Hôm đó, đoàn chúng tôi đi ăn trưa - món cơm trộn. Điểm đến là một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên cách tháp Nam San không xa. Quán ăn giống như trong các phim Hàn Quốc, có rèm nhựa, bao quanh là những chậu cây xanh. Món cơm khá độc đáo. Tất nhiên trên bàn không thể thiếu các món kim chi.
Thường thì các chuyến bay từ Việt Nam đến Hàn Quốc vào buổi sáng. Hàn Quốc lệch múi giờ với Việt Nam 2 tiếng, khi ở Việt Nam 5 giờ sáng thì ở đây đã 7 giờ. Nhưng thời gian làm việc ở Hàn Quốc lại bắt đầu từ 9 giờ sáng, đủ để họ tự lo bữa ăn sáng tại nhà. Có lẽ bởi vậy, các quán ăn sáng ở quốc gia này rất ít, chủ yếu phục vụ cho người nước ngoài. Lần trước, chúng tôi được đưa đến một quán để ăn một món như bánh canh với kim chi, lần thứ hai ăn sườn heo hầm với cơm, dĩ nhiên luôn có kim chi kèm theo.
|
Bữa ăn nào cũng có kim chi |
Kim chi là món không thể thiếu trong tất cả bữa ăn của chúng tôi ở Hàn Quốc. Trong các chuyến đi nước ngoài, ăn theo cách của xứ người, có lẽ ở Hàn Quốc dễ ăn nhất bởi món kim chi, bởi gia vị chủ lực là muối, nước tương hơi chua và tương ớt. Ăn lúc đầu không quen vì nhạt nhưng khi có kinh nghiệm bỏ kim chi vào thì món ăn trở nên rất ngon. Xem phim Hàn Quốc bạn sẽ thấy rõ, trên bàn ăn thường bày khoảng 5 loại kim chi, chủ lực vẫn là kim chi cải thảo.
Nếu đi chợ Myeong Dong, vào siêu thị, bạn sẽ thấy những gian hàng bán kim chi để mua về làm quà. Nhìn kim chi từ màu đỏ đến vàng, xanh, đen…, đố bạn biết chúng được chế biến từ nguyên liệu gì. Đặc biệt, nhằm gia giảm vị, kim chi không cay lắm, phù hợp với du khách. Chắc chắn sau vài lần trải nghiệm, bạn sẽ quen với cách ăn ở Hàn Quốc.
Trải qua một quá trình, ngày nay, ở Hàn Quốc có đến 187 loại kim chi, trong đó nổi tiếng và phổ biến nhất là kim chi cải thảo. Kim chi trong tiếng Triều Tiên là “chimchea”, nghĩa là “rau củ ngâm”, mô tả cách thức chế biến bằng cách lên men các loại rau củ cùng tỏi ớt. Vào mùa thu, Hàn Quốc đẹp với những con đường ngập tràn sắc lá ngân hạnh màu vàng, lá phong màu đỏ. Nhưng qua mùa đông tuyết rơi, cỏ cây trụi lá nên họ phải trữ thức ăn.
Có lần tôi ghé một vườn táo vào cuối tháng Mười một, khi đó trời đã lạnh, có mưa và cây bắt đầu rụng lá, chủ vườn bảo chúng tôi hôm đó là ngày cuối cho khách tham quan, sau đó táo sẽ được hái để trữ lạnh cho cả mùa đông. Kim chi cũng là món ăn cho mùa đông. Sự tự hào về món kim chi đã được đưa vào chương trình tour du lịch. Bạn sẽ được đưa đến một nơi tập làm kim chi, trên bàn là cải thảo đã phơi nắng cho héo và ớt cùng tỏi. Cách làm kim chi rất đơn giản, chỉ là trộn ớt tỏi vào cải thảo. Vậy mà vui.
|
|
Suốt một thời gian dài, kim chi đơn thuần chỉ được coi như một loại rau muối thông thường, không có ớt đỏ. Loại kim chi phổ biến trong thời gian đó là củ cải ngâm trong nước muối. Đến thế kỷ thứ XII, người ta bổ sung nhiều loại gia vị khác nhau cho món ăn này và tới thế kỷ XVIII, ớt đỏ mới bắt đầu được sử dụng để làm kim chi. Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố kim chi là một quốc bảo. Vì thế, trong bất cứ bữa ăn nào ở Hàn Quốc cũng có vài loại kim chi nhưng trên thực tế, kim chi cải thảo, kim chi dưa leo, kim chi rong biển… được tiêu thụ nhiều hơn cả.
Các quán ăn ở Seoul thường chiếm diện tích rất nhỏ hoặc bạn phải lên tận tầng thứ tư, thứ năm. Và dĩ nhiên, chỉ có “thổ địa” mới biết. Loại rượu để ăn trong tiết trời se lạnh là sochu. Có cửa hàng thiết kế sau khi du khách ăn xong sẽ đi qua điểm mua sắm, chủ yếu là bánh kẹo và đồ lưu niệm. Đặc biệt, để kích thích người tiêu dùng, luôn có cách bán mua 5 tặng 1, mua 10 tặng 3… Vậy nên nhiều người mua thật nhiều về làm quà. Điều khác biệt là các quán ăn không có trái cây tráng miệng mà có một quầy bán trái cây để bạn mua nếu có nhu cầu. Đa phần các quán đều có một máy pha cà phê, khách ăn xong tới lấy ly bấm nút sẽ có ly cà phê đen nóng đã pha đường hoàn toàn miễn phí.
|
Món gà hầm sâm sẽ ngon hơn nếu ăn cùng kim chi |
Món gà hầm sâm rất được ưa chuộng. Theo giải thích, nguyên liệu là gà công nghiệp nhưng nhỏ như gà tre, trên bảng niêm yết giá từ 17.000 đến 20.000 won/con. Tôi đã ăn gà hầm sâm 3 lần, lần đầu tiên chưa biết cách ăn nên bỏ dở, 2 lần sau thêm muối và kim chi. Quán đông, khách tới sau cứ đứng đợi, động tác dọn bàn và đem gà ra rất nhanh, đa phần nhân viên phục vụ là người đã về hưu vì Hàn Quốc thiếu lao động. Gà hầm sâm để trong nồi giữ nóng, trong ruột gà có sâm và cơm, ăn quen sẽ thấy rất ngon.
Nhiều món ăn khác ở Hàn Quốc cũng khá nổi tiếng, chẳng hạn như mì lạnh - mì đã nấu chín đem ra rất lạnh, trộn với rau và hải sản. Món bánh xèo Hàn Quốc không giống bánh xèo ở Việt Nam. Cá nướng thì tùy quán, có quán để nguyên con nướng lên, có quán cắt ra từng miếng nhỏ tẩm gia vị rồi mới nướng. Riêng món thịt nướng thì gia vị tẩm gần giống Việt Nam, thịt nướng lên cuốn rau xà lách chấm tương ăn rất ngon.
|
Các quầy thức ăn nhanh trong chợ Myeong Dong luôn nhộn nhịp |
Tôi ấn tượng lần đi theo đoàn của một hãng bay đến chợ hải sản Noryangjin - chợ hải sản sỉ và lẻ lớn nhất Seoul. Tất cả các loài thủy hải sản trên toàn Hàn Quốc đều được tập kết tại đây. Chợ bày bán rất khoa học, chẳng nghe mùi tanh và vô cùng hợp vệ sinh, mọi thứ đều được niêm yết giá, đặc biệt là cua hoàng đế, bạch tuộc, cá ngừ.
Người dẫn đoàn đưa chúng tôi dạo một vòng chợ, sau đó đến một cửa hàng lựa mấy con cua hoàng đế và bạch tuộc. Tiếp đến, chúng tôi đi thang máy lên tầng 4. Thì ra tầng 4 của chợ là khu ẩm thực, có cả một sân rộng trồng cây xanh để khách ra đó ngắm Seoul và hút thuốc. Thì ra các món hải sản lựa bên dưới đã đưa lên cho đầu bếp. Món ăn dọn ra là cua hoàng đế hấp (chủ yếu là càng và chân cua), phần thịt cua làm cơm trộn rong biển. Món cơm trộn rất ngon. Món ăn độc đáo khác là bạch tuộc sống chấm mù tạt.
|
Làm kim chi |
Và như đã nói, bất cứ bữa ăn nào, kể cả ăn sáng trong khách sạn hay ăn hải sản, ở Hàn Quốc luôn có vài món kim chi dọn ra cho bạn, ăn gì cũng gắp kèm vài miếng kim chi cho ngon miệng. Ăn kim chi mãi rồi cũng nhớ, thế nên nếu thích, bạn có thể mua một ít đã được đóng bao bì đem về để ăn cho đỡ nhớ hoặc làm quà.
Khuê Việt Trường