|
Bông bí |
Hồi nhỏ, tôi chỉ biết quanh quẩn mấy món hoa má tôi thường chế biến món ăn như bông bí, bông thiên lý, hoa chuối (bắp chuối)... Hơn nửa đời người, tôi cũng kịp thử qua kha khá món ăn độc đáo từ hoa.
Lạ miệng bông hành
Xưa nay, hành được biết đến nhiều với vai trò gia vị theo 2 dạng: củ và lá. Hành củ dùng cho việc ướp, phi thơm, tạo mùi… Hành lá dùng cho việc nêm nếm…
Ngoài củ và lá, bông hành còn được dùng như một loại rau trong chế biến thức ăn. Hành cho bông khi đã tượng củ tương đối lớn. Khi thu hoạch hành lá, người ta cắt riêng bông hành bó thành từng bó đem bán. Bông hành thuộc loại hiếm, lâu lâu mới thấy bán.
Bông hành xào thịt bò rất ngon. Thịt bò ướp gia vị. Bông hành rửa sạch, cắt khúc khoảng 6 - 7cm, để ráo. Bắc chảo dầu nóng, khử tỏi thật thơm, cho thịt bò vào đảo nhanh rồi trút ra tô. Cho thêm dầu vào chảo. Dầu vừa nóng bỏ bông hành vào đảo thật nhanh rồi cho thịt bò vào đảo lại, nêm nếm rồi bắc xuống. Cái nhanh tay và khéo léo của người nội trợ là đây: món ngon là bông hành chỉ còn mùi hăng nhẹ, không gắt, giòn mềm; vị ngọt của bông hành và vị ngọt của thịt bò tạo thành hương vị đặc trưng.
Có người xào bông hành thêm giá. Tất nhiên khi có giá, hành không còn giữ vai trò chủ đạo nhưng cái ngon sẽ chuyển sang trạng thái khác, ngọt hơn, thanh hơn và… dân dã hơn. Có người chỉ xào bông hành với dầu và nêm nếm gia vị. Cách chế biến này đảm bảo được trạng thái, mùi vị, màu sắc của bông hành. Bông hành xào hải sản có thể khử được mùi tanh của hải sản, tạo cảm giác ngon hơn. Bông hành cũng có thể xào với cá đồng, đặc biệt là cá lóc. Bông hành còn có thể nấu canh thịt nạc, luộc chấm nước mắm tỏi ớt hay dùng trong món lẩu.
Bông hẹ cũng tương tự như bông hành nhưng thường xào với nấm đông cô, tôm, thịt bò, mực, tim, cật...
Ăn lấy hương lấy hoa
|
Hoa quỳnh |
Có một loài hoa đặc biệt quý hiếm, là vua của muôn hoa nở về đêm: hoa quỳnh. Hoa quỳnh không chỉ có ý nghĩa về mặt thưởng lãm nghệ thuật mà còn được đưa vào danh sách các loài hoa ăn được.
Người ta cho rằng hoa quỳnh nở là điềm may mắn, hạnh phúc. Chưa có ai chứng minh điều này nhưng rõ ràng được nhìn ngắm từng cánh hoa trắng muốt dần dần hé mở và chiêm ngưỡng no nê đóa hoa mãn khai, tỏa hết hương thơm là một hạnh phúc mà ít người có cơ hội.
Hoa quỳnh quý hiếm như thế nên chỉ cần 1, 2 cái hoa vẫn có thể chế biến nên món. Đơn giản nhất là nấu canh với thịt nạc hay tôm tươi. Hoa quỳnh tối nở sáng tàn, cần nấu ngay trưa hôm sau để đảm bảo độ tươi ngon. Rửa sạch bụi phấn, bỏ cuống và nhụy, xắt ra nấu với thịt nạc sẽ được một tô canh nhỏ. Nếu lấy phần cuống, tô canh có độ nhớt nhưng ngon ngọt, dễ ăn.
Nếu có nhiều hoa thì làm món xào thịt bò hay làm gỏi. Cánh hoa quỳnh mỏng manh nên chỉ cần đảo qua với thịt bò. Nếu làm gỏi, cần rất nhiều hoa. Món gỏi thành hình cũng với những nguyên liệu trộn gỏi thông thường như tôm, thịt nạc, cà rốt, hành tây… Cái ngon ở đây phụ thuộc vào tài nêm nếm của bà nội trợ. Vì đây là loài hoa hiếm nên đúng nghĩa là ăn lấy hương lấy hoa.
Người miền Tây ăn hoa
|
Bông điên điển thường đi kèm cá linh |
Nói về chuyện ăn hoa, có lẽ người miền Tây vô địch trong việc chế biến món ăn từ nguyên liệu thiên nhiên này với danh sách dài dằng dặc từ lục bình, súng, điên điển, bần... cho đến so đũa, thiên lý...
Bông so đũa có thể chế biến thành rất nhiều món: gỏi bông so đũa, xào thịt bò, nấu lẩu…; đặc biệt nhất là canh chua bông so đũa.
Về bông điên điển, theo tôi, đây là loại rau nêm rất tuyệt vời cho món bún cá Châu Đốc. Tuy nhiên, để dậy mùi thơm và làm tăng vị ngon cho điên điển, phải nêm cùng rau răm và rau thơm. Món lẩu cá linh cũng phải có bông điên điển mới đúng điệu. Dễ tính nhất là xào với trứng hay thịt heo. Khi xào, bông điên điển giữ được trạng thái giòn, tuy có chút nhân nhẩn đắng nhưng ăn rất thú vị. Nữa là trong các món canh chua (cá linh, tôm, cá chép...), lẩu (cua đồng, cá chép...) hay làm nguyên liệu cho món bánh xèo.
|
Lẩu bông súng |
|
Gỏi bắp chuối |
Có lần tôi mua bông điên điển về thực hành theo một công thức trên mạng: nhặt bỏ cọng và hoa dập, rửa sạch để ráo rồi ngâm nước vo gạo. Bông vớt ra để ráo rồi ngâm với giấm, đường, muối... cùng giá sống; chỉ vài giờ là ăn được với thịt luộc, cá kho, thịt kho...
Một loại bông dân dã ở miền Tây là lục bình cũng có thể chế biến thành nhiều món ngon: ngó lục bình xào thịt ba chỉ, bông lục bình xào thịt bò, canh chua lươn nấu với bông lục bình...
Cũng là loài hoa miệt sông nước như lục bình là hoa súng. Cọng súng được dùng như rau sống trong món mắm kho, lẩu mắm hay làm gỏi chua ngọt; bông thì luộc hay xào với các loại rau khác. Ngoài ra, còn phải kể đến những món ngon khác từ bông súng như: canh chua cá lóc, cá linh, xào tỏi...
Trong khi đó, bông sen có thể tẩm bột chiên giòn, trang trí món ăn. Do vậy, với hoa sen, người ta có thể thưởng thức được cả vị giác và thị giác.
Hoa cúng cũng vào món ăn
|
Bông thiên lý |
Một lần, tôi ngạc nhiên khi nghe người bạn quê ở Lai Vung (Đồng Tháp) kể về món bông huệ xào tỏi. Thú thật tôi không hình dung được mùi hoa huệ quyện với mùi tỏi sẽ thế nào bởi huệ là một loài hoa cúng. Nhưng bạn tôi khẳng định, đó là món ngon ngày xưa ba bạn hay làm. Vì ba bạn là một đầu bếp có hạng nên món này rất khó quên.
Hương thơm tinh khiết của hoa huệ giúp món ăn không chỉ độc đáo mà còn kết hợp ăn ý với vị ngọt của thịt, tôm. Bạn tôi mô tả: “Tôm bóc vỏ, ướp gia vị. Bắc chảo lên bếp, phi hành rồi cho tôm vào xào chín, sau đó cho bông huệ đã rửa sạch vào, xào trên lửa lớn cho chín tới, nêm nếm gia vị vừa ăn. Tôm giòn, ngọt quyện với mùi thơm của tỏi, của bông huệ tạo nên một món ăn hấp dẫn”.
Tôi tìm hiểu mới thấy rằng hoa huệ cũng có thể chế biến thành món gỏi chua ngọt. Hoa làm gỏi phải tách bỏ cuống, chần qua nước sôi rồi vớt bỏ vào nước đá để giữ được màu xanh bắt mắt. Xếp hoa lên dĩa, rải lên trên nhúm rau húng, rau thơm cắt nhỏ, sau đó chan nước gỏi vào trộn đều. Cũng có thể thêm vào món gỏi chút thịt ba chỉ hoặc tôm luộc. Đơn giản hơn, có người chỉ chần sơ hoa huệ rồi chấm với kho quẹt cũng thành một món ngon đưa cơm. Vị hoa huệ giòn, ngọt, thơm mát kích thích vị giác.
Cũng độc đáo không kém gỏi hoa huệ là món gỏi gà bông vạn thọ chấm nước cá kho; tương tự vậy với hoa violet, cúc, hồng...
Cần lưu ý rằng một số loài hoa có thể gây dị ứng nghiêm trọng. Đặc biệt, người đang mang thai hay cho con bú phải cân nhắc, cẩn trọng khi ăn uống. Trước khi dùng, hãy biết chắc chắn về chúng. Thêm nữa, bây giờ, người trồng hoa hay bán hoa thường sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu... kích thích cây mau lớn, nhanh ra hoa và giữ hoa tươi lâu.
Đào Thị Thanh Tuyền
Nguồn ảnh: Internet