Ẩn họa trong các “nhóm ảo tiêu cực”

21/04/2022 - 06:19

PNO - L.T.H.D. (17 tuổi, ngụ tại Q.6, TPHCM) là thành viên “Hội những người muốn tự tử” trên mạng xã hội. Em nghĩ, vào nhóm, em có thể thoải mái chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những áp lực mình đang gặp phải. Tuy nhiên, bên cạnh những lời động viên, an ủi, em còn nhận được những lời khích bác, xúi giục tự tử. D. rơi vào khủng hoảng và nhiều lần nghĩ đến cái chết.

Khủng hoảng và phạm tội khi tham gia "nhóm ảo tiêu cực"

D. kể với cô giáo dạy văn rằng, em tham gia “Hội những người muốn tự tử” hơn một năm qua. Ban đầu, cô học trò 17 tuổi chỉ nghĩ tham gia “nhóm ảo” sẽ giúp mình thoải mái chia sẻ những áp lực trong cuộc sống; dễ dàng tìm được những người bạn sẵn sàng lắng nghe nỗi buồn cùng mình.

“Hôm đó, em đăng một bài viết khá dài chia sẻ chuyện bị bố la mắng và những áp lực mình đang gặp phải. Nhiều người vào xúi em: “Mày đi chết đi”, “Sống như thế thì sống làm gì” và nhiều bình luận còn ghê rợn hơn. Em rơi vào khủng hoảng, cả đêm mất ngủ và nhiều lần nghĩ đến cái chết” - D. nhớ lại.

Nhưng may mắn là cô giáo dạy văn đã quan tâm và được D. chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Cô đã kết nối cho em trò chuyện với một chuyên gia tâm lý để giúp em vượt qua khủng hoảng.

Hiện trên mạng xã hội Facebook có năm “nhóm kín” với tên gọi “Hội những người muốn tự tử” cùng hơn 10.000 thành viên. Các nhóm này đa phần đưa các bài viết nói về những áp lực tiêu cực và chia sẻ ý định muốn tự tử. Trong một nhóm có 16.000 thành viên, bài viết mới nhất của một chị có tên M.C. cho biết đang gặp áp lực và muốn tự tử cùng con nhỏ để giải thoát. Trong gần 400 bình luận dưới bài viết thì có hơn 50 bình luận “tư vấn” cho chị cách tự tử dễ nhất. 

 

Một bài viết trên “Hội những người muốn tự tử”
Một bài viết trên “Hội những người muốn tự tử”

 

Hai đối tượng quen nhau trên “nhóm làm liều” và rủ nhau đi cướp ngân hàng ở Hà Nội vào ngày 7/3 bị công an bắt giữ
Hai đối tượng quen nhau trên “nhóm làm liều” và rủ nhau đi cướp ngân hàng ở Hà Nội vào ngày 7/3 bị công an bắt giữ

Tương tự, nhiều nhóm có tên gọi “Hội những người vỡ nợ làm liều” cũng thu hút hàng chục ngàn thành viên. Bài viết mới nhất trong một nhóm có hơn 12.000 thành viên cho biết vừa thua độ đá banh 2 tỷ đồng nên đang “cần phương án làm lại cuộc đời”. Các tài khoản khác “động viên” đi cướp ngân hàng, tiệm vàng hoặc bán thận. 

Gần đây, công an đã ghi nhận một số vụ việc các đối tượng quen nhau trên các hội nhóm “làm liều” rồi rủ nhau đi cướp giật. Trong các vụ cướp ngân hàng ở Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội và cướp điện thoại trong cửa hàng FPT ở TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, các đối tượng phạm tội đều quen nhau trên hội nhóm “làm liều”. 

Ngoài ra, trên mạng xã hội Facebook còn có rất nhiều hội nhóm tiêu cực thu hút rất đông người như: “Hội những người đã từng đi tù”, “Hội ngoại tình”, “Hội không ưa phụ huynh”…

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia về tội phạm học, chia sẻ: “Từ lâu, mạng xã hội đã trở thành một phần của đời sống thật, những điều diễn ra trên mạng xã hội phản ánh một phần đời sống thật. Những vụ cướp mà các đối tượng quen nhau trên các nhóm hội tiêu cực gây ra trong thời gian gần đây là rất đáng báo động. Dưới góc độ tội phạm học, đây là một xu hướng nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”.

Cũng theo ông Thìn, đáng lo ngại là tội phạm đang ẩn náu dưới vỏ bọc các hội nhóm để tìm đồng bọn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài những chia sẻ dung tục, các hội nhóm này còn thúc đẩy, cổ vũ hành vi phạm pháp. Ông Thìn cảnh báo: “Tội phạm hoạt động trên mạng xã hội ngày càng tinh vi. Chúng vào các hội nhóm tiêu cực để tìm những người đang cùng quẫn, bế tắc, để lôi kéo vào hành vi phạm tội. Lo lắng nhất là chúng sẽ lôi kéo trẻ em”.

Cần tăng cường nhóm, hội tư vấn tâm lý 

Ông Đặng Lê Anh, chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành, nhận định, khoảng trống hiện nay là chúng ta còn quá ít các nhóm hội, tổ chức và đường dây nóng sẵn sàng tư vấn cho những người gặp các vấn đề về tâm lý, có ý định tự tử. Nếu được tư vấn kịp thời, họ sẽ nhanh chóng vượt qua khủng hoảng về tâm lý.

Điểm hạn chế của giáo dục hiện nay là các trường học thường không có hoặc chỉ có một phòng tư vấn tâm lý do giáo viên đảm nhận. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào thầy cô cũng tư vấn đúng và đủ vì họ thường không có chuyên môn. Thế nên nhiều học sinh đã tìm đến các hội, nhóm tiêu cực với hy vọng sẽ tìm được người đồng cảnh ngộ để chia sẻ. 
Trên các hội nhóm kiểu như “Những người muốn tự tử” sẽ có rất nhiều người đang ở trạng thái tâm lý tiêu cực. Một người nào đó đang gặp khó khăn, bế tắc, khi tham gia các hội nhóm này sẽ tạo ra một tác động cộng hưởng về mặt tâm lý. 
Dưới góc độ luật pháp, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc xúi giục người khác tự sát nếu dẫn đến nạn nhân có hành vi tự sát sẽ bị xử lý về tội “xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” theo điều 131 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng thông qua các hội nhóm “làm liều” để xúi giục người khác đi cướp ngân hàng, tiệm vàng có thể bị xử lý về tội “cướp tài sản” với vai trò là đồng phạm. 

Luật sư Hùng khuyến cáo: “Khi có đông đảo người tham gia các hội nhóm tiêu cực thì vấn đề đã trở nên rất nghiêm trọng. Nhất là khi những người này không ý thức được hậu quả và hệ lụy của việc khích bác người khác trên mạng xã hội. Để hạn chế những rủi ro do các hội nhóm này mang lại, các tổ chức cung cấp mạng xã hội cần kiểm duyệt nội dung, cơ quan chức năng cũng cần có chế tài đối với các nhóm tiêu cực này”. 

 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI