng dẫn sơ bộ cho mỗi bữa ăn bao gồm:
- Thực phẩm giàu protein: Thịt, cá, thịt gia cầm và đậu… Một khẩu phần cỡ lòng bàn tay cho phụ nữ và hai phần cỡ lòng bàn tay cho nam giới.
- Rau và xà lách: Một phần cỡ nắm tay cho phụ nữ và hai phần cỡ nắm tay cho nam giới.
- Thực phẩm giàu đường bột: Một phần nắm tay cho phụ nữ và hai phần cho nam giới, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt và rau củ có tinh bột.
- Thực phẩm giàu chất béo: Một phần cỡ ngón tay cái cho phụ nữ và hai phần cho nam giới, chẳng hạn như bơ, dầu thực vật và các loại hạt.
Ngọc Hạ (theo Taking Charge, Healthline)
|